Nghề làm than tổ ong: Nỗi lo sức khỏe

Phan Thị Anh Thư|24/04/2018 03:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)– Tại tỉnh Tiền Giang vẫn còn tồn tại các làng nghề làm than tổ ong đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân, tuy nhiên, công việc độc hại này đang từng ngày đe dọa đến sức khỏe của hàng trăm lao động tại đây.

Nghề làm than tổ ong đem lại thu nhập cho người lao động nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Nhiều du khách khi lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn ngang qua xã Nhị Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang rất ngạc nhiên vì sự xuất hiện của hàng chục cơ sở làm than tổ ong (còn gọi là than đá) hoạt động rất nhộn nhịp. Đây được xem là làng nghề làm than có quy mô lớn nhất của huyện với trên 50 hộ đang hành nghề.

Nếu như trước đây, đại đa số người sản xuất phải thuê người làm theo phương pháp thủ công thông qua các công đoạn như:  móc đất, trộn nguyên liệu, ép thành than thì giờ đây các cơ sở đều trang bị nhiều máy móc vừa tăng lợi nhuận, vừa rút ngắn thời gian, lại hạ thấp giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, nghề làm than tổ ong là một loại hình sản xuất mang tính độc hại nhưng hầu hết các cơ sở đều không mua bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế cho người lao động do mang tính thời vụ. Bên cạnh đó, bản thân người lao động cũng không trang bị các thiết bị bảo hộ như khẩu trang, nón bảo hộ, găng tay vì sợ ảnh hưởng đến tiến độ làm việc.

Bà Trần Thị Thu, chủ cơ sở làm than tổ ong ở xã Nhị Bình cho biết : “Làm nghề này tuy sống được nhưng ảnh hưởng tới sức khỏe lắm, tôi phải cho mấy đứa nhỏ sang nhà khác sinh sống cho an toàn tránh được ô nhiễm về sau. Còn phía công nhân họ cũng nghỉ việc khá nhiều vì các bệnh về đường hô hấp. Chắc làm vài năm nữa phải giải nghệ thôi”.

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Trung Nhân, người đã có trên 30 năm làm nghề, ngụ xã Nhị Bình cũng bộc bạch: “Biết là độc hại nhưng phải theo vì không có nghề khác mưu sinh, mỗi ngày tôi được trả công 160.000 đồng, lúc nào tăng ca thì nhiều hơn, cực nhưng cũng đủ lo toan kinh tế, mà có bỏ nghề cũng không biết làm gì vì gia đình không có ruộng đất, chừng nào bệnh thì tính sau”.

Được biết, hầu hết sản lượng than tổ ong ở xã Nhị Bình đều tiêu thụ nhanh do chất lượng đảm bảo, thị trường chủ yếu là huyện Cai Lậy, Cái Bè, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và tỉnh Vĩnh Long. Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống đều cho rằng, so với các loại nhiên liệu khác thì than tổ ong có rất nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, sức tỏa nhiệt cao, lửa cháy đều, thời gian cháy kéo dài lại rất an toàn cho người sử dụng so với điện, gas, dầu lửa… do đó, nghề làm than vẫn tồn tại và phát triển theo thời gian.

Trên thực tế, các cơ sở làm than với quy mô lớn có nhiều công nhân, đầu ra sản phẩm khá tốt và tiêu thụ dễ dàng. Nhưng đối với các cơ sở làm tổ ong quy mô nhỏ thì đa phần lao động là người trong gia đình, nguồn lãi tương đối thấp nhưng họ vẫn bám nghề dù biết rằng mình đang đối mặt từng ngày, từng giờ với bao nguy hiểm và dịch bệnh. Không chỉ vậy, có rất nhiều hộ dân sinh sống xung quanh các cơ sở làm than tổ ong cũng rất lo lắng và bức xúc bởi khói bụi bám đầy nhà cửa, ruộng vườn, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của cộng đồng.

Những sản phẩm than tổ ong đang có mặt khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, góp phần phục vụ đời sống con người, giải quyết được nhiều lao động nông thôn, Thế nhưng, bài toán sức khỏe và an toàn lao động vẫn đang là nỗi lo của những người đang làm việc trong môi trường độc hại này.

Phan Thị Anh Thư


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề làm than tổ ong: Nỗi lo sức khỏe