(Moitruong.net.vn) – Trong lịch sử loài người, việc tổ chức các cuộc đua ngựa với quy mô khác nhau trên khắp thế giới đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, việc tổ chức đua chó chỉ phổ biến mới đây và chỉ xuất hiện rất hiếm hoi tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trường đua chó Vũng Tàu

Ông Võ Thành Thanh, (tỉnh Bến Tre) cho biết: “Đua ngựa đòi hỏi tài huấn luyện ngựa, kỹ thuật điêu luyện của các “nài”, còn đua chó chủ yếu là tốc độ mà thôi. Muốn vậy các “thí sinh” phải thon gọn, nhanh nhẹn, phóng xa”.

Ở Việt Nam, có thể nói Sân vận động Lam Sơn, tại Tp. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi duy nhất tổ chức đua chó có quy lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Vào các ngày cuối tuần, trường đua chó này sẽ mở cửa cho người dân và du khách tới tham dự các trận đua chó đầy kịch tính. Bên cạnh đó, khán giả có thể mua vé cá cược nếu có yêu cầu. Đây là môn thể thao giải trí độc đáo và mới lạ do một Việt kiều Úc đưa về Vũng Tàu từ nhiều năm qua. Giá vé bình quân để vào xem một trận đua chó từ 100.000 đến 150.000 đồng. Số tiền nhận thưởng tùy theo tỷ lệ cược và số người cùng chọn. Trước khi chọn chó để đặt cược, người chơi sẽ được phát một cuốn tài liệu có giới thiệu khá chi tiết về thành tích và “lý lịch trích ngang” từng “thí sinh” chú chó, từ những thành tích tốt, xấu đến tình trạng sức khoẻ, cuộc đua gần nhất tham gia… Nhiều thí sinh được đặt tên rất nhu mì, tao nhã như: Hoàng Oanh, Sơn Ca, Họa Mi… có lúc lại được đặt tên các thành phố lớn trên thế giới: Tokyo; Washington; New delhi… tùy theo sơ thích của chủ nhân chúng.

Ông Liêu Chuẩn Quân, người Trung Quốc đang kinh doanh tại Tp. Vũng Tàu hào hứng kể: “Tôi rất mê môn đua chó này. Thấy đơn giản vậy chớ các chủ nhân của chúng phải mất nhiều thời gian huấn luyện nghiệp vụ. Đồng thời, những chú chó mang đi thi đấu cũng phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Chính vì vậy, giá thành mỗi con lên đến hàng chục triệu đồng là chuyện bình thường”.

Theo quy định chung, một kỳ đua có khoảng 10 đến 12 lượt đua. Mỗi lượt đua sẽ có 8 “thí sinh chó” tranh tài. Sau khi trọng tài phát lệnh, một con “thỏ mồi” được gắn trên đường trượt quanh đường đua sẽ chạy trước với tốc độ luôn nhanh hơn các chú chó nhưng khoảng cách không quá xa để các “thí sinh” đuổi theo. Mỗi vòng đua dài từ 450 – 485m.

Giống chó đua có tên Greyhound, là giống chó săn có nguồn gốc từ Ireland được người Úc nhân giống, rồi cung cấp cho trường đua chó Vũng Tàu và nhiều nước khác. Giống chó này có thể đạt trọng lượng 22 – 30kg khi trưởng thành và giá nhập về Việt Nam là gần 2.000 USD một con.

Hiện tại đã có nhiều khu du lịch ở các tỉnh miền Tây đã tổ chức các cuộc đua chó nhưng quy mô nhỏ hơn, cự li thường chỉ khoảng 50 – 80m, mỗi lượt đua chỉ khoảng 5 đến 8 “thí sinh”. Tại đây cũng tổ chức mua vé cá cược với quy mô khiêm tốn, mang tính tượng trưng. Tuy việc tổ chức có đơn giản nhưng cũng đã thu hút rất nhiều du khách tham quan.

Ông Lê Văn Vui (quận Ô Môn, Tp. Cần Thơ) cho biết: “Ngày nghỉ, tôi thường đưa con cháu đến khu du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ) để xem đua chó. Đây là thú vui dân gian rất thú vị, gần gũi với đời sống người dân Nam bộ”.

Tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tp. Hồ Chí Minh, tháng 5/2017 người dân náo nức đón nhận sự hoạt động của trường đua chó quy mô quốc tế được hình thành tại Khu du lịch Đại Nam (tọa lạc tại phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Trường đua này được xây dựng theo mô hình trường đua phức hợp nhiều môn: đua ngựa, đua chó, đua mô tô, go-kart (xe trần có bốn bánh), jet-ski (mô tô nước) và biểu diễn fly-board (thiết bị bay cá nhân sử dụng lực đẩy của nước)… Sức chứa của trường đua khoảng 20.000 chỗ ngồi trên diện tích khoảng 60ha, có ba màn hình LED hiện đại, dàn đèn công suất cao. Với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trường đua nằm trong tổng thể khu liên hợp văn hóa – du lịch – thể thao rộng tới  200ha.

Phan Minh Huy


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm Tuất kể chuyện đua chó