Lào Cai: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động thi công xây dựng

Hoàng Đình Tưởng|15/03/2017 15:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong thời gian qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã, đang và sẽ triển khai nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh – dịch vụ, các công trình nhà ở, dân dụng… kéo theo nhu cầu san tạo mặt bằng, đổ đất (đá) thải gia tăng. Việc đổ đất (đá) thải xây dựng (CTRXD) chưa theo đúng quy hoạch hoặc đã được giới thiệu địa điểm đất nhưng chưa quản lý chặt chẽ, nhiều dự án có lượng đổ thải lớn nhưng chưa có phương án đổ thải. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng đổ trộm CTRXD tại một số nơi dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường các khu vực lân cận; sạt lở đất (đá) thải ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân, gia tăng ô nhiễm trên các tuyến đường vận chuyển (đặc biệt là các khu du lịch trọng điểm)…

(Moitruong.net.vn) – Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh ký văn bản số 830/UBND-TNMT về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đổ đất (đá) thải trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đổ thải, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường và đời sống của người dân trên địa bàn

images1715614

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan thực hiện quy hoạch tổng thể chung các bãi đổ đất (đá) thải theo quy định. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện thiết kế bãi thải, đảm bảo an toàn khi đổ thải (kè taluy, kè chân bãi thải, rãnh thu thoát nước, cao trình đổ thải…). Các dự án, công trình khi xin giấy phép xây dựng phải có thông báo kế hoạch quản lý CTRXD. Đồng thời, CTRXD phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, khuyến khích các giải pháp công nghệ, lựa chọn sử dụng vật liệu phù hợp nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phát sinh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố thống nhất vị trí đổ thải cho các dự án có nhu cầu đổ thải, giải quyết khi sự cố đối với bãi thải xảy ra và thực hiện các quy định pháp luật hiện hành. Tổ chức rà soát, kiểm tra, thống kê các bãi thải, điểm đổ thải trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung vào các vị trí có nguy cơ sạt lở, không đảm bảo an toàn. Báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/4/2017.

Sở TN&MT chủ trì thẩm định các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. Hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường của các Dự án phải thể hiện đầy đủ các thông tin về vị trí các bãi đổ đất (đá) thải (có thông báo địa điểm đổ thải của Sở Xây dựng, biên bản thống nhất địa điểm đổ đất/đá thải với huyện, địa phương thực hiện dự án); đánh giá sự phù hợp của bãi thải; tác động môi trường của bãi đổ thải với các đối tượng xung quanh và thể hiện được rõ các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường tương ứng… Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong quá trình thi công xây dựng, vận chuyển, đổ thải của các dự án; ngăn chặn kịp thời các trường hợp đổ trộm, đổ đất đá thải không theo đúng quy hoạch, thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

UBND các huyện/TP có trách nhiệm phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý cho UBND phường/xã về quản lý, giám sát quá trình thu gom, vận chuyển CTRXD; Tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm; Yêu cầu các tổ chức cá nhân thi công không sử dụng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu giữ chất thải rắn xây dựng; Các chủ nguồn thải sử dụng phương tiện vận chuyển không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải khi vận chuyển; Các dự án thi công tại các khu du lịch trọng điểm (Sa Pa, Bắc Hà) không tổ chức vận chuyển đất/đá thải, nguyên vật liệu xây dựng vào dịp cuối tuần. Địa phương nào để xảy ra tình trạng đổ thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, Lãnh đạo địa phương đó chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Văn bản cũng yêu cầu các Sở/ngành chuyên quản (Giao thông vận tải, Công Thương, NN&PTNT, Ban Quản lý các khu kinh tế, Thương mại và Du lịch…) khi cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng… bám sát các quy định về BVMT, quản lý chất thải.

Hoàng Đình Tưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động thi công xây dựng