Kiên Giang: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác của các tàu cá

Trương Anh Sáng|01/11/2018 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ đầu năm đến nay, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã phối hợp kiểm tra hành chính 1.132 phương tiện tàu cá chủ yếu là nghề lưới kéo và tập trung vào các tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 96 vụ, 119 phương tiện với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 556.600.000đ về hành vi viết số đăng ký tàu cá và đánh dấu nhận biết tàu cá không đúng quy định; đang điều tra, xác minh đối với 29 chủ tàu (34 phương tiện) trên địa bàn tỉnh có hành vi đưa tàu cá khai thác hải sản ở các vùng biển các nước như: Indonexia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan…để tiến hành xử lý theo quy định.

– Trong thời gian gần đây, tình trạng tàu cá của Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép vẫn còn xảy ra đã ảnh hưởng không tốt đến quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước có liên quan. Vì vậy, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết chấm dứt tình trạng này nhằm đảm bảo quy định của IUU.

>>> Nghệ An: Nông dân trồng ớt chỉ thiên lãi hơn 130 triệu/ha

>>> TP. HCM: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Hình ảnh tàu cá neo đậu tại cảng cá Tắc Cậu

Công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Thanh tra chuyên ngành Chi cục thủy sản đã tổ chức 25 đợt tuần tra, kiểm tra 473 phương tiện, trong đó, đã xử lý hành vi không có sổ nhật kí khai thác 150 phương tiện, có sổ nhật kí khai thác nhưng không ghi 09 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản 98 phương tiện.

Theo số liệu của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Vùng 5 hải quân và Sở ngoại vụ tỉnh cung cấp thì trong 9 tháng đầu năm 2018 có 33 tàu cá và 311 ngư dân Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, trong đó, Malaysia 18 tàu và 194 ngư dân; Thái Lan 02 tàu và 14 ngư dân; Campuchia 13 tàu và 103 ngư dân (so với cùng ký 9 tháng đầu năm 2017 giảm 25 tàu và 135 ngư dân). Các tàu cá và thuyền viên bị các nước sở tại tịch thu tàu, phạt tù thuyền trưởng, riêng các tàu và thuyền viên bị Campuchia bắt sau khi phạt tiền thì thả tàu và thuyền viên về. Việc làm này không chỉ gây thiệt về tài sản và tính mạng của ngư dân mà còn ảnh hưởng không tốt đến quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước có liên quan. Số tàu cá vi phạm đã được công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định tại các địa phương và tiến hành điều tra, xác minh và xử lý vi phạm theo đúng quy định.

Qua các đợt cao điểm thực hiện phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, lực lượng biên phòng tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 08 vụ, 17 phương tiện với hành vi đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, xử phạt 577.750.000đ và tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng 4 đối tượng, tước giấy phép khai thác thủy sản 5 phương tiện trong thời hạn từ 3 đến 5 tháng.

Để xảy ra những tồn tại nêu trên là do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương một số nơi còn chưa quyết liệt và chưa kịp thời trong việc ngăn chặn và xử lý dứt điểm các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Việc xử lý các chủ tàu và thuyền trưởng cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép còn hạn chế so với số lượng tàu vi phạm. Công tác điều tra, xác minh và đưa ra khởi tố hình sự đối với các tổ chức, cá nhân móc nối với các nước để đưa tàu cá sang hoạt động khai thác trái phép vẫn còn chậm; các chủ tàu, thuyền trưởng thường trốn tránh trách nhiệm không thừa nhận, không hợp tác và xóa các dữ liệu định vị khi các lực lượng chức năng đến điều tra, xác minh hay kiểm tra, kiểm soát.

Nhằm chấm dứt các tình trạng vi phạm trên lĩnh vực khai thác thủy sản, trong thời gian tới, các ban ngành đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 689/CT-TTg, Công điện số 732/CĐ-TTg, Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03 –CT/TU của tỉnh ủy, Chỉ thị số 464/CT-UBND, Chỉ thị số 2937/CT-UBND; triển khai thực hiện Kế hoạch số 82/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.

Tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước không vi phạm về khai thác IUU tại các cảng cá, bến cá khi tàu cập bến lên cá. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của IUU, nhất là việc ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Các lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ cac thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định, tập trung các tàu cá có dấu hiệu vi phạm nước ngoài. Tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, nhất là tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn và kiên quyết xử lý các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản. Tăng cường hướng dẫn ngư dân ghi nhật kí khai thác, báo cáo khai thác thủy sản, xử ý nghiêm các trường hợp không ghi nhật kí hoặc ghi nhật kí không đúng.

Tăng cường công tác điều tra, xác minh các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu móc nối đưa tàu đi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép tiến hành đưa ra khởi tố hình sự những vụ điển hình đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Thực hiện việc cấm đóng mới, nhập khẩu, thuê tàu trần, cải hoán hoặc chuyển sang các nghề: kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng, nghề te, xiệp, xịch, đáy trong sống, đáy biển, nghề lưới kéo; tàu lắp máy chính dưới 30 sức ngựa làm các nghề khác hoặc các nghề cấm phát triển do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đã được sự đồng ý của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trương Anh Sáng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác của các tàu cá