Kỳ diệu những loài sinh vật trường thọ

Chu Mạnh Cường|21/02/2018 03:23
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sứa bất tử – tên khoa học là Turritopsis doohmii

(Moitruong.net.vn) – Khác với người, ở ngoài tự nhiên, lại có những sinh vật sống rất lâu, có thể hơn cả thế kỷ, thậm chí thay da, đổi thịt kỳ diệu – trong đó phải kể tới một số giống loài sau, được xem là những con vật may mắn đã tìm thấy suối nguồn tươi trẻ.


Đứng đầu danh sách trường thọ là một loài sứa bé bỏng, thường gọi là sứa bất tử và có tên khoa học là Turritopsis doohmii, sống tại vùng nước ấm của biển Nhật Bản và Địa Trung Hải. Nó chỉ dài 5mm, trông như một cái chén úp màu trắng lơ lửng trong nước và di chuyển bằng những sợi tua. Con vật không ngại bị va đập vì mỗi lúc ốm đau, nó sẽ rơi vào trạng thái polyp trong khoảng ba ngày, cơ thể sẽ tự tiết ra các chất trị thương, làm trẻ hóa tế bào đưa nó về thời thơ ấu và sau này lại lớn bình thường. Từ đó, có thể nói đây là một loài vật trẻ mãi, bất tử. Phát hiện được công bố bởi tạp chí National Geographic.

Tôm đỏ Homarus gammarus

Con vật thứ hai cũng trường thọ, và chỉ chết khi gặp bệnh tật –  ký sinh trùng, chứ ít khi do tuổi già là loài tôm đỏ Homarus gammarus ở biển Đen và Đại Tây Dương. Nó là một loại tôm lớn mãi. Cứ ăn vào là lớn, lột xác trở thành con vật mới và có thể dài 60cm, nặng 6kg, càng lớn càng khỏe chống chọi được nhiều kẻ thù. Thông thường con đực có thể sống tới 31 tuổi và con cái 54 tuổi. Cá biệt người ta đã bắt được một con tôm ở bờ biển Newfoundland đã 140 tuổi. Sở dĩ nó sống lâu như vậy là nhờ có enzyme telomerase chống lão hóa và khả năng lớn thêm từng ngày. Thông tin được đưa trên tạp chí Smithsonian.

Rùa hộp Terrapene Carolina

Loài rùa vốn nổi tiếng sống dai. Trong sách sử đã ghi nhận có nhiều con rùa sống vài thế kỷ. Và trên thực tế, hiện nay đã chứng thực có những con rùa sống được hơn trăm năm, mà đặc biệt là giống rùa hộp Terrapene Carolina của Mỹ. Nó có tên trên vì có một cái mai gồ như một cái hộp màu nâu vàng với nhiều họa tiết đẹp mắt. Mỗi con có thể sống tới 125 – 138 tuổi. Thế nhưng, kích cỡ rất bé nhỏ, chỉ dài khoảng 15cm, lúc nào cũng xinh xắn vì lớn chậm và phải cần khá nhiều năm mới tăng lên một chút. Tuy trường thọ song do nó sống trên cạn, lại bò chậm nên hay bị tấn công bởi thú dữ, xe cộ và đang có nguy cơ tiệt chủng theo báo cáo của thời báo New York.

Giun dẹt Planaria Muller

Ít ai ngờ một loài giun biển cũng có thể sống tới 15 tuổi và về mặt sinh học còn bất tử, không bao giờ chết vì có bị thành nhiều phần thì nó vẫn sống và biến thành một cá thể mới. Đó là loài giun dẹt Planaria Muller ở vùng nước ngọt khắp thế giới. Con vật có thể sinh sản vô tính lẫn hữu tính tùy theo điều kiện môi trường và chiều dài hiện tại. Nhờ khả năng tái tạo, các phần cơ thể nên nó vừa tránh được tuổi già vừa duy trì được nòi giống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Nottingham.

Cá voi đầu cung Balaena mysticetus

Không kém rùa, cá voi đầu cung Balaena mysticetus cũng là sinh vật sống lâu, nếu như không nói là lâu nhất hành tinh cùng một sức chịu đựng ghê gớm. Nó có thể sống đến 172 năm, thậm chí 200 năm. Nhờ cơ thể to lớn, dài đến 18 mét, nặng cả 100 tấn nên con vật cũng chịu được các vụ cá mập hay nạn săn bắn trên biển. Vào năm 2007, người ta đã phát hiện ngoài khơi Alaska một con cá voi đầu cung dài 15 mét, trên mình dính một lưỡi lao từ các năm 1880 và nếu như vậy nó đã gần 130 tuổi. Dựa theo chiều dài con vật, nó còn có thể lớn thêm nữa vì đã từng có con cá dài tới 20,4 mét. Cá voi đầu cung có tên gọi trên vì đầu và miệng cong như cái cung. Con vật sống tập trung quanh các vùng nước của Bắc Cực, ít khi đi đâu, ngược với nhiều đồng loại thường di cư tới vùng biển thấp để kiếm ăn và sinh sản, đó có lẽ là một lý do giúp nó sống thọ nhờ ít gặp nguy hiểm. Bình thường các loại cá voi chỉ sống tới 70 tuổi, còn nó thì sống tới cả 100 năm. Thông tin được lấy từ tạp chí Popular Science.

