Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên tháng 1 năm 2018

Thiên Bình|04/04/2018 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất vùng Nam Bộ tháng 1 năm 2018

(Moitruong.net.vn) – Vùng Tây Nguyên gồm có 4 tầng chứa nước chính. Theo thứ tự từ trẻ đến già gồm: tầng chứa nước lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q), tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pleistocen giữa (βQII), tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới (βN2-QI) và tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (N). Trên cơ sở kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất, diễn biến tài nguyên nước dưới đất được phân tích và đánh giá để dự báo cho tháng 1 và tháng 2 năm 2018. 

Sơ đồ diễn biến mực nước tháng 1 tầng Q

Tầng chứa nước lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q)

Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 1/2018 so với tháng 12/2017 có xu hướng hạ, có 29/32 công trình mực nước hạ, 2/32 công trình mực nước dâng và 1/32 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Giá trị hạ thấp nhất là 1,97m tại xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai (CR313) và giá trị dâng cao nhất là 0,08m tại xã Diên Bình, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum (LK136Tm1).

Trong tháng 1: mực nước trung bình tháng sâu nhất là 8,33m tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (LK107aT). Mực nước trung bình tháng nông nhất là 0,18m tại xã Ea Kly, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk (LK51T).

Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 1 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm và 10 năm trước. Mực nước suy giảm lớn nhất so với cùng kỳ năm trước, 5 năm trước và 10 năm trước lần lượt là 0,79m; 1,01m và 2,04m tại TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum; huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai Lâm và huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Dự báo: diễn biến mực nước dưới đất tháng 2 có xu hướng hạ so với mực nước thực đo tháng 1. Mực nước hạ thấp từ 0,5m đến 1,5m tập trung ở TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum; các huyện Phú Thiện, Đăk Pơ, Mang Yang, TX.An Khê của tỉnh Gia Lai và huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Mực nước dâng cao từ 0,05m đến 0,5m tập trung ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.

Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pleistocen giữa (βQII)

Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 1/2018 hạ so với tháng 12/2017, có 27/27 công trình mực nước hạ. Giá trị hạ thấp nhất là 4,05m tại xã Chư Á, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai (CB1-I).

Trong tháng 1: mực nước trung bình tháng sâu nhất là 23,45m P.Yên Thế, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai (C3b). Mực nước trung bình tháng nông nhất là 1,28m tại xã Biển Hồ, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai (LK159T).

Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 1 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm và 10 năm trước. Mực nước suy giảm lớn nhất so với cùng kỳ năm trước, 5 năm trước và 10 năm trước lần lượt là 4,84m; 6,02m và 7,14m tại TP.Pleiku của tỉnh Gia Lai.

Dự báo: diễn biến mực nước dưới đất tháng 2 có xu hướng hạ so với mực nước thực đo tháng 1. Mực nước hạ thấp từ 1,5m đến 2,0m tập trung ở huyện TP.Pleiku của tỉnh Gia Lai.

Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới (βN2-QI)

Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 1/2018 so với tháng 12/2017 có xu hướng hạ, có 57/71 công trình mực nước hạ, 9/71 công trình mực nước dâng và 5/71 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Giá trị hạ thấp nhất là 3,55m tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông (LK41T) và giá trị dâng cao nhất là 0,61m tại xã DLiê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk (LK30T).

Trong tháng 1: mực nước trung bình tháng sâu nhất là 125,37m tại Phường 2, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (C10o). Mực nước trung bình tháng nông nhất là 0,24m tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông (LK45T).

Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 1 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm và 10 năm trước. Mực nước suy giảm lớn nhất so với cùng kỳ năm trước, 5 năm trước, 10 năm trước lần lượt là 7,34m; 6,15m và 5,66m; tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Dự báo: diễn biến mực nước dưới đất tháng 2 có xu hướng hạ so với mực nước thực đo tháng 1. Mực nước hạ thấp từ 2,0m đến 2,5m tập trung ở huyện Chư Pah của tỉnh Gia Lai. Mực nước dâng cao từ 0,5m đến 1,0m tập trung ở các TP.Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk và TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (N)

Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 1/2018 so với tháng 12/2017 có xu hướng hạ, có 15/22 công trình mực nước hạ, 5/22 công trình mực nước dâng và 2/22 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Giá trị hạ thấp nhất là 1,19m tại TT.Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai (C7b) và giá trị dâng cao nhất là 0,35m tại xã Chư Rcam, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai (LK37T).

Trong tháng 1: mực nước trung bình tháng sâu nhất là 17,98m tại xã Ialy, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai (LK62T). Mực nước trung bình tháng nông nhất là 0,90m tại xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk (LK52T).

Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 1 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm và 10 năm trước. Mực nước suy giảm lớn nhất so với cùng kỳ năm trước, 5 năm trước, 10 năm trước lần lượt là 0,79m; 1,42m và 3,37m tại TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum và huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. So với thời kỳ khô hạn trong năm 2017, mực nước năm nay có xu hướng dâng, giá trị dâng cao nhất là 2,63m tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai (LK35T).

Dự báo: diễn biến mực nước dưới đất tháng 2 có xu hướng hạ so với mực nước thực đo tháng 1. Mực nước hạ thấp từ 0,5m đến 1,5m tập trung ở các huyện Đắk Hà, huyện Đắk Tô và TP.Kon Tum của tỉnh Kon Tum. Mực nước dâng cao từ 0,5m đến 1,0m tập trung ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Thiên Bình 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên tháng 1 năm 2018