Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường do vận chuyển hóa chất

Theo Nhân dân|21/11/2018 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Rất may hàng chục tấn hóa chất nguy hại chứa trong các bình nhựa bị chìm xuống sông Đồng Nai mới đây đã được trục vớt kịp thời. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố, cũng như quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến, nhất là từ những người dân đang sinh sống trên lưu vực sông Đồng Nai rất băn khoăn, lo lắng về khả năng ô nhiễm môi trường do các bình hóa chất bị chìm gây ra, cũng như nguy cơ những sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

>>> Tiền Giang: Người dân tiếp tục căng băng rôn, dựng lều phản đối trại gà gây ô nhiễm

>>> Vụ “bão ruồi” tại Quảng Bình: Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm nhưng chưa đưa ra quyết định xử phạt

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây nên các sự cố hóa chất nguy hại chủ yếu do việc sử dụng hóa chất không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn; trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng hóa chất không thực hiện nghiêm các quy định an toàn. Khi để xảy ra sự cố, cháy nổ, rò rỉ các hóa chất phát tán sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, gây ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất…

Trong khi đó, công tác quản lý hóa chất còn chồng chéo giữa nhiều cơ quan, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Mặt khác, bộ máy, nguồn nhân lực quản lý hóa chất tại các địa phương còn mỏng, nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên môn, cho nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ còn lúng túng. Việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hóa chất còn chưa tốt. Mặc dù Bộ Công thương đã đưa ra một số quy định cụ thể đối với người sử dụng và phương tiện vận chuyển hóa chất, nhưng hiện nay vẫn còn không ít các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm các quy định đã đề ra, thậm chí trốn tránh, hoặc chống đối các cơ quan chức năng khi bị thanh tra, kiểm tra.

Để từng bước khắc phục những tồn tại, bất cập, kiểm soát có hiệu quả nguy cơ ô nhiễm môi trường do hóa chất gây ra, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống chính sách quản lý, sản xuất, bảo quản, vận chuyển hóa chất đầy đủ và thống nhất. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, huấn luyện cho các doanh nghiệp về các nội dung: điều kiện về đóng gói bao bì, vật chứa, ghi nhãn và biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm; phương tiện, thiết bị để vận chuyển hóa chất nguy hiểm, qua đó hạn chế, ngăn chặn sự rò rỉ các chất độc hại và lây nhiễm ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố… Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung kiểm soát các loại chất hóa học, chấm dứt tình trạng sử dụng tràn lan và mua bán rộng rãi như hiện nay, nhất là đối với một số hóa chất độc hại, có nguy cơ ô nhiễm khó có thể phục hồi.

Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản hóa chất cần xây dựng các phương án phản ứng nhanh, thậm chí là “kịch bản sự cố, thảm họa” do cháy nổ, rò rỉ đối với các sản phẩm là hỗn hợp hóa chất nguy hiểm gây ô nhiễm thức ăn, không khí và nguồn nước; ứng phó kịp thời các sự cố, xử lý tràn hóa chất, nhất là chương trình kiểm soát hóa chất tại mỗi doanh nghiệp. Người làm việc tại cơ sở có tiếp xúc với hóa chất, phải được đào tạo và cấp thẻ an toàn lao động; các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản hóa chất phải thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn cho người lao động. Đồng thời, cần phải nâng cao năng lực thực thi công tác kiểm soát ô nhiễm hóa chất ở cả cấp trung ương và địa phương, trong đó cần đẩy mạnh việc áp dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ về theo dõi, phát hiện, ngăn chặn, xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường do các sự cố hóa chất gây ra..

Theo Nhân dân


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường do vận chuyển hóa chất