Làm báo thời công nghệ số đòi hỏi người phóng viên phải “đa-zi-năng”

Mai Hiền|21/06/2018 02:13
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – “Làm báo thời nào cũng đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác và đa năng, thời công nghệ càng cần thiết hơn. Bây giờ, mỗi phóng viên không chỉ biết mỗi việc lấy tin bài hay chụp hình mà phải quay, dựng video để đảm bảo sự chính xác của thông tin, qua đó tác phẩm mới đủ sức gây hấp dẫn với độc giả, kích thích độc giả xem tin tức”. Nguyễn Đăng Khoa, phóng viên trẻ của Phòng Thời sự, Đài Phát thanh – Truyền hình Bà Rịa – Vũng Tàu đã nói như vậy khi chia sẻ về nghề của mình nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Phóng viên Đăng Khoa trong lễ trao giải Cuộc thi báo chí viết về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công năm 2017 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Phóng viên “đa-zi-năng”

Thực vậy, báo chí bây giờ khác xa so với nhiều năm về trước khi báo in vẫn dẫn đầu về lượng độc giả đông đảo. Hiện tại, báo in đang “sống mòn” trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, thời của báo điện tử và truyền hình. Thậm chí, báo điện tử và truyền hình cũng phải cạnh tranh với tốc độ đưa tin tính bằng… giây của mạng xã hội.

Trở lại với Nguyễn Đăng Khoa, một phóng viên trẻ của Đài Phát thanh – Truyền hình (PT-TH) Bà Rịa – Vũng Tàu. Cũng chính bởi cách nhìn nhận cởi mở và năng động đó mà với Khoa, ngoài công việc của một phóng viên, Khoa có thể đảm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau như quay phim, biên tập và cả phát thanh viên. Khoa cho biết: “Là một kẻ tay ngang, kinh nghiệm truyền hình chỉ là con số 0 nên những ngày đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, khi làm việc ở phòng Thời sự đòi hỏi mỗi phóng viên đều phải năng động, chịu khó học hỏi. Là một người trẻ thì tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn”.

Hiện tại, Khoa đang phụ trách bản tin truyền hình Theo nhịp bóng lăn, là bản tin về môn thể thao bóng đá, cũng chính là môn thể thao mà Khoa đam mê, yêu thích. Tính đến nay, bản tin mới phát được hơn 10 số nhưng cũng đủ gây ấn tượng với khán giả, nhất là với những người đam mê bóng đá nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.

Ít ai biết, lý do ra đời bản tin Theo nhịp bóng lăn cũng rất đặc biệt. Khoa kể: “Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một địa phương không mạnh về thể thao, nhưng tiềm năng của vận động viên ở nhiều môn thể thao khác nhau là rất lớn. Đi sâu xâm nhập vào đời sống thể thao của Bà Rịa – Vũng Tàu, tôi phát hiện nhiều khía cạnh khá thú vị. Từ đó tôi lại mong Đài mở bản tin thể thao để bản thân có thể thỏa đam mê. May mắn một lần nữa song hành với tôi, bởi chỉ mấy tháng sau, CLB bóng đá Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập để tham dự giải hạng ba Quốc gia. Khi có thêm chất xúc tác bóng đá, khao khát về việc hình thành bản tin thể thao càng trỗi dậy mãnh liệt trong tôi. Sếp tôi – chị trưởng phòng Thời sự, tuy không phải dân thể thao nhưng chị hiểu được nỗi lòng của một người trẻ yêu nghề nên đã tạo điều kiện hết sức để bản tin Theo nhịp bóng lăn ra đời”. Có lẽ không mấy ai may mắn và năng động như Khoa khi kết hợp được cả 2 yếu tố nghề nghiệp và sở thích cùng song hành một lúc như vậy.

