Môi trường biển miền Trung: Tích cực khắc phục sự cố

12/07/2016 09:23
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Sự cố môi trường do Formosa đã khiến 400 ha san hô bị phá hủy, hơn 260 nghìn lao động bị ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế rất lớn… Mặc dù, ban lãnh đạo Formosa chính thức nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân Việt Nam nhưng sự việc vẫn chưa được khép lại, bởi lẽ, việc khắc phục còn kéo dài… Hiện, các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực giám sát và triển khai các hoạt động khắc phục sự cố môi trường này.

Sự cố môi trường do Formosa đã khiến 400 ha san hô bị phá hủy, hơn 260 nghìn lao động ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế rất lớn. Ảnh: MH
Sự cố môi trường do Formosa đã khiến 400 ha san hô bị phá hủy, hơn 260 nghìn lao động ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế rất lớn. Ảnh: MH

Bộ TN&MT: Thành lập Tổ giám sát Formosa khắc phục sự cố

Mặc dù Formosa đã cam kết sẽ thực hiện thay đổi công nghệ hiện tại sang công nghệ thân thiện với môi trường, ít phát thải nhưng những thay đổi này sẽ diễn ra trong 3 năm. Như vậy, trước mắt Formosa vẫn vận hành công nghệ đã có. Vì vậy, để không xảy ra sự cố đáng tiếc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Bộ sẽ thành lập Hội đồng giám việc thực hiện cam kết của FHS ngay từ bây giờ cho đến lúc họ thực hiện xong cam kết. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển hiện đại để thường xuyên đánh giá chất lượng môi trường biển. Hệ thống quan trắc môi trường biển hiện đại sẽ cho phép các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường nhận biết kịp thời các biến đổi môi trường biển, sớm nhận rõ nguy cơ bị ô nhiễm, từ đó, tạo ra khả năng cảnh báo, ngăn chặn thảm họa ngay từ lúc chưa diễn ra trên thực tế.

Đối với hệ thống xử lý nước thải, Bộ TN&MT buộc FHS phải thay đổi đáp ứng được yêu cầu: Tất cả nước thải từ tổ hợp sản xuất của FHS phải được xử lý triệt để, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam bằng những công nghệ thích hợp với từng loại nước thải.

Xây dựng mới các hồ chỉ thị sinh học để lưu trữ nước thải sau khi đã xử lý trong một khoảng thời gian đủ để quan trắc, đánh giá tính an toàn. Khi và chỉ khi các thông số quan trắc cho thấy nguồn nước này đã thực sự đảm bảo an toàn, lúc đó, mới được phép xả thải ra biển… Hồ này cũng sẽ là nơi tạm trữ nước thải trong trường hợp xảy ra sự cố bất khả kháng.

Hiện, ngoài hệ thống đo 6 thông số tự động như: trong Giấy phép của Bộ TN&MT, tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu Formosa phải đầu tư thêm thiết bị để đo 6 thông số khác và lắp đặt thêm thiết bị lấy mẫu tự động. Trong ngày 2/7, phía Formosa và Sở TN&MT Hà Tĩnh đã lắp đặt thêm thiết bị lấy mẫu tự động theo yêu cầu mới đây của Hà Tĩnh. Tín hiệu tại trạm quan trắc tự động FHS sẽ truyền ra 3 cổng: Trung tâm kiểm soát của FHS, Bộ TN&MT và Sở TN&MT Hà Tĩnh.

Hệ thống đầu đo các thông số sẽ đo mức độ nước thải trước khi xả thải và gửi về Trung tâm. Tại đây, sẽ có 2 máy chủ để chứa dữ liệu, sau đó, phần mềm (Henvimhti) tự động phân tích, xử lý, hiển thị các thông số và sẽ đối chiếu với thông số tiêu chuẩn cho phép. Nếu có thông số vượt ngưỡng, phần mềm sẽ hiển thị và gửi tin nhắn, email vào những người có trách nhiệm. Lúc này hệ thống bơm xả trong FHS sẽ tự động ngừng và bơm ngược nước thải trong đường ống trở lại bể chứa.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ giám sát hặt chẽ quá trình xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn của công đoạn luyện cốc trong tổ hợp sản xuất của FHS – nơi phát thải các chất độc gây thảm họa hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. “Để chắc chắn trong tương lai, FHS tuân thủ nghiêm túc luật pháp về bảo vệ môi trường, không tái phạm việc xả thải gây ô nhiễm. Việc giám sát của chúng ta là một quá trình thường xuyên, liên tục, theo suốt quá trình sản xuất của họ” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ NN&PTNT: Hỗ trợ 263 nghìn lao động bị ảnh hưởng

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp có tới 263 nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó, 100 nghìn người bị ảnh hưởng trực tiếp, 163 nghìn người bị ảnh hưởng gián tiếp bởi sự cố môi trường do Công ty Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung. Những người này sẽ được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.

Hiện, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với các tỉnh về việc cần phải có một Đề án tổng thể về dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động. Về nhóm giải pháp XKLĐ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất áp dụng 4 chương trình do Bộ và các doanh nghiệp đang thực hiện.

Theo đó, những chương trình do Bộ triển khai với chi phí thấp sẽ hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng. Thứ nhất, là Chương trình EPS, chỉ tiêu năm nay là 3.500 nhưng sẽ dành ưu tiên cho các huyện ven biển bị ảnh hưởng; một số huyện có lao động cư trú bất hợp pháp cũng sẽ được ưu tiên tham gia. Thứ hai, là Chương trình IM Japan (Chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản). Đây là chương trình có chi phí thấp, nếu NLĐ đủ điều kiện sức khỏe, ngoại ngữ sẽ được học 6 tháng – tất cả chi phí học đó do tổ chức Nhật Bản tài trợ. Lương làm việc tại Nhật Bản khoảng 800 – 1.000 USD.

Việc XKLĐ đi Hàn Quốc ngoài Chương trình EPS còn có chương trình tàu cá gần bờ. Bộ sẽ tập trung hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung và sẽ giao cho Trưởng ban Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đàm phán với đối tác để có thêm chỉ tiêu. Thứ hai là khai thác gần bờ Đài Loan (Trung Quốc). Mong muốn của Bộ không phải là chuyển toàn bộ những lao động này sang làm việc khác, bởi người dân ở biển sống được nhờ nguồn sinh kế của biển. Trong thời gian trước mắt, một vài năm, có thể làm việc ở vùng biển khác rồi sau đó quay trở lại.

Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ cho phép những lao động thuộc hộ nghèo ở các huyện ảnh hưởng sẽ được hưởng cơ chế như đối tượng trong Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ lao động các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, khi tham gia XKLĐ, NLĐ sẽ được miễn phí đào tạo ngoại ngữ, tiền ăn ở trong thời gian học định hướng và các chính sách khác có thể áp dụng được.

Đối với một bộ phận khác có nhu cầu chuyển đổi nghề, sẽ phải nghiên cứu phương án sát thực nguyện vọng của người lao động và nhu cầu thực tế của thị trường. Sở LĐ-TB&XH địa phương sẽ nghiên cứu các phương án đào tạo việc làm phù hợp với điều kiện người lao động tại đó.

Theo báo TN&MT


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường biển miền Trung: Tích cực khắc phục sự cố