Nghị định sửa đổi bổ sung hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường

Theo monre.gov.vn|18/05/2019 08:51
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký vừa ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lửợc, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 18/2015/NĐ-CP)

Việc xây dựng Nghị định bảo đảm một số quan điểm, nguyên tắc sau đây: (i)Tập trung vào các vấn đề cơ bản, trọng tâm về bảo vệ môi trường (BVMT) theo Chỉ thị số 25/CT-TTg; các quy định về BVMT bảo đảm tính thống nhất giữa các luật; (ii) Chú trọng phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng chủ động, trọng tâm, trọng điểm dựa trên việc phân nhóm, phân loại theo mức độ rủi ro, tính đặc thù của các vấn đề môi trường; kết hợp quản lý quá trình với quản lý “cuối đường ống” theo từng nhóm, loại hình tác động và mức độ rủi ro môi trường; (iii) Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu tiết kiệm chi phí, thời gian cho các đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; lồng ghép các thủ tục hành chính có liên quan; đảm bảo sự đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước về BVMT; (iv) Bảo đảm sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý nhà nước về BVMT; tăng cường phân cấp cho địa phương; tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với công tác BVMT; (v) Bảo đảm phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế về BVMT; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về BVMT của một số nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện nay.

Nghị định gồm có 7 điều và 03 phần Phụ lục, gồm: Phạm vi điều chỉnh; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2015/NĐ-CP; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2015/NĐ-CP; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2015/NĐ-CP; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2014/NĐ-CP; Điều khoản chuyển tiếp; Hiệu lực thi hành và Phụ lục.

Ảnh minh họa

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP gồm các nội dung: Đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC); đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM); vận hành thử nghiệm và báo cáo kết quả vận hành; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT; và các nội dung khác.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, gồm các nội dung: Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; Quy định về xác nhận hệ thống quản lý môi trường; Các nội dung khác.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, gồm các nội dung: quản lý chất thải rắn, quản lý nước thải, quản lý khí thải; quan trắc môi trường định kỳ; phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; nhập khẩu phế liệu.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 127/2014/NĐ-CP: Bổ sung khoản 4 Điều 8; khoản 4 Điều 9; và sửa đổi, bổ sung Điều 10 về thay đổi nội dung liên quan đến điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

Đặc biệt Nghị định đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cụ thể như:

Bỏ thủ tục chấp thuận sau khi chủ dự án hoàn thành kế hoạch thu dọn vệ sinh lòng hồ đối với dự án xây dựng hồ chứa thủy lợi hoặc hồ chứa thủy điện quy định tại Khoản 5 Điều 16 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và lồng ghép với thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định của Luật xây dựng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg;

Bỏ thủ tục xác nhận, điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, vì thực chất đây là thủ tục kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT đối với cơ sở xử lý chất thải rắn;

Bỏ các thủ tục: chấp thuận kéo dài thời gian vận hành thử nghiệm; phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (là một phần của nội dung của báo cáo ĐTM); phê duyệt kế hoạch BVMT trong hoạt động phá dỡ tàu biển; chứng nhận sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải; phê duyệt phương án cải tạo phục hồi môi trường khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt quy định tại các Nghị định hiện hành;

Bỏ yêu cầu tại Biểu mẫu số 2 Nghị định số 127/2014/NĐ-CP quy định phải có bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi nộp hồ sơ năng lực của tổ chức đề nghị chứng nhận đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường, do không phù hợp với Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản, giảm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính;

Bỏ thủ tục xác nhận hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Khoản 4 Điều 34 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, vì Điều 104 Luật BVMT không quy định nội dung này và việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hình sự;

Bỏ thủ tục xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định tại Khoản 6 Điều 28 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, vì nội dung này chứa đựng thủ tục hành chính không được ban hành ở dạng thông tư và sau hai năm thực hiện Nghị định này cho thấy việc bắt buộc các cơ sở này phải được xác nhận hệ thống quản lý môi trường là không hợp lý. Trên thực tế, hầu hết các cơ sở này đều có chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo TCVN ISO 14001 theo nguyên tắc tự nguyện và các chứng nhận này sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp;

Bỏ chứng chỉ quản lý chất thải nguy hại quy định tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP cấp cho người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn,… của cơ sở xử lý chất thải nguy hại, vì không phản ánh đúng trình độ của cán bộ chuyên môn và không phù hợp thực tiễn;

Lùi thời hạn cấp phép xả thải khí thải công nghiệp quy định tại Điều 46 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP đến ngày 01/01/2021; lùi thời hạn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải và khí thải đến ngày 31/12/2019 để các doanh nghiệp có thời gian thực hiện và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đầu tư hệ thống thiết bị đầu mạng thu nhận số liệu quan trắc tự động, liên tục;

Giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: giảm 15 ngày đối với trường hợp thẩm định báo cáo ĐTM thông qua hội đồng và giảm 10 ngày đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; giảm từ 15 đến 25 ngày đối với trường hợp thẩm định báo cáo ĐTM thông qua việc lấy ý kiến; đưa thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ Thông tư lên Nghị định và giảm 15 ngày đối với thủ tục kiểm tra, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu; đưa thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ Thông tư lên Nghị định và giảm 20 ngày đối với thủ tục kiểm tra, cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại;

Lồng ghép thủ tục kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT với thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo Chỉ thị số 08/CT-TTg đối với các dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

Bỏ các điều kiện kinh doanh khác không phù hợp với Luật đầu tư (sửa đổi), gồm: điều kiện của tổ chức thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (Điều 9 Nghị định 18/2015/NĐ-CP); điều kiện của tổ chức thực hiện ĐTM (Điều 13 Nghị định 18/2015/NĐ-CP); một số điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo Nghị định 127/2014/NĐ-CP,…

Về điều khoản chuyển tiếp, Nghị định nêu rõ: Hồ sơ đã được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực (trừ các điều, khoản chuyển tiếp quy định tại Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Điều 64 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP) thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của các Nghị định tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ có yêu cầu thực hiện theo quy định của Nghị định này.

Các báo cáo định kỳ của chủ dự án, cơ sở và khu công nghiệp về: quan trắc và giám sát môi trường định kỳ, quan trắc tự động liên tục, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, quản lý chất thải nguy hại, quản lý phế liệu nhập khẩu, kết quả giám sát và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường và các báo cáo môi trường khác, được lồng ghép trong cùng một báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện quy định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

Nghị định này bãi bỏ: Điều 11 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 34, Điều 35, Điều 36 và các khoản 3, 4, 5 và khoản 6 Điều 55 và Phụ lục V của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngàỵ 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường; khoản 5 và khoản 9 Điều 9, điểm a và điểm b khoản 1 Điều 27, Điều 38, Điều 41, điểm b khoản 1 Điều 43, khoản 3 Điều 44 của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.

Theo monre.gov.vn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị định sửa đổi bổ sung hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường