Nhà báo nữ: Hãy sống hết mình vì nghề nhiều ý nghĩa

Hồng Hạnh|20/06/2017 09:58
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong dịp Lễ Kỷ niệm 55 thành lập Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tháng 6/2017

(Moitruong.net.vn) – “Nghề báo là một nghề lắm truân chuyên, nếu như đàn ông làm báo vất vả một thì phụ nữ làm báo còn vất vả mười. Nhưng đã chọn nghề, đã quyết tâm theo đuổi, cháy hết mình với đam mê nghề nghiệp thì hãy sống một cuộc đời vì nghề ý nghĩa”. Đó là những chia sẻ với các nhà báo nữ về chuyện đời, chuyện nghề của PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Phó Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phụ nữ làm báo – thuận lợi đấy chứ!

Thưa PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, sinh viên báo chí hiện nay tỷ lệ nữ khá lớn, nhiều người cho rằng phụ nữ làm báo không thích hợp, ý kiến của cô về vấn đề này là như thế nào?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Sao lại có cái nhìn bi quan thế! Nhà báo nữ cũng có nhiều lợi thế so với nhà báo nam đấy chứ.  Nếu như nam giới làm báo sẽ có những lợi thế nhất định về thể chất, khả năng làm việc trong cường