Khẩn cấp hỗ trợ ĐBSCL ứng phó hạn mặn

(Theo Báo Lao động)|08/03/2016 02:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

4-1_opt (Custom)_PHUV

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc ngày 7.3. Ảnh: TRẦN LƯU

Hạn mặn bủa vây khắp vùng ĐBSCL

Ngày 7.3, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương ĐBSCL để bàn giải pháp ứng phó với hạn mặn. Tính đến nay, đã có 139.000ha lúa đông xuân bị thiệt hại, trong đó có 86.000ha bị thiệt hại trên 70% năng suất (chiếm 31%) và 9.800ha bị thiệt hại dưới 30% năng suất (chiếm 7%). Các tỉnh bị thiệt hại nặng là Cà Mau (49.343ha), Kiên Giang (34.093ha), Bạc Liêu (11.456ha), Bến Tre (13.844ha)…

Hiện tại, nông dân trong vùng đang tiếp tục thu hoạch lúa đông xuân (đến nay thu hoạch được trên 40% diện tích) và dự kiến sẽ có thêm khoảng 46.000ha lúa bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Riêng vụ hè thu, nếu hạn mặn kéo dài đến tháng 6, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000ha không thể xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước. Đặc biệt, hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (575.000 người) bị thiếu nước gồm 144.000 hộ chưa được cấp nước tập trung và 11.000 hộ được cấp nước tập trung. Đặc biệt, toàn tỉnh Bến Tre hiện nay chỉ còn 4 xã thuộc huyện Chợ Lách có nguồn nước chưa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Do hạn hán, nguồn nước cạn kiệt, nhiều khu vực như hai cánh rừng lớn là U Minh Hạ và U Minh Thượng đang nằm trong mức độ cảnh báo cháy cao (cấp 4, cấp 5).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải: Hiện tỉnh này có tới 49.343ha lúa bị thiệt hại. Ngoài ra, tỉnh có tổng số 42.000ha rừng tràm, trong đó có 3.000ha ở nguy cơ cháy cấp 4 và 4.000ha nằm ở nguy cơ cháy cấp 5 (cực kỳ nguy hiểm). Đáng lo nhất là các kênh, rạch cấp 2 – 3 gần như bị kiệt nước, dẫn đến khó khăn cho việc cung cấp nước chữa cháy và sinh hoạt, sản xuất người dân. Vừa qua, tỉnh Cà Mau phải công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1.

Tập trung mọi nguồn lực ứng phó

Trước thực trạng trên, các địa phương đã chủ động ứng vốn dự phòng để đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tổ chức bơm chuyền, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng cho dân sử dụng. Trong đó, Kiên Giang đắp 82/89 đập tạm; khoan nước ngầm với công suất 20.000m3/ngày đêm. Tỉnh Tiền Giang đầu tư hệ thống bơm công suất 32.000m3/giờ để đưa nước ngọt bổ sung cho vùng ngọt hóa Gò Công. Tỉnh Bến Tre dùng sà lan chở nước ngọt cho dân vùng bị mặn nghiêm trọng. Sóc Trăng mở nhiều điểm cấp nước công cộng miễn phí.

Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân 2015-2016 với tổng kinh phí trên 623 tỉ đồng. Ngoài ra, cần xem xét, hỗ trợ 215 tỉ đồng cho các địa phương để mua giống, khôi phục sản xuất cho các diện tích bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt là tạm ứng hỗ trợ khẩn cấp kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn để đắp đập tạm, cấp nước sinh hoạt cho các địa phương trong khu vực, mỗi địa phương khoảng 50 tỉ đồng (tổng cộng 650 tỉ đồng). Ưu tiên bố trí 1.060 tỉ đồng (giai đoạn 2016-2020) để đầu tư một số hạng mục công trình, công trình để phát huy hiệu quả đầu tư, đưa vào sử dụng phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn… Đặc biệt là ưu tiên bố trí nguồn vốn trái phiếu chính phủ qua Bộ NNPTNT giai đoạn 2016-2020 cho các dự án quan trọng có tác động liên vùng với tổng kinh phí là 8.000 tỉ đồng, bao gồm: Cống Cái Lớn – Cái Bé; cống Tha La – Trà Sư; Âu Ninh Quới và hệ thống chuyển nước cho nam quốc lộ 1A; kênh Mây Phốp – Ngã Hậu; sạt lở bờ biển Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; hệ thống nam Bến Tre; hệ thống ngăn mặn tiếp ngọt Vũng Liêm – Vĩnh Long; hệ thống ngăn mặn Chắc Băng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương triển khai các giải pháp để tập trung thu hoạch và bảo vệ tốt diện tích lúa đông xuân còn lại. Đối với những nguồn kinh phí đã nằm trong quy định cần triển khai ngay để hỗ trợ cho người dân. Đối với những thiệt hại của nông dân, ngành ngân hàng cần khoanh nợ không tính lãi và triển khai cho vay ngay để người dân sản xuất vụ tiếp theo. Trước mắt, các địa phương phải tập trung đảm bảo nước ngọt, hợp vệ sinh cho người dân, không để dịch bệnh xảy ra hoặc người dân bị thiếu nước. Các địa phương coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị, để tập trung chỉ đạo sâu sát, tất cả cùng vào cuộc để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Thủ tướng đồng ý chi hỗ trợ thiên tai cho 39 địa phương trong cả nước số tiền 524 tỉ đồng, trong đó 9 tỉnh ĐBSCL là 137 tỉ đồng (đến tháng 1).

(Theo Báo Lao động)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn cấp hỗ trợ ĐBSCL ứng phó hạn mặn