Lễ hội Xăng Khan – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo Báo Nhân Dân|16/10/2017 08:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Vừa qua, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong đó, Lễ hội Xăng Khan của người Thái tỉnh Nghệ An, gồm các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, là 1 trong 7 Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia được công bố dịp này.

Lễ hội Xăng Khan – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Xăng Khan còn được gọi là Kin chiêng boọc mạy, tùy theo đặc điểm của từng vùng, miền. Lễ hội là dịp để người dân khắp bản làng trả ơn thầy mo đã chữa khỏi bệnh cho gia đình. Đây cũng là ngày để các đôi trai gái có dịp gặp gỡ, kết duyên vợ chồng. Theo những bậc cao tuổi ở các bản làng đồng bào Thái, lễ hội Xăng Khan có từ xa xưa. Thuở đó, “mặt đất còn như lá đa, bầu trời như nắp con ốc, rừng núi như dấu chân con gà”, lễ hội Xăng Khan đã được các thầy mo tổ chức. Vì mỗi ông mo được học một thầy khác nhau, mỗi bản, mỗi vùng có điều kiện kinh tế, sinh hoạt khác nhau cho nên cách thức tổ chức lễ hội ở mỗi nơi mỗi khác.

Trước đây, Lễ hội Xăng Khan thường kéo dài từ hai đến ba ngày, nay chỉ tổ chức trong một ngày đêm. Lễ vật gồm từ bảy đến mười vò rượu cần, hai con lợn, hai con gà cùng cá nướng, trầu, cau… và vật không thể thiếu là cây boọc mạy (cây hoa) được dựng ngay giữa nhà, là nơi để hành lễ. Cây boọc mạy làm từ cây tre hoặc nứa già, cao 4 m, có khoét nhiều lỗ, chia thành nhiều tầng khác nhau.

Mỗi lỗ được treo những vật tượng trưng như: Chim, cá, ve sầu, rắn… làm từ ruột cây sắn, cây tang trong rừng, được nhuộm các mầu xanh, đỏ, tím, vàng. Trên đỉnh boọc mạy cắm cây ô hình vuông, được các thiếu nữ sử dụng khi các ông mo nhảy Xăng Khan. Khi hành lễ, ông mo dẫn đầu, theo sau là những phụ nữ cầm ô cất điệu hát và múa bên cây boọc mạy. Đây chính là lúc sôi nổi, náo nhiệt nhất. Càng về khuya lễ hội càng nhộn nhịp với những trò diễn đầy thú vị…

Theo nghệ nhân Vi Ngọc Châu, ở xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, các bài cúng lễ hội Xăng Khan là những bài sử thi, trường ca, truyền thuyết bằng văn vần kể về thủa khai lập bản mường, về những anh hùng dân tộc Thái, về thần linh, tổ tiên trên Mường trời…

Lễ hội Xăng Khan làm cho mối quan hệ xóm bản càng thêm bền chặt, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Thái ở Nghệ An nói riêng.

Theo Báo Nhân Dân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Xăng Khan – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia