Mưa đá: Tác hại đối với sản xuất và đời sống

20/04/2018 02:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trong 4 tháng đầu năm 2018, tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên xảy ra hiện tượng mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nặng nề về tài sản, vật chất, hoa màu cho người dân. Nguyên dẫn đến tình trạng này là do cấu trúc địa hình đa dạng, núi cao rừng rậm đan xen nhau. Đây là điều kiện động lực tốt thúc đẩy cho mưa đá hình thành. Hiện tượng này thường xuyên xảy ra có tác hại lớn đối với sản xuất và đời sống.

Hiện tượng mưa đá thường xuyên xảy ra vào thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm

Mưa đá là hiện tượng những hạt băng, mảnh băng từ mây Vũ Tích (Cb-Cumulonimbus) rơi xuống. Đường kính trung bình của hạt mưa đá phổ biến từ 0,5-2cm; có những trận mưa đá hạt lớn khoảng 3-5cm, đôi khi ghi nhận được hạt đá lên đến 10-15cm. Mưa đá hình thành trong khối không khí nóng ẩm rất bất ổn định, cho nên điều kiện cần thiết để hình thành mưa đá là cần có tầng kết bất ổn định và năng lượng bất ổn định dương lớn. Mưa đá to hay nhỏ có quan hệ mật thiết với năng lượng bất ổn định dương lớn hay nhỏ. Qua phân tích các đường tầng kết bằng máy vô tuyến thám không khi có mưa đá thì thấy rằng lớp không khí ở sát đất có độ ẩm rất lớn và phía trên tương đối khô.

Sự bất ổn định càng mạnh thì hạt đá càng lớn, để có năng lượng bất ổn định giải phóng và duy trì dòng thăng phát triển gây ra mưa đá còn cần phải có điều kiện động lực thúc đẩy dòng thăng gồm: Dòng thăng mạnh và cường độ không đồng nhất, khu vực đồi núi với địa hình cao thấp khác nhau rất có lợi cho việc sinh ra dòng thăng lúc mạnh, lúc yếu; mưa đá chỉ có thể hình thành khi có sự thăng giáng nhiều lần trong đám mây. Có lúc hạt đá bị giáng xuống độ cao chứa lớp hơi nước quá bão hòa, có lúc lại thăng lên độ cao có nhiều giọt nước quá lạnh thì hạt đá mới không ngừng to dần lên.

Mưa đá phát sinh từ mây Vũ Tích, do đó hàm lượng hơi nước chứa trong mây có quan hệ mật thiết với hạt đá to hay nhỏ. Hàm lượng hơi nước ở trong mây nhiều thì trong quá trình xáo trộn, va chạm hạt đá dễ dàng to lên.

Tại miền Bắc, nhất là các tỉnh vùng núi phía Bắc, khu vực phía tây các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có cấu trúc địa hình đa dạng, núi cao rừng rậm đan xen nhau. Đây là điều kiện động lực tốt thúc đẩy cho mưa đá hình thành. Do vậy, ở các địa phương trên hầu như năm nào cũng xảy ra mưa đá, gây tác hại lớn đối với đời sống và sản xuất. Theo chuỗi số liệu quan trắc đã thu thập được, thì ở các tỉnh đồng bằng cũng đã ghi nhận được mưa đá xảy ra, nhưng hạt đá bé và rơi thưa. Ngoài ra tần suất xuất hiện là rất thấp.

Mưa đá thường xảy ra từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Có những năm mưa đá xuất hiện sớm vào nửa cuối tháng 1, hoặc sang đến tháng 5 vẫn còn có mưa đá, nhưng tập trung nhiều nhất là vào tháng 4. Thời gian tồn tại của một trận mưa đá ngắn, phần lớn chỉ kéo dài 5-10 phút. Đôi khi ghi nhận được trận mưa đá kéo dài quá 15 phút và mưa đá thường xảy ra cùng với mưa rào. 

Về tác hại của mưa đá là rất nghiêm trọng, chúng thường xảy ra vào thời kỳ lúa chiêm xuân đang trỗ, các loại hoa quả đang trong thời kỳ chắc xanh. Nếu gặp mưa đá thì sản lượng cuối vụ giảm rất lớn, nhiều khi mất tới 60-70%. Mưa đá làm gãy chồi cây, cành lá bị gãy gục và rách nát, hoa quả bị dập nát, sứt sẹo và bị rụng do hạt đá ném trúng. Với những hạt đá lớn thì xuyên thủng, làm vỡ ngói mái nhà, đe dọa tính mạng con người và vật nuôi.

Hải Dương


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa đá: Tác hại đối với sản xuất và đời sống