Nâng cao khả năng phòng chống lũ ở đồng bằng sông Hồng

Theo Monre|12/10/2017 22:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Đồng bằng sông Hồng gồm 10 tỉnh, thành nằm trọn trong lưu vực hai sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình. Những năm gần đây, dưới tác động của phát triển kinh tế xã hội và biến đổi khí hậu, lũ ở đồng bằng sông Hồng diễn biến phức tạp. Điều đó đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể để nâng cao khả năng phòng chống thiên tai.

Đê điều là giải pháp quan trọng để phòng chống lũ ở đồng bằng sông Hồng

Nhiều thách thức trong phòng chống lũ

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), công tác phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho đồng bằng sông Hồng đứng trước nhiều thách thức.

Đầu tiên phải kể đến việc chúng ta thiếu số liệu về các công trình thủy điện trên lưu vực thuộc địa phận Trung Quốc. Đây là một khó khăn lớn bởi sông Hồng, sông Thái Bình đều là hạ lưu của các dòng sông của nước láng giềng này. Thiếu các số liệu về thông số, quy trình vận hành của công trình thủy điện trên lưu vực thuộc địa phận Trung Quốc đã được xây dựng trên cả 3 tuyến chính: sông Đà, sông Thao, sông Lô, đặc biệt là thông tin về xả lũ gây khó khăn cho việc điều tiết nguồn nước ở trên lưu vực sông Hồng và Thái Bình.

Thêm nữa, hồ Hoà Bình, Tuyên Quang, Sơn La từ khi đưa vào vận hành cắt lũ đã phát huy tác dụng rõ rệt, các trận lũ vừa, lũ lớn đã được cắt giảm, nên ở vùng hạ du đã nhiều năm không có lũ lớn, một bộ phận nhân dân và chính quyền địa phương có tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống lũ.

Một thách thức nằm ở kỹ thuật là việc điều tiết lũ trong tuần suất thiết kế của các hồ chứa làm cho mực nước lũ cao kéo dài trong nhiều ngày, uy hiếp đến sự an toàn của hệ thống đê. Trong trường hợp việc phối hợp cắt lũ của các hồ chứa lớn ở thượng lưu không đúng thời điểm, có thể tăng nguy cơ mất an toàn cho hạ lưu.

Việc thay đổi dòng chảy và biến đổi lòng dẫn các sông hạ du đã làm tăng tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng sang các sông ở khu vực hạ lưu sông Thái Bình, gây áp lực lớn lên hệ thống đê ở khu vực này.

Các hoạt động kinh tế xã hội đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh mẽ kéo theo nhu cầu sử dụng lòng sông bãi sông, đặc biệt khai thác cát sỏi rất lớn, khi xuất hiện lũ lớn có thể xuất hiện cân bằng mới gây sạt lở lớn, trên diện rộng, chuyển dòng chảy trên các tuyến sông. Hệ thống đê điều còn nhiều đoạn xung yếu, thiếu cao trình, mặt cắt đê nhỏ, tồn tại nhiều ẩn họa trong thân đê, cống dưới đê xuống cấp…

Đê điều là giải pháp chống lũ lâu dài cho vùng Đồng bằng sông Hồng

Trong Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sống Hồng và sông Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình để đảm bảo an toàn cho vùng đồng bằng sông Hồng.

Đối với các giải pháp công trình, Thủ tướng Chính phủ xác định đê điều tiếp tục được xác định là giải pháp chống lũ cơ bản, lâu dài đối với đồng bằng sông Hồng. Bởi thế, hàng loạt các biện pháp liên quan được triển khai là củng cố và nâng cấp hệ thống đê điều; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, vật liệu mới và các thiết bị tiên tiến trong công tác quản lý, xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa đê điều và công trình phòng chống lũ; nâng cao nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan chuyên trách quản lý đê điều, lực lượng quản lý đê nhân dân; tăng cường công tác quản lý đê của các đoàn thể quần chúng; hoàn thiện cơ chế chính sách cho công tác đê điều.

Bên cạnh đó là trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; cải tạo lòng dẫn tăng khả năng thoát lũ, chỉnh trị lòng dẫn; chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy; điều tiết các hồ chứa cắt giảm lũ; tổ chức hộ đê; xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp, bố trí vật tư dự trữ, phương tiện thiết bị để đối phó trong trường hợp lũ trên sông Hồng vượt lũ thiết kế hoặc có các sự cố về hồ chứa ở thượng lưu; tăng cường năng lực quan trắc khí tượng thủy văn, nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo mưa lũ; quản lý, sử dụng vùng bãi sông…

Không được chủ quan với thiên tai

Khẩu hiệu này không mới song vẫn nguyên giá trị thời sự, nhất trong thời điểm hiện nay, thiên tai xảy ra bất thường cả về thời gian, cường độ và diễn biến. “Không thể chủ quan” phải được toàn hệ thống chính trị, từ lãnh đạo các địa phương, ban ngành đến người dân thấu hiểu và thực hiện.

Tổng cục phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương cần tiếp tục tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều, xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, các sự cố đê điều, tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị phương án trên thực tế, diễn tập hộ đê, đảm bảo an toàn các tuyến đê theo phương châm 4 tại chỗ. Tăng cường công tác quản lý đê, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; trong mùa lũ phải tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê ngay từ giờ đầu. Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực đê điều, đặc biệt là tập trung xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, lấn chiếm lòng sông, bãi sông.

Đồng thời cần đầu tư kinh phí để thực hiện việc tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều hàng năm đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, xử lý các trọng điểm xung yếu và khắc phục các sự cố đê điều.

Các địa phương cần khẩn trương thực hiện việc xây dựng, rà soát quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và tổ chức thực hiện, tăng cường quản lý lòng sông bãi sông.

Kiện toàn bộ máy quản lý, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, nhất là lực lượng chuyên trách quản lý đê điều ở các địa phương và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và của người dân thấy được nguy cơ lũ lớn, những thiệt hại có thể xảy ra để có giải pháp phù hợp, chủ động ứng phó với thiên tai.

Nâng cao hiệu quả cắt lũ của hệ thống hồ chứa: rà soát quy trình vận hành hệ thống liên hồ chứa, trong đó cần đảm bảo các lợi ích về phòng chống lũ, sản xuất điện năng và cấp nước mùa kiệt, xem xét kéo dài thời gian vận hành hồ chứa theo quy trình lũ chính vụ, để ứng phó với kịch bản lũ lớn đến muộn hơn bình thường.

Xây dựng các kịch bản, tổ chức diễn tập, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị ứng phó với tình huống lũ lớn cực đoan, bất thường có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho toàn vùng và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao khả năng phòng chống lũ ở đồng bằng sông Hồng