Nạn khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan (Phú Thọ): Cơ quan chức năng nói gì?

06/07/2016 09:13
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản xảy ra phổ biến, tràn lan tại hầu hết các địa phương trong tỉnh Phú Thọ thời gian qua cho thấy công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Phú Thọ

Ông đánh giá như thế nào về tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thời gian qua?

Năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các ngành liên quan và chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp quản lý nhà nước về khoáng sản. Nhờ đó, hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tuân thủ đúng những quy định của pháp luật về khoáng sản và môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp khai thác chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường.

Tại Cảng Việt Trì việc tập kết, vận chuyển lưu huỳnh đang diễn ra dù chưa đáp ứng đầy đủ các quy định gây ô nhiễm môi trường, bức xúc nhân dân

Khai thác cát tràn lan trên địa bàn tỉnh; múc đất trái phép ở huyện Phù Ninh, cao lanh ở huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy; việc các lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động gây ONMT, ảnh hưởng tới sản xuất và sức khỏe của người, đang diễn ra khá công khai, chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, Sở TN&MT buông lỏng trong công tác quản lý?

Theo quy định của Luật Khoáng sản 2005 và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, giấy phép khai thác khoáng sản được cấp có thời hạn, đến khi hết hạn phải làm thủ tục xin gia hạn để tiếp tục khai thác. Hiện nay, trên nhiều tuyến sông Lô, chỉ có các DN Trường Thành và Thái Sơn được phép khai thác cát. Ngoài ra, theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi không cho bất cứ đơn vị nào lợi dụng thông luồng để nạo vét cát sỏi, điều này thực hiện theo đúng nội dung Chỉ thị 03 của Thủ tướng chính phủ.

Nhưng hiện nay, Bộ GTVT vẫn làm điều đó (cấp phép cho DN khơi thông luồng lạch tận thu sản phẩm – PV), sông Lô, phần lớn toàn cát sỏi, không lấy đâu ra bùn đất để làm việc đó? Trong khi các DN được tỉnh Phú Thọ hay tỉnh Vĩnh Phúc cho khai thác đều được thăm dò, đánh giá trữ lượng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Riêng với “mấy ông” khơi luồng chả làm gì, không có bất cứ trách nhiệm nào với Nhà nước, cứ thế móc tài nguyên lên bán (?!). Tôi cho rằng, đây là lỗ hổng – vô lý, thiếu sự bình đẳng, minh bạch.

Việc khai thác đất tràn lan tại huyện Phù Ninh, chính quyền chỉ xử lý kiểu bắt cóc bỏ đĩa

Việc khai thác cao lanh trên địa bàn, chúng tôi cho kiểm tra, nếu có thể thì đó là khai thác trái phép – các hộ dân sử dụng đất vườn, sử dụng làm dự án trang trại phát triển kinh tế xã hội. Khi thực hiện dự án, phát hiện hoạt động khai thác trái phép, đều thông báo tới chính quyền địa phương, báo cáo UBND tỉnh, lên Bộ cho phép tiêu thụ; tịch thu hết cả phương tiện lẫn sản phẩm. Có chăng chỉ 2 – 3 tấn, người ta bán trộm, nhưng thực tế, ở tỉnh không có chuyện tự khai thác và mang đi bán được, ra khỏi khu vực khai thác, không có giấy tờ, sẽ bị kiểm tra, xử lý.

Hiện nay, có khoảng 30 – 40 mỏ khai thác cao lanh, các DN gom lại bán nơi có khả năng sản xuất cuối cùng. Đến nay, chưa có mỏ nào hoàn thổ vì còn hạn khai thác. Nếu có hiện tượng khai thác tràn lan, gây hệ lụy, chúng tôi ghi nhận lại phản ánh, cho kiểm tra, nếu đúng như vậy, sẽ vào cuộc, xử lý.