Thủy tức xanh Hydra viridissima

Cũng không chịu cảnh già nua là loài thủy tức trong đó có thủy tức xanh Hydra viridissima, một động vật bậc thấp thuộc ngành ruột khoang, khá giống san  hô, nhờ cấu tạo hình ống và nhiều xúc tu đối xứng để bám vào giá thể cũng như di chuyển theo kiểu lộn đầu của sâu đo. Con vật cũng có tế bào tự trẻ hóa, hồi sinh sau những chấn thương nên không bao giờ bị senescene (già cỗi). Vào mùa nóng, nó thường sinh sản vô tính, từ cơ thể đâm ra những nhánh mới, sau đó tách ra thành cá thể con. Từ một con mẹ có thể phân ra thành rất nhiều đàn con. Vào mùa lạnh, nó lại sinh sản hữu tính, từ tinh trùng và trứng kết hợp để thành phôi thai. Phần lớn thủy tức rất nhỏ bé, có khi phải soi bằng kính hiển vi, chiều dài nhất thường là từ 15 đến 30 milimét, nhiều màu đa dạng. Riêng thủy tức xanh có màu xanh nhờ một loại tảo xanh ký sinh.

Trai khổng lồ và tròn Artica islandica

Nhờ giấu mình dưới những lớp đất cát của biển nên loài trai khổng lồ và tròn Artica islandica của Bắc Đại Tây Dương có thể sống lâu tới hàng trăm năm, và có lẽ là loài vật thọ nhất ở biển. Vào năm 2006 người ta đã bắt được một con trai tên là Ming mà từ các vòng tròn trên vỏ của nó, tính được tuổi đời lên tới 507 năm. Nó chỉ là một mẫu vật ngẫu nhiên được chọn từ 200 con trai lớn trong đợt đánh bắt này, cho thấy rất có thể còn có nhiều con vật cao tuổi nữa. Trước đó vào năm 1868, tại Iceland đã bắt được một con trai 374 tuổi. Bình thường trong điều kiện khí  hậu êm dịu, loài trai này cũng ít nhất sống được 150 năm. Mỗi con trai thường to bằng nửa bàn tay tới 20 centimét. Song để có kích cỡ này, nó phải mất 50 năm sinh trưởng.

Thằn lằn ở New Zealand

Bò sát tuatara, một loài thằn lằn ở New Zealand cũng có thể sống tới hơn một thế kỷ. Hơn thế, nó còn là một loài thằn lằn duy nhất còn lại từ cách đây 200 triệu năm, nên được gọi là hóa thạch sống. Tên khoa học của nó là Spenodon punctatus, với đặc biệt nổi bật là trên dọc sống lưng có một lớp gai góc nhô lên trông rất hùng dũng. Mỗi con thường có màu nâu xanh xám, dài khoảng 80 centimét, nặng 1,3 kilôgam. Nó có thể sống hoang dã trung bình 60 năm và nếu trong môi trường nuôi nhốt là 200 năm. Mặc dù cao tuổi, song  nó vẫn sinh sản tốt, người ta đã cho phối giống giữa một con trống 111 tuổi và một con mái 80 tuổi và đã sinh ra nhiều thế hệ. Tuy vậy, tuatara lớn rất chậm, phải mất 20  năm để nó trưởng thành, và bốn năm mới đẻ trứng một lần. Khoảng 35 tuổi thì con vật ngừng lớn, song không già đi. Trong điều kiện khói bụi, lạnh giá nó có thể nhịn thở trong một tiếng và dù trời lạnh mấy vẫn bò khá nhanh và săn mồi chuẩn xác.

Cá chép Koi Cyprinus rubrofuscus

Ở Nhật Bản và gần đây là nhiều nước xung quanh, nhà nào cũng nuôi cá chép Koi Cyprinus rubrofuscus, không những vì nó đẹp, sặc sỡ mà còn là biểu tượng của tuổi thọ. Trung bình, con vật sống được tới 50 năm và nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ hơn một thế kỷ. Bằng chứng là đã có nhiều gia đình Nhật Bản nuôi cá chép từ đời này sang đời khác. Vào năm 1977, sau khi kiểm tra những lớp vòng trên vảy của một chú cá tên là Hanako, người ta đã xác định nó đã thọ tới 226 tuổi. Sở dĩ những chú cá chép trông rất dịu dàng, yếu ớt như vậy lại sống lâu vì nó chịu được khí hậu lạnh lẽo, sương tuyết.

Chu Mạnh Cường


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ diệu những loài sinh vật trường thọ