Khám phá con đường di cư của các loài động vật hoang dã

Chu Mạnh Cường|30/05/2018 05:57
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Di cư là một phản ứng sinh học theo mùa, địa lý hàng năm của hàng trăm loài vật trên thế giới. Di cư để tìm kiếm thức ăn, nước uống, chỗ sinh nở thích hợp, tránh nóng hoặc rét. Có nhiều loài một năm di cư vài lần, qua lại hai chiều, song cũng có loài chỉ đi không về, tới đích để đẻ trứng rồi chết. Những con non nở ra mới trở về nơi xuất phát của cha mẹ và đến tuổi sinh sản lại di cư.

Di cư cá voi lưng gù

Như có ma lực, cứ vào xuân, hè hay thu, từ những sinh vật có cánh đến vây hoặc móng guốc đều lũ lượt đổ về phương Bắc hoặc phương Nam. Mỗi đàn có thể lên tới hàng nghìn con chen chúc, vượt sông, núi, biển, sa mạc và hơn thế còn chiến đấu với thú dữ như hổ, báo, sói, cầy, chim ưng, kền kền, cá sấu, cá mập… nhằm sống sót và tiếp tục hành trình đã kế thừa từ tổ tiên vài nghìn năm trước. Không chỉ đi một đoạn, nhiều khi chúng còn băng qua các châu lục, đại dương. Như loài chim hải âu bồ hóng (Sooty Shearwater) với 65.000km, từ New Zealand qua Bắc Mỹ, Nam Cực tới châu Phi; chim nhạn Bắc Cực (Arctic Tern) với 33.000km từ Bắc Cực tới châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ và Nam Cực; choắt mỏ trắng đuôi vằn (Bar tailed Godwit) với 30.000km từ Alaska đến Australia. Ngoài ra, loài cá voi lưng gù (Humpack Whale) với 22.000km, voi biển Bắc (Northern Elephant Seal) với 21.000km, rùa lưng da (Leatherback Turtle) với 20.000km, chuồn lang thang (Globe Skimmer) 18.000km, bướm cánh vẽ (Painter Lady) 15.000 km, cá hồi vây xanh (Bluefin Salmon) 7.700 km… Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng tráng lệ và là một hiện tượng kỳ thú, ngoạn mục.

Di cư Saiga antelope

Dễ quan sát nhất là những cuộc di cư của loài móng guốc trên mặt đất, do chúng to rõ rệt, đi lại hùng dũng cùng những tiếng động vang dội. Trong đó, nổi bật là chuyến đại di cư của loài linh dương đầu bò (Wildebeest) giữa hai nước Tanzania và Kenya, Đông Phi. Vào mỗi tháng sáu, đầu mùa khô, sẽ có khoảng 1,5 triệu con linh dương đầu bò nối đuôi nhau Bắc tiến, từ công viên quốc gia Serengeti, khu bảo tồn Ngorongoro, khu kiểm soát trò chơi Loliondo và khu dự trữ sinh quyển Grumeti của Tanzania hướng về những quả đồi và dòng sông Marai hùng vĩ của Kenya để tránh nóng, tìm nước uống và cỏ non dưới mưa.

Cảm nhận được những cơn mưa từ xa, từ khắp nơi trên 2.4994 km2 của hệ sinh thái Serengeti-Mara, chúng tụ lại và cùng đi 3.000 km tới những nơi có nhiều cỏ non và sinh sản an toàn. Nhập cuộc cùng linh dương đầu bò, còn có 500 nghìn con linh dương Thomson Gazelle, 200 nghìn con ngựa vằn Burchell zebra và 18 nghìn con linh dương Eland. Sở dĩ chúng đi cùng nhau để được ăn những phần ưa thích riêng của cùng một loại cỏ mọc dưới mưa lúc này. Linh dương đầu bò ăn cỏ mọc ngắn, ngựa vằn ăn cỏ cao hơn, còn linh dương Gazelle thì ăn cỏ mầm… Trên đường đi, chúng gặp rất nhiều thú dữ như báo, sư tử, linh cẩu. Ước tính có khoảng 3 nghìn con sư tử đợi chúng dọc đường, dẫn tới vô số màn rượt đuổi, chạy trốn giữa kẻ đi săn và con mồi gay cấn. Chưa hết, chúng còn bị tấn công bởi một kẻ thù bí hiểm là cá sấu châu Phi, có thể nằm sâu dưới nước và lao lên bất thình lình cắn chúng. Có hai con sông đầy cá sấu mà đoàn thú phải vượt qua là sông Grumeti vào khoảng nửa đường và sông Mara cuối đường. Vào tháng 10, khi đã ăn hết cỏ trên cao nguyên, chúng lại quay về phía Nam để đón một mùa mưa nữa, dài hơn từ tháng ba đến tháng năm. Tổng cộng trong cả hành trình, có khoảng 250 nghìn con linh dương đầu bò và 30 nghìn con ngựa vằn bị ăn thịt hoặc kiệt sức. Tuy nhiên, khi quay về phía Nam công viên Serengeti, nhờ những đồng cỏ xanh tốt, chúng phục hồi cực nhanh và liên tục sinh con, trong đó tháng hai là tháng linh dương đầu bò đẻ nhiều nhất, mỗi ngày cho ra đời 8 nghìn con non. Chỉ sau vài tháng, khi đủ cứng cáp, những con non lại theo mẹ di cư.