Lại nhớ về những ngày đầu khi mới bắt đầu theo nghề báo, Khoa chia sẻ: “Tính đến nay tôi đã có khoảng 5 năm làm báo. Thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ để tôi có những trải nghiệm cả niềm vui, nỗi buồn và những gai góc trong nghề báo. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in bài báo đầu tiên của mình viết về đề tài đời sống dân sinh. Bài báo ấy có tên là “Những người tiều phu nhảy tàu trên đèo Hải Vân quan”, đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô. Để có tác phẩm ấy tôi đã đi bộ khoảng 6 cây số với bác tuần tàu ở đèo Hải Vân, ngủ lại trên đèo 2 đêm, nhảy lên xuống mấy chuyến tàu hàng rồi vào rừng đốn củi cùng các cô chú tiều phu. Vất vả, nguy hiểm, nhưng với khao khát có một tác phẩm hay, khác lạ và mới mẻ với đề tài các anh chị phóng viên ở làng báo Đà Nẵng đã từng khai thác nên tôi không nản chí. Tác phẩm của tôi sau đó được chọn làm bài vơ đét trên báo Tuổi trẻ Thủ đô. Từ tác phẩm của tôi mà có nhiều anh chị phóng viên ở các báo khác tại Đà Nẵng đã kéo nhau lên Hải Vân quan để khai thác lại đề tài này. Cảm giác khi đó thật sự rất hạnh phúc”. Kể đến đây, ánh mắt Khoa chợt bừng sáng.

Phóng viên Đăng Khoa chụp ảnh lưu niệm với nữ thủ môn Kiều Trinh

Nghề báo không dành cho những người thích “an nhàn”

Nguyễn Đăng Khoa tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Sau khi ra trường, Khoa làm cộng tác viên cho báo Thể thao Việt Nam, báo Đà Nẵng, báo Tuổi trẻ Thủ đô… Sau đó, Khoa được trưởng Đại diện báo Thể thao & Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung Tây Nguyên mời về làm việc dưới dạng hợp đồng thời vụ.

Khoa kể tiếp: “Thời gian công tác ở báo Thể thao & Văn hóa, tôi vừa làm phóng viên vừa làm phát hành báo. Không kinh nghiệm, không kỹ năng, vốn liếng của tôi chỉ là lòng nhiệt tình và niềm đam mê. Các bạn biết không, mỗi tuần tôi ngồi xe máy chạy hàng trăm cây số từ tỉnh này qua tỉnh khác (phạm vi Huế đến Quảng Ngãi) để bán báo. Còn cuối tuần có trận thi đấu bóng đá của CLB bóng đá SHB Đà Nẵng, Quảng Nam là tôi lại xách máy ra sân, ngồi xem và viết bài.

Thời điểm khó khăn ấy, làm việc nhiều nhưng mức thù lao được trả không cao, lại còn bị khất nợ 3 tháng mới trả 1 tháng nhuận bút, nên nhiều lúc cũng nản, muốn bỏ. Vậy nhưng, có lẽ chính vì đã nếm trải đầy đủ khó khăn thử thách của nghề báo nên ông tổ nghề thương và tạo cơ hội cho tôi quay lại gắn bó với nghề này thêm một lần nữa”.

Quả thật đúng như lời Khoa chia sẻ, nghề báo không dành cho những ai thích “an nhàn”. Nghề báo cũng không phải chỉ toàn ánh hào quang như nhiều người vẫn tưởng. Nghề báo là đam mê, là nhiệt huyết, cũng là đắng cay và mệt mỏi. Chỉ những ai đã trải qua mọi thăng trầm của nghề, được nếm trải mọi cung bậc tuyệt vời lẫn gai góc của nghề mới nhanh trưởng thành, mới yêu và cống hiến được những tác phẩm báo chí tuyệt vời. Tác phẩm báo chí ấy không phải chỉ là “Những người tiều phu nhảy tàu trên đèo Hải Vân quan”, không chỉ là giải ba trong cuộc thi báo chí viết về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công năm 2017 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, không phải chỉ là những bản tin Theo nhịp bóng lăn, không phải chỉ là những bài báo phản ánh về môi trường một cách trung thực, khách quan để rồi bị đe dọa, hành hung… mà còn là rất nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh chân thực, khách quan đời sống xã hội, được thể hiện sinh động qua ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh…

“Học ngành Ngữ văn chuyển qua làm báo, cũng đồng nghĩa tôi không được trang bị những kiến thức lý thuyết như các bạn sinh viên báo chí. Nhưng tôi đã biến khó khăn ấy thành động lực, mình phải cần học hỏi gấp đôi gấp ba người được đào tạo chính quy báo chí. Để trở thành một phóng viên các bạn phải chấp nhận “dấn thân”, trải qua thử thách cả vật chất lẫn tinh thần”, Khoa nói.

Mai Hiền


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm báo thời công nghệ số đòi hỏi người phóng viên phải “đa-zi-năng”