Người “thổi hồn” biến gốc tre thành lồng chim tiền tỷ

H.Đội|18/06/2017 12:17
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lồng chim do ông Căn chế tác có độ tinh xảo, thẩm mỹ cao

(Moitruong.net.vn) – Từ những gốc tre thô ráp, xù xì qua bàn tay tài hoa của ông Đoàn Minh Căn (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã biến thành những lồng chim tinh xảo, đẹp mắt được bán với giá tiền tỷ.

Nghệ nhân Đoàn Minh Căn sinh năm 1966, được nhiều người mến mộ và xưng tụng “Đệ nhất lồng chim xứ Huế” bởi biệt tài chế tác lồng chim có một không hai tại Việt Nam. Ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý như giải nhất tại Festival Huế năm 2010, hai giải nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một giải nhất của Cục Mỹ thuật…

Ông Căn đến với nghề điêu khắc từ khi còn rất trẻ. Ở tuổi 21, ông đã tự mở cho mình cơ sở điêu khắc gỗ gia dụng tại nhà. Trong một dịp vào thăm người thân ở TP. Hồ Chí Minh, tình cờ thấy con chim quý nuôi bằng lồng tre tuềnh toàng, ông Căn nghĩ: “Chim quý thì phải ở lồng son”. Có lợi thế nghề điêu khắc, ông nghĩ ngay việc dùng tre để chế tác thành những chiếc lồng đẹp mắt với nhiều mẫu mã hơn.

0,2 (1)Những chiếc lồng có đủ kích thước, phù hợp với nhiều loại chim khác nhau

Ông bắt tay vào tập luyện điêu khắc trên thân tre, nhờ sự miệt mài cùng đôi bàn tay tài hoa, những tạo hình hoa văn của ông dần đạt đến độ tinh xảo, thẩm mỹ cao. Tiếng lành đồn xa, ông Căn bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng làm lồng chim.  Ông tiếp tục nghiên cứu, sáng chế ra toàn bộ dụng cụ để phục vụ cho công việc của mình. Và đến nay, ông Căn đã gắn bó hơn 25 năm với nghề làm lồng chim, một khoảng thời gian khá dài mà không phải ai cũng làm được.

0,3 (2)Họa tiết, hoa văn tinh xảo tạo nên giá trị xa xỉ của chiếc lồng chim

Nói đến công việc tạo ra những chiếc lồng chim tinh xảo, ông Căn chia sẻ: “Tùy thuộc vào các loại chim để tạo ra các lồng hình tròn, hay vuông, lớn nhỏ khác nhau. Giá trị của mỗi chiếc lồng nằm ở chỗ họa tiết, hoa văn tinh xảo, bắt mắt, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Lồng chim không chỉ dành cho chim quý mà còn dùng để trang trí nội thất cho những ngôi nhà sang trọng”.

0,3 (3)Phần họa tiết được chạm trổ tinh xảo ở phía trên và móc lồng 

Những họa tiết, hoa văn thường được chạm trổ ở phần đế lồng, hay phía trên và móc lồng. Mỗi “tác phẩm” đều gắn với những bức tranh sinh động, di tích lịch sử như Đại Nội, Kinh thành Huế, sông Hương, núi Ngự, hay cô gái Huế trong tà áo dài thướt tha… Ngoải ra, còn có các họa tiết gắn với tuồng tích, như “Thập bát La Hán”, “Bát tiên quần thú”, “Cửu long ẩn vân”, “Song long chầu nguyệt”…

0,3Đế lồng chim được chạm trổ cầu kỳ, tỉ mỉ thành một bức tranh sinh động

Theo ông Căn, “nguyên liệu là yếu tố quan trọng nhất để làm nên một chiếc lồng chim bền, đẹp. Chúng tôi tìm mua tre, gỗ chủ yếu ở Nam Đông (Thừa Thiên – Huế), tỉnh Đắk Nông, và cả Lào”. Chính vì sản phẩm được làm từ nguyên liệu tốt, cộng với quá trình chế tác kỳ công, tỉ mỉ nên những chiếc lồng chim do ông Căn làm ra được bán với giá rất cao. Những chiếc lồng bình thường có giá từ 5 – 70 triệu đồng, chiếc nào thuộc loại “hàng quý hiếm” có giá cả tỷ đồng.

Nghệ nhân Căn kể, cách đây mấy năm, từng có đại gia ở TP. Hồ Chí Minh đặt ông làm 1 chiếc lồng chim trị giá hơn 1 tỷ đồng. Để làm được chiếc lồng chim theo yêu cầu của “thượng đế”, ông phải huy động toàn bộ thợ tay nghề cao, làm liên tục, mất hơn nửa năm mới hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng.

0,4Ông Căn mở lớp đạo tạo nghề, giúp các thanh niên địa phương có công việc ổn định

Hiện xưởng của ông Căn chuyên sản xuất những sản phẩm cao cấp, được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước nhưng chủ yếu vẫn là các tỉnh phía nam như: TP.HCM, Đà Lạt, Cà Mau, Sóc Trăng… Ngoài ra, sản phẩm lồng chim của ông còn xuất khẩu ra cả thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…

Với nghề làm lồng chim, ông Căn không chỉ tạo thu nhập kinh tế cho gia đình mà còn giúp tạo việc làm cho nhiều người lao động. Bởi, nghệ nhân Đoàn Minh Căn còn mở lớp truyền nghề cho các thanh niên trong và ngoài tỉnh, tính đến nay trên cả trăm người. Trong số học viên “ra lò” có khoảng 20 người được ông Căn nhận làm việc và trả lương, thưởng khá hậu hĩnh, mỗi người trên 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.

  H.Đội


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người “thổi hồn” biến gốc tre thành lồng chim tiền tỷ