Nâng cao năng lực ứng phó với thời tiết cực đoan

29/03/2018 09:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)– Tình hình thời tiết, thủy văn cực đoan như khô hạn, nước biển dâng… đã và đang từng ngày tác động lớn đến đời sống cũng như hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước tình hình đó, địa phương này sẽ triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai hàng loạt dự án để ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng – Thủy văn (KTTV) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, bên cạnh sự thay đổi rõ nét về mực nước, độ ẩm, lượng mưa… những năm gần đây, tình hình thời tiết tại tỉnh có những biến đổi thất thường theo hướng tiêu cực.

Theo Sở TN-MT, trong thời gian vừa qua, tại Bà Rịa – Vũng Tàu những tác động của thời tiết  được thể hiện rõ nét: Nhiệt độ tăng, độ ẩm giảm, lượng mưa ít đi, nước dâng cao… Từ năm 2010 đến nay, nhiệt độ tại địa phương có xu hướng tăng từ 0,024°C- 0,04°C/năm. Khu vực huyện Châu Đức, huyện Tân Thành có mức thay đổi lớn nhất, tăng từ 0,4°C – 0,44°C. Các huyện ven biển như Long Điền, Đất Đỏ, TP. Vũng Tàu, phía Đông Nam huyện Xuyên Mộc nhiệt độ tăng từ 0,24°C – 0,32°C. Trong khi đó, độ ẩm tương đối tại Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn này lại có xu hướng giảm với tốc độ giảm 0,009%/năm… Đặc biệt, trong 30 năm qua mực nước đo được tại Trạm Hải văn Vũng Tàu đã tăng 15cm.

Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn phải đối mặt với tình trạng xói lở bờ biển nghiêm trọng và hiện tượng nước biển dâng cao. Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng của tỉnh, dự báo đến năm 2020 nước biển dâng 10-11cm sẽ có 8,33% diện tích bị ngập. Các năm về sau, nước biển sẽ càng dâng cao hơn. Dự báo đến năm 2100 nước biển sẽ dâng 43-59cm. Nếu mực nước biển dâng cao, tình trạng xói lở bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng thì diện tích đất tự nhiên sẽ giảm, các hoạt động kinh tế như nuôi trồng thủy hải sản và nghề đánh bắt ven bờ, các công trình xây dựng, cảng… và cả cộng đồng dân sinh sống ven bờ tại đây sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam bộ cho biết, trước diễn biến ngày càng cực đoan, việc nâng cao chất lượng các bản tin dự báo KTTV là yêu cầu cấp thiết, do đó cần phải có sự đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, hiện đại hóa khâu quan trắc tự động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ thông tin liên lạc, dự báo tình hình thời tiết nguy hiểm. Đặc biệt, người dân cũng cần phải nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên để hạn chế những rủi ro từ diễn biến phức tạp của tình hình KTTV.

Theo kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020, sẽ có 48 dự án được ưu tiên triển khai từ nay đến năm 2020. Trong đó, 15 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2013-2015 với tổng kinh phí khoảng 3.053 tỷ đồng. Trong đó có những dự án quan trọng như: Dự án trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; xây dựng hệ thống các hồ chứa nước trên địa bàn huyện Côn Đảo; điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh BĐKH; dự án củng cố và nâng cấp đê sông, đê biển…

Linh Lan (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực ứng phó với thời tiết cực đoan