Năm 2010, việc cấp phép khai thác cao lanh, các khoáng sản không phải là VLXD, do Bộ TN&MT quyết định. Theo thống kê Bộ gửi về, có 8 DN đã bị xử lý, 10 DN đang chờ kết quả xử lý, 10 DN đang cấp phép thăm dò, hoàn thiện thủ tục xin cấp phép được khai thác. Về nguyên tắc, các đơn vị chưa được cấp phép, chưa được gia hạn khai thác thì phải dừng lại, trong quá trình đó, các cơ quan, đơn vị có thực hiện hay không là do chính quyền cơ sở giám sát, chứ tỉnh không quản lý xuể.

Trước đây, có những điều quy định về trách nhiệm UBND cấp xã là trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn. Hiện nay, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo Luật Khoáng sản, các luật khác có liên quan đến thì chính quyền địa phương đều có quyền xử lý, nếu chủ tịch UBND xã thông báo yêu cầu dừng lại (hoạt động khai thác), các đơn vị đều phải dừng lại, nhưng ở đây, các xã, phường buông lỏng quản lý thì lại đổ cho “việc đó thuộc cấp trên”.

Tôi khẳng định, trách nhiệm là của chính quyền địa phương, khởi đầu chính quyền địa phương quản lý trên địa bàn, làm sao để xảy ra việc khai thác tràn lan? Nếu chính quyền địa phương đã làm đúng trách nhiệm – xử lý rồi mà đối tượng không tuân thủ thì phải báo cáo lên cấp huyện, cấp tỉnh, Sở TN&MT để xử lý.

Có một số trường hợp lợi dụng việc mở đường để khai thác đất, cao lanh. Tuy nhiên, hiện nay, Nhà nước không có đủ kinh phí để thăm dò, khảo sát hết được, lấy đâu ra tiền? Trong khi đó, các DN có nhu cầu khai thác và Phú thọ có 284 mỏ và điểm mỏ (bình quân mỗi xã có 1 mỏ, nhưng trữ lượng không nhiều, phạm vi rất rộng).

Hiện nay, tại Sở, bộ phận quản lý – theo dõi về khoáng sản, chỉ có 4 người, họp hành báo cáo… biết bao nhiêu là việc, làm sao giải quyết nổi những vụ việc như nêu trên? Nói như vậy là để gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương (chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn; tới cấp huyện, các ngành). Chúng tôi chỉ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực trên về mặt pháp luật, còn về lĩnh vực khai thác là thuộc bên kỹ thuật, xây dựng…

Chúng tôi cấp giấy phép và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực thi theo đúng pháp luật; việc quản lý nhà nước theo từng ngành, từng cấp, chứ không phải cái gì cũng “bên TN&MT”… Ở đây, việc hướng dẫn, khai thác là thuộc về bên công an; quản lý tàu cuốc, nổ mìn là bên công thương; thiết kế thế nào là thuộc về xây dựng; bảo hộ lao động do bên LĐ-TB&XH quản lý… Nếu có công việc gì liên quan, chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý hoặc thuộc thẩm quyền của mình, chúng tôi sẽ xử lý.

Về việc quản lý lưu huỳnh trên địa bàn, trong đó có cảng Việt Trì thì cơ quan chức năng đang xử lý, nếu cần thiết, cán bộ phụ trách môi trường sẽ thông tin trực tiếp với quý báo. Hiện nay, UBND tỉnh giao cho bên công an xử lý vi phạm về lưu huỳnh, đã kiểm tra phát hiện sai phạm, kết quả như thế nào, chúng tôi chưa được rõ.

Tới đây, Sở TN&MT sẽ có giải pháp gì nhằm quản lý tốt hoạt động khai thác khoáng sản?

Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong quản lý, hoạt động khoáng sản và các chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên trong việc triển khai, thực hiện pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường; giám sát hoạt động khoáng sản và tăng cường trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sau khi được cấp phép hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Sở tham mưu, báo cáo cho UBND tỉnh biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; tăng cường hiệu quả công tác lập thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác nhận hậu kiểm báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm quy định về phục hồi môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản…

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo thuonghieucongluan.com.vn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạn khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan (Phú Thọ): Cơ quan chức năng nói gì?