Lại xuất hiện tình trạng nghêu chết trên diện rộng

Ngọc Lan (T/H)|30/08/2018 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một số địa phương miền Bắc có mưa rất to

(Moitruong.net.vn) – Khoảng 2 tuần trở lại đây, bất ngờ tại hợp tác xã (HTX) Thủy sản Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre) xuất hiện tình trạng nghêu chết trên diện rộng.

Khoảng tháng 6/2018 tại Trà Vinh cũng xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt. Ảnh: VOV

Ngày 29/8, chia sẻ trên TTXVN, ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre) cho biết, trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng nghêu chết rải rác trên diện rộng tại bãi của HTX và bãi của tư nhân thuê lại của HTX.

Theo ông Hùng, tình trạng nghêu chết nhiều nhất kéo dài từ ngày 18 – 24/8. Trong đó, bãi của HTX trên diện tích 150 ha, tỷ lệ chết rải rác trên diện rộng 5%, cỡ nghêu từ 200 đến 300 con/kg.

Riêng bãi của nhà đầu tư thuê đất của HTX diện tích 100 ha, tỷ lệ chết trên diện rộng 12%, cỡ nghêu 200 đến 2.000 con/kg. Hiện tại, số lượng nghêu chết đã giảm đi rất nhiều và chỉ còn rải rác một vài nơi không đáng kể.

Theo ông Nguyễn Văn Em, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, vào tháng 3 đến tháng 4 dương lịch hàng năm, hay xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt cho chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi về môi trường, độ mặn cao, thời gian phơi bãi kéo dài… Tuy nhiên, năm nay nghêu lại chết vào thời điểm tháng 8 khi độ mặn thấp, làm cho người nuôi lo lắng.

Theo nhận định ban đầu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, nghêu chết do độ mặn thấp (từ 3 đến 4%0), bãi xấu khi có bùn dày từ 10 đến 20 cm phủ trên diện rộng, nước triều đục do phù sa nhiều. Hiện tại, cơ quan chức năng đã lấy mẫu nghêu, bùn và nước gửi phân tích để tìm nguyên nhân.

Trước đó vào khoảng tháng 6, tình trạng nghêu chết cũng diễn ra tại Trà Vinh. Nghêu chết xảy ra tại bãi nghêu rộng 300ha thuộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành. Đây là bãi nghêu do Tổ hợp tác nuôi nghêu ấp Hai Thủ và Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành sản xuất.

Các vụ nghêu trước đây, cứ sau 18 tháng thả giống, bãi nghêu này đạt từ 800 đến 900 tấn nghêu thương phẩm, thu về từ 15 đến 16 tỷ đồng. Nhưng sau khi xảy ra sự việc đã có hơn một nửa sản lượng bị thiệt hại, thất thu hơn 7 tỷ đồng.

Theo kết quả phân tích của Chi cục Thú y Vùng VII, nghêu chết là do bị nhiễm ký sinh trùng Perkinsus spp (ký sinh trùng gây dịch bệnh và chết nhiều trên nhuyễn thể). Đồng thời, phát hiện thêm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (vi khuẩn gây bệnh gan tụy trên động vật thủy sản) trong mẫu nghêu thịt và nhóm Vibrio spp (nhóm vi khuẩn có hại gây nhiều bệnh nguy hiểm trên động vật thuỷ sản) trong mẫu nước vùng nuôi nghêu.

Ngọc Lan (T/H)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lại xuất hiện tình trạng nghêu chết trên diện rộng