Kết quả sơ bộ quá trình khai quật di tích Hải Vân Quan

Đức Huy|25/08/2018 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Kết quả ban đầu về việc khai quật Di tích Chăm Phong Lệ

(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 24/8, tại đỉnh đèo Hải Vân, Sở VHTT TP. Đà Nẵng đã có buổi báo cáo kết quả khai quật khảo cổ và góp ý dự án đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích Hải Vân quan.

Quá trình khai quật di tích Hải Vân quan đã phát hiện nhiều dấu tích quan trọng

Với diện tích gần 900m2 khai đào tại 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích, kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân quan thời Nguyễn và một số dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây.

Cụ thể: Xác định được chân móng của cổng với kích thước cổng rộng toàn bộ 7,9m, cao 6,52m, dày 4,79m; vòm cổng rộng 3,47m, cao 4,55m. Nền cổng lát đá sa thạch, mép ngoài bó vỉa bằng hàng gạch vồ dựng nghiêng, tiếp đến là lớp đá dăm nhỏ đầm chắc với vôi hàu. Trước cổng có khoảng sân rộng 7,9m, dài 7,1m được đầm chặt bằng đất cát và đá núi loại nhỏ, mặt sân nề bằng vữa hàu truyền thống (dày 0,2m). Nền sân này đã trải quan nhiều giai đoạn cải tạo, bồi đắp.

Dấu tích kiến trúc cổng phụ hiện ra không còn nhiều, tuy nhiên dấu vết hệ thống tường thành cũ được tìm thấy, qua đó có thể khẳng định đa số những dấu tích tường thành hiện thấy đều đã được cải tạo, xây xếp vào giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ chiếm đóng; kiến trúc nhà Trú Sở có mặt bằng hình chữ nhật, mặt quay hướng tây, dài 9m, rộng 6m. Toàn bộ công trình được xây trên cấp nền cao từ 0,8 – 1,8m, dài 10,65m, rộng 7,3m, xung quanh kè đá núi, dày khoảng 0,6m; Vết tích kiến trúc nhà Vũ Khố đã bị triệt giải hoàn toàn, dấu tích mờ nhạt khó nhận biết, theo dự đoán quá trình xây dựng hầm bê tông đã đào phá toàn bộ dấu tích nền móng của kiến trúc Vũ Khố.

Nhiều thông tin về con đường thiên lý khi xưa cũng được phát hiện trong thời gian khai quật, như phát hiện ra lối đi của đường thiên lý từ Kinh đô Huế vào cổng Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan (THĐNHQ), khoảng 300m về phía đông bắc cũng phát hiện dấu tích đường thiên lý từ Kinh đô Huế về Hải Vân Quan qua cổng THĐNHQ men theo sườn núi…

Dấu tích kiến trúc cổng phụ hiện ra đã không còn nhiều

Từ kết quả khảo cổ cho thấy, dấu vết về di tích Hải Vân Quan hiện hữu trên mặt đất ngày nay, ngoài hai cổng Hải Vân Quan và THĐNHQ còn lại từ thời Nguyễn (năm 1826) thì chủ yếu là những dấu tích xây dựng mới hoặc được cải tạo trong giai đoạn 1946 – 1975.

Song song với việc tiến hành nghiên cứu, làm xuất lộ các dấu tích kiến trúc của Hải Vân Quan, trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ, nghiên cứu cũng đã thu thập được một số các loại hình di vật, bao gồm vật liệu gạch, ngói, mảnh vỡ các loại hình đồ sành, sứ, gốm men, đồ đất nung và mảnh bia đá thời Nguyễn. Bên cạnh đó là các đồ sinh hoạt được làm bằng sắt, inox và thủy tinh của binh lính quân đội Pháp, Mỹ. Chắc chắn sau khi được tiến hành phân loại, xử lý bảo quản, gắn chắp, giám định niên đại… bộ sưu tập hiện vật này sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học để phục vụ hiệu quả cho công tác thiết kế, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích và phát huy trưng bày tại di tích này” – ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng tiết lộ.

Qua kết quả khảo cổ sơ bộ, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chất và Hoàng Văn Thưởng (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đã đưa ra một số kiến nghị: Cần thiết kế tôn tạo, phục hồi di tích Hải Vân Quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Theo đó, sẽ tháo dỡ những kiến trúc xây mới trên nóc hai cổng Hải Vân Quan và THĐNHQ cũng như các công trình bên trong khu di tích.

Phục hồi lại hệ thống tường thành, ụ súng Thần công, bậc cấp, đường đi  qua hai cổng. Nghiên cứu phục hồi kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố làm nơi đón tiếp khách tham quan và thiết kế trưng bày bảo tàng giới thiệu lịch sử hình thành và biến đổi của di tích; nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ và xem đây như những chứng tích lên án chiến tranh và phản ánh sinh động những giai đoạn biến đổi qua các thời kỳ lịch sử của di tích; tiến hành cải tạo không gian mặt bằng xung quanh di tích, tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.

 Đức Huy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả sơ bộ quá trình khai quật di tích Hải Vân Quan