Di cư voi biển

Ấn tượng không kém về số lượng con thú di cư ở Trung Phi là đàn linh dương tai trắng Kob của Nam Sudan. Vào mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4, ở đây luôn có khoảng 1,2 triệu con linh dương Kob di cư về phía Tây kiếm ăn, từ công viên quốc gia Boma tới các đồng bằng ven dòng sông Nile Trắng. Cùng đó là 125 nghìn con linh dương sừng cong Tiang tại công viên quốc gia Bandingilo, Nam tiến từ vùng đầm lầy khô cằn ở Sudd về các vùng trũng thấp để tìm nước cách xa gần 1.500 km. Cả hai loài đều phải băng qua các khu vực chiến sự hết sức ác liệt do từ năm 1983 đã có nội chiến, gây tổn hại rất nhiều cho động vật hoang dã, mà một ví dụ tiêu biểu là trước khi có chiến tranh đã từng thấy 80 nghìn con voi nhưng nay chỉ còn 2.000 con. Hai loài linh dương cũng đang gặp nguy hiểm mặc dù hiện giờ đã được bảo vệ. Do phụ thuộc vào nước nên chúng bất chấp tên đạn, hàng rào và sự săn lùng, đi hết từ đồng cỏ này tới đồng cỏ kia. Bình thường, tại vùng đầm lầy, chúng có thể đi hàng trăm km và ở nơi khô cằn là hơn 10 km để tới chỗ có nước.

Đầu mùa mưa vào tháng 11 ở Botswana, cũng có 25 nghìn con ngựa vằn bắt đầu xuyên qua hai công viên quốc gia Nxai Pan và Makgadikgadi, làm nên một chuyến di cư của loài ngựa lớn thứ hai châu Phi. Sau khi tập trung quanh các đồng cỏ ngập nước châu thổ sông Chobe giữa Botswana và Namibia, đàn ngựa tràn xuống những thảo nguyên xanh tươi bao la của Kalahari với đoạn đường hơn 1.000 km/năm. Phần lớn phi thẳng về phía Nam, hướng đến Nxai Pan, song một số thỉnh thoảng lại nghỉ chân dọc đường, thưởng thức cỏ non ở đồng bằng Seloko rồi mới tới đích. Chuyến đi này dài khoảng 250 km và mất khoảng 14 đến 20 ngày đường, với những con còn lượn lờ là 400 km và 30 ngày. Đàn ngựa thường ở lại Nxai Pan hai tháng và đầu tháng ba thì trở về dòng sông Chobe, mà lần này thường mất khoảng 80 ngày với khoảng cách 800 km. Do không đi cùng loài khác nên chúng cực kỳ bắt mắt. Từ xa đã nhận ra tiếng hí, tiếng vó ngựa bạt gió và những sọc rằn hấp dẫn.

Di cư ngựa vằn Zebra

Hàng năm, cứ tháng giêng, tại khu dự trữ sinh quyển Sokhondinsky Nga, nơi thượng nguồn của dòng sông Amur cách phía bắc biên giới với Mông Cổ lại thấy từng đàn linh dương, còn gọi con Zeer di cư từ Mông Cổ sang. Đây là một loài dê núi nhỏ, sừng ngắn từng sống ở Kazakhstan, Nga, Trung Quốc và giờ đây thu gọn ở Mông Cổ và Đông Siberia trong diện tích 400 nghìn km2. Vì khí hậu lạnh lẽo, ít cỏ nên chúng di chuyển liên tục để kiếm ăn và thường đi từng đàn từ 35 nghìn đến 80 nghìn con và thậm chí 250 nghìn con. Các chuyến di cư thường diễn ra vào xuân và thu là hai mùa sinh sản và tránh rét. Mỗi ngày, chúng có thể đi 300 km từ các thảo nguyên ở đông Mông Cổ tới khu bảo tồn trên và tại đây 90% các con cái sẽ đẻ con trong vòng bốn ngày như một chiến lược để đối mặt với mùa cỏ mọc rất ngắn và những con thú săn mồi chớp nhoáng như sói, ưng.

Linh dương Chiru Tây Tạng lại là một loài vật to như con bò với một cặp sừng dài tới 60 cm cùng bộ lông dày như lông cừu. Là một sinh vật quen với độ cao tới 5.500 m, chúng cũng thường xuyên đi lên đi xuống núi với hàng đàn lên tới 150 nghìn con để tìm thức ăn và nơi sinh sản. Đặc biệt chỉ có con cái di cư để sinh đẻ, còn con đực ở nguyên một chỗ. Mỗi ngày, chúng có thể đi 300 đến 400 km, từ những chỗ có tuyết lạnh mùa đông tới những chỗ nắng ấm áp mùa hè. Từng nhóm 1.000 nghìn đến 10 nghìn con đi với tốc độ 85 km/giờ. Từ tháng 3, đầu xuân chúng bắt đầu di cư sang phía Bắc và sau khoảng một tháng tới đích. Các con vật thường đẻ ngay và nghỉ ngơi khoảng 20 ngày thì lại quay về với một chú bê.

Di cư Chiru

Một cuộc di cư đẹp mắt nữa là của linh dương mũi to Saiga Trung Á. Vốn dĩ còn thấy tại Đông Âu song giờ chúng tập trung chủ yếu ở Kazakhstan, Uzbekistan, tây Mông Cổ và vùng Precaspian Nga. Thường đi từng nhóm 30 con, nhưng khi di cư đàn thú có thể lên tới 100 nghìn con, di chuyển với tốc độ 80 km/giờ, đi 1.120 km từ chỗ mùa đông tới chỗ mùa hè và ngược lại. Nhìn chúng rất ngộ nghĩnh vì có vẻ giống với một chú cừu với cái mũi to và dài tựa vòi voi, nhờ cái mũi này mà con vật có thể làm ấm không khí qua phổi khi trời lạnh, và hít thở dễ dàng cũng như ngăn chặn bụi vào phế quản trong các chuyến di cư qua các đồng cỏ bụi bặm.

Suốt 9.000 năm, những đàn tuần lộc Caribou ở bang Alaska- Mỹ, bắc Canada, Scandinavia và Nga vẫn di cư về nơi chúng sinh sản, rồi trở lại nơi sống bình thường và tiếp tục là chỗ tránh rét với tổng khoảng cách lên tới 5.000 km. Đầu tiên vào xuân, khi tuyết ở Bắc Cực tan, những con hươu sẽ đi về hướng bắc tìm nơi giao phối. Chúng đẻ con tại đây và khi tới hè, khí hậu nóng nực nhiều muỗi lại di chuyển, tìm tới những vùng đất xanh tươi, ít côn trùng hơn, và khi mùa thu trời bắt đầu lạnh thì tiến về phía Nam tránh rét và nghỉ ngơi suốt mùa đông, cho tới tháng 3 lại quay về nơi giao phối. Trong mỗi chuyến di cư, có từ 50 nghìn đến 500 nghìn con hươu, cả già lẫn non. Lớn nhất trong các đàn tuần lộc là đàn hươu của Alaska với gần một triệu con. Hàng năm đều di cư từ đồng bằng ven biển Alaska xuyên qua một quãng đường khoảng 1.300 km, cắt ngang hạt Yukon-Canada để tới châu thổ Makenzie ở Northwest Territories và trú đông trong rừng Richardson và dãy núi Ogilvie.

Di cư cá voi lưng gù

Tuy chỉ có 300 con linh dương gạc đa nhánh Pronghorn di cư về phía Nam của bang Wyoming-Mỹ, song đây là đoàn thú trên mặt đất di cư đông thứ hai Tây Bán Cầu với 240km. Trong 6.800 năm, chúng cũng thường xuyên đi từ công viên quốc gia Grand Teton tới thung lũng sông Upper Green để tránh rét. Mỗi năm hai lần, chúng băng qua bốn dòng sông lớn gồm New Fork, Green, Gros Ventre và Snake và một đèo hẹp phủ dầy tuyết. Hai cây cầu dành cho động vật hoang dã bên quốc lộ 191 cùng khá nhiều đoạn dốc cheo leo, thắt cổ chai, mà ta khó lòng vượt nổi.

Có thể nói di cư đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, cho thấy chu kỳ vòng đời, nhịp sống rộn ràng trên trái đất và là một bài ca hùng tráng về tự do, hòa bình và đoàn kết khi mọi môi trường, mọi khu vực đều liên hệ với nhau.

Chu Mạnh Cường


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá con đường di cư của các loài động vật hoang dã