Ngỡ ngàng cây Dã hương nghìn năm tuổi, “báu vật” rừng Yên Thế

Dương Đại Tiến|30/04/2018 01:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Cây Dã hương cổ thụ chiều cao 40m, đường kính gốc cây khoảng 4 – 5 người ôm, tuổi đời nghìn năm tuổi, hàng năm thu hút hàng trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan, chiêm ngưỡng, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm.

Tán lá cây Dã hương xum xuê

Nói đến cây Dã hương cổ thụ ở Bắc Giang, nhiều người sẽ liên tưởng đến cây Dã hương nghìn năm tuổi tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Tuy nhiên, tại huyện Yên Thế cũng có cây Dã hương cổ thụ quý, hiếm cùng chung cội nguồn với cây Dã hương nghìn năm tuổi ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang.

Truyền tích linh thiêng, “báu vật” nghìn năm rừng Yên Thế

Từ xa xưa khu vực Nghè Ang là rừng nguyên sinh, cây rừng rậm rạp, um tùm, từ khi sinh ra đã thấy cây Dã hương sừng sững uy nghi to lớn như hiện nay, cùng với dải di tích đình, chùa Bố Hạ, đình Lẩm và đền Bến Nhãn, cây Dã hương được ví như tấm bình phong che chở cho người dân nơi đây. Về mặt phong thủy, khu đất Nghè Ang được “thần mộc Dã hương” cùng đức chúa bà Ngọc Dong linh thiêng che chở, lại nằm cạnh sông Thương nên từ bao đời nay người dân nơi đây luôn đoàn kết, kinh tế phát triển bền vững.

Theo truyền tích kể lại, thời Pháp thuộc có sỹ quan Pháp đóng tại đồn Bố Hạ nghênh ngang cưỡi ngựa vào Khu tâm linh Nghè Ang, hắn buộc ngựa vào gốc cây Dã hương, ngựa phá nát một số cây non đang tái sinh, rồi “phóng uế” quang gốc cây về nhà con ngựa của viên sỹ quan Pháp tự nhiên lăn quay ra chết không rõ nguyên nhân, hắn sợ quá liền sắm lễ mang ngay đến Nghè Ang bái tạ, từ đó không dám bén mảng đến khu đó nữa.

Gốc cây Dã hương có đường kính gốc khoảng 4 – 5 người ôm

Các cụ bô lão kể lại, do biết được giá trị sử dụng của cây Dã hương, không ít người đã từng có ý định đốn hạ cây, nhưng đều không thể thực hiện được, có người chèo lên cây chặt cành to ngay lập tức xuất hiện đàn ong bay đến xua đuổi, phải bỏ ý định; rồi có một nhóm người đốn chặt một đoạn cành hay rễ của cây về sử dụng, sau đó gia đình liên tiếp gặp tai ương, kinh tế khốn đốn, hoạn nạn liên miên, phải đến làm lễ bái tạ tại Nghè Ang mới yên ổn…

Cây Dã hương nằm sát sông Thương do vậy, xưa kia là địa điểm liên lạc, là nơi che chở cho các chiến binh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế suốt 30 năm chống trả giặc Pháp xâm lược. Nơi đây, trong cuộc đánh phá, càn quét của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng đến thả bom dữ dội, phá cầu, phà Bố Hạ, đường giao thông, thôn Dinh Tiến bị cháy chụi; khi ấy, người dân địa phương đã đến tránh bom dưới gốc cây Dã hương, nên đều được bình an như có một bàn tay vô hình che chở khỏi bom, đạn của kẻ thù.

Cây di sản Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch

Nhận thấy rõ tiềm năng, phát triển du lịch bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cũng như nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã lập hồ sơ khoa học cây Dã hương nghìn năm tuổi tại thôn Dinh Tiến, xã Bố Hạ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét để công nhận là Cây di sản Việt Nam. Sau khi xem xét, thẩm định, ngày 02/3/2017, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã xét duyệt và công nhận cây Dã hương nghìn năm tuổi tại thôn Dinh Tiến, xã Bố Hạ là Cây di sản Việt Nam. Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá đây là một trong số ít cây Dã hương cổ thụ tại Việt Nam là cây hội tụ đầy đủ các điều kiện để được công nhận là Cây di sản Việt Nam, cũng như để ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương từ đời này sang đời khác, xuyên suốt bao thế kỷ đã giữ gìn, bảo vệ cây mới có được như ngày hôm nay.

Cây Dã hương có chiều cao khoảng 40m

Hiện nay, trên địa bàn Bố Hạ đã hình thành tua du lịch tâm linh với quần thể đình, chùa Bố Hạ, đình Lẩm, đền Bến Nhãn và Khu tâm linh Nghè Ang. Cây Dã hương nghìn tuổi đã trở thành một điểm nhấn du lịch tâm linh của xã Bố Hạ huyện Yên Thế, góp phần tạo nên một hành trình du lịch khám phá mới, hấp dẫn và nhiều trải nghiệm cho du khách trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, huyện Yên Thế cũng rất chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, đánh thức tiềm năng, phát triển bền vững du lịch trên địa bàn huyện Yên Thế như quần thể di tích Quốc gia đặc biệt của cuộc khởi nghĩa Yên Thế hay tua du lịch Tâm linh – Sinh thái với quần thể đình, chùa, giếng cổ Xuân Lung, cây Lim xanh nghìn tuổi, vùng chè xanh Bản Ven và Khu sinh thái Thác Ngà, để con người hòa quyện cùng thiên nhiên một cách gần gũi, tự nhiên.

Mong rằng, mỗi người dân hãy luôn là những cá nhân tiêu biểu, tích cực tuyên truyền và có những hành động cụ thể, tôn trọng, thiết thực trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống tươi đẹp của chúng ta. Thời gian tới, mỗi người trong mỗi chúng ta khi về với mảnh đất Yên Thế anh hùng, khi tham quan những địa điểm di tích Quốc gia đặc biệt của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, hãy ghé thăm “thần mộc Dã hương”  “báu vật” của rừng còn sót lại sau nhiều biến động, thăng trầm của thời gian và lịch sử là dịp để chiêm ngưỡng sự hiên ngang, trường tồn giữa trời đất của “cụ Dã hương” như khí phách nghìn đời của cha, ông ta.

                                                                       Dương Đại Tiến

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngỡ ngàng cây Dã hương nghìn năm tuổi, “báu vật” rừng Yên Thế