“Nghề bốc mả”, người làm việc hiếu đáng được tôn trọng

17/01/2017 10:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Từng là lính cứu hỏa bị thương trên chiến trường, chú Dinh trở về quê hương bắt đầu với “nghề” bốc mả  từ năm 1989 để tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Cái duyên đến với nghề

Nhắc đến tên chú Dinh thì khá nhiều người lớn tuổi ở Lạng Sơn đều biết. Họ biết đến chú với tư cách là một người bốc mộ hay nói khác đi là người chăm sóc việc hiếu. Nhưng ít người biết, chú Dinh đã từng tham gia bộ đội năm 1974, là lính hỏa lực với khẩu b41 trên vai chú đã tham gia nhiều trận chiến của Sư đoàn 9 ở chiến trường Tây Ninh.

Sự nghiệt ngã của chiến tranh đã khiến chú phải nằm điều trị 2 năm tại Tổng Y viện Cộng Hòa sau khi bị thương ở gần Thái Lan. Sau đó, chú được đưa sang viện Quân Y 175 gần 1 năm. Với thương tật ở chân trái đã khiến chú phải rời bỏ cuộc đời quân ngũ mà mình hằng mong muốn.

1

Di cốt phần thân được đưa lên và tìm kiếm từng mảnh vụn một. Ảnh: PV

Về Bắc Giang một thời gian, chú lên Lạng Sơn, ở đây ‘đất lành chim đậu’ chú thành lập gia đình và đi làm nhiều nghề để mưu sinh. Năm 1989, chú chuyển hẳn sang công việc bốc mộ theo một người thầy có thâm niên trong nghề. Đến này, sau gần 30 năm chú đã bốc hàng ngàn ngôi mộ, đào tạo 5 khóa cho những người có tâm huyết với công việc này.

Tôi nghĩ mình là một người may mắn khi lần này về được tiếp xúc và trực tiếp xem chú thực hiện công việc của mình, cũng như minh chứng rằng vì sao gần 30 qua, chú chưa hề nhận một lời kêu ca than vãn của người nhà có việc đã thuê chú. Chính cái tâm đã đem lại cho chú niềm tin ấy ở người dân Lạng Sơn.

“Tôi chẳng sợ gì hết”

Khi được hỏi về công việc của mình, chú Dinh khá vui vẻ trả lời: “tôi chẳng sợ gì hết, cũng chẳng lo nghĩ nhiều, bởi đơn giản, mình giúp họ cẩn thận thì những linh hồn kìa (nếu có thật) sẽ phù hộ cho mình thôi. Cho nên từ khi vào nghề đến này, cuốn sổ khám sức khỏe với chế độ thương binh mà tôi chưa dùng lần nào cả”.

Công việc của chú luôn được tiến hành theo một trình tự nhất định, đầu tiên chú yêu cầu người nhà đun nước lá thơm cùng với những loại dược phẩm ngũ vị hương thường được bán ở quầy thuốc bắc. Đun đủ 20 lít đem ra mộ. Thời gian khai mộ phụ thuộc và giờ mà Thầy (cúng) đã xem và làm lễ trước khi động thổ.

2

Chú Dinh trực tiếp dùng tay để tìm từng mảnh di cốt người quá cố. Ảnh: PV

Giúp việc cho chú là hai người đàn ông trung niên đã ngoài tứ tuần, nhưng vì là dân lao động nên nhìn họ khá cường tráng. Họ thay phiên đào đất cho đến khi ván thiên lộ ra dưới lớp ánh đèn điện mập mờ bởi những cái bóng hiếu kì của người nhà đứng xem.

Đào đến ván thiêng, thì công việc là của chú, chú cho biết nếu trước gia đình táng mà để vải niệm thì có thể bốc di cốt lên trên miệng hố để làm, còn nếu không có thì phải bới từng bộ phận một.

Sự lành nghề được chú thể hiện từ việc đem lên xương bàn chân và bàn tay trước, vì người mất thường hay được đi tất tay, ngoài vấn đề tâm linh thi nó giúp cho người bốc mộ khá tốt trong việc tìm những mẩu xương đốt tay nhỏ bé.

3

Công đoạn cuối cùng của việc bốc mả . Ảnh: PV

Sau đó, là xương ống đồng, xương đùi cùng xương chậu cũng được đưa lên, mọi công đoạn diễn ra theo trình tự nhất định. Sau khi hộp sọ được đưa lên thì toàn bộ xương ở thân được gói gọn trong bộ quần áo táng theo người mất cũng được chú đưa nên để tìm đủ các loại xương sườn cũng như đốt sống.

Nước ngũ vị hương được đổ ra làm hai chậu, một chậu được chú rửa qua, một chậu được người giúp việc rửa thêm lần nữa, sau đó lấy khăn mặt trắng lâu khô xếp lại trên chiếu đã được chuẩn bị sẵn. Mọi công đoạn cứ như vậy, cho đến khi khung xương của người quá cố được xếp thành hình dạng đầy đủ nhất.

Huyền Trân


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nghề bốc mả”, người làm việc hiếu đáng được tôn trọng