Kiểm soát đơn thuốc bằng ứng dụng công nghệ thông tin

28/02/2017 01:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Để tránh nhầm lẫn thuốc, kê sai đơn thuốc, những năm qua nhiều bệnh viện đã ứng dụng thành công việc sử dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và kiểm soát các đơn thuốc. 

Truy xuất đơn thuốc bất hợp lý
Việc kê đơn thuốc điều trị một mặt đòi hỏi phải đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, đạt hiệu quả điều trị, mặt khác còn phải hợp lý với khả năng kinh tế của từng người bệnh.
Trong khám, chữa bệnh ngoài việc bác sĩ (BS) khám, chẩn đoán đúng thì kê đơn thuốc là khâu rất quan trọng có thể giúp bệnh nhân khỏi bệnh hay không, khỏi bệnh nhanh hay chậm, tốn kém nhiều hay ít.
images458941_pr10a
Kê đơn, sử dụng thuốc cho bệnh nhân là khâu quan trọng trong điều trị bệnh
Tiên phong trong lĩnh vực giám sát kê đơn thuốc có thể nói đến là BV Nhi đồng 1, đã làm từ rất lâu. Lãnh đạo BV Nhi đồng 1 cho biết trước đây đơn thuốc do BS viết tay và quy trình giám sát kê đơn được BV thực hiện mỗi tuần 1 lần.
Theo định kỳ, BV sẽ cử một BS và một dược sĩ giám sát, ghi nhận bệnh nhân đến mua thuốc tại nhà thuốc BV sau khi khám và chụp lại những đơn thuốc có dấu hiệu “bất thường”. Đơn thuốc đó sẽ được nhập vào máy tính và báo cáo cho lãnh đạo BV để đưa ra bình đơn thuốc. Nhưng nỗ lực này cũng làm không xuể vì BV có hàng ngàn đơn thuốc mỗi ngày mà chỉ kiểm tra được 100 đơn/ngày là quá ít.
Từ năm 2006 BV đã triển khai kê đơn thuốc trên máy tính. Đến năm 2011 BV đã xây dựng và hoàn chỉnh phần mềm chương trình giám sát trực tiếp đơn thuốc qua hệ thống mạng máy tính nội bộ và BV dễ dàng quản lý khoảng 5.000 – 6.000 đơn thuốc được kê tại khoa khám bệnh/ngày.
Theo chương trình này, ngay sau khi BS kê đơn thì dữ liệu đơn thuốc lập tức sẽ chuyển về hệ thống máy chủ trung tâm của BV. Máy chủ có thể truy xuất ngay tức thời dữ liệu các đơn thuốc. Lãnh đạo BV có thể theo dõi trực tuyến đơn thuốc của từng phòng khám, từ đó phát hiện và chấn chỉnh những sai sót, nếu có.
Bên cạnh đó, lãnh đạo BV còn theo dõi trực tuyến một số chỉ số chất lượng như số lượng thuốc trung bình trên mỗi đơn thuốc; chi phí trung bình trên mỗi đơn thuốc; tỷ lệ đơn thuốc có kê vitamin, kháng sinh; những loại thuốc có số lượng sử dụng nhiều nhất, chi phí nhiều nhất…
BV sẽ tiến đến kê đơn thuốc Real-time bằng hình thức báo động qua thư điện tử (email). Nếu hệ thống phát hiện có toa thuốc bất thường sẽ tự báo động về email người quản lý, không phải mất nhân sự giám sát trực tuyến.
Mang lại lợi ích cho người bệnh
Lâu nay việc sử dụng kháng sinh kéo dài, lạm dụng… đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc. Đó là lo ngại của các BS, BV và của cả cộng đồng. Chính vì vậy từ năm 2015, BV Nhân dân Gia định TP.HCM đã thiết lập, triển khai chương trình quản lý, sử dụng thuốc kháng sinh bằng công nghệ thông tin.
Với việc giám sát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh từ phác đồ, danh mục đến kê đơn thì người bệnh đã được sử dụng kháng sinh đúng ngay từ khi vào BV, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị và giảm tỷ lệ tử vong.
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh của các khoa lâm sàng tại BV Nhân dân Gia Định, đặc biệt Khoa Ngoại thần kinh tăng mạnh từ 11% năm 2015 lên 65% năm 2016.
Còn với một BV đa khoa hạng đặc biệt như BV Chợ Rẫy chuyên điều trị những ca bệnh “đặc biệt” nặng thì lượng thuốc sử dụng mỗi ngày, đặc biệt là thuốc kháng sinh mắc tiền là rất lớn. Đây không chỉ là kinh tế y tế mà còn là vấn đề phòng chống đề kháng thuốc kháng sinh cho cộng đồng của BV này.
Từ tháng 1.2014 – 6.2016, chương trình Giám sát sử dụng kháng sinh của BV Chợ Rẫy được khởi động và phủ toàn bộ các khoa lâm sàng. Hiệu quả cho thấy tình trạng đề kháng kháng sinh tại BV giảm; số lượng kháng sinh sử dụng trong BV giảm.
Cụ thể, tỷ lệ sử dụng kháng sinh năm 2015 chỉ bằng 64% so với năm 2014 và 68% so với năm 2013. Một điều có ý nghĩa nữa là năm 2015 tiền chi cho thuốc kháng sinh của người bệnh điều trị tại BV này giảm đến 46 tỉ đồng so với năm 2014.
An Nhiên (T/h)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát đơn thuốc bằng ứng dụng công nghệ thông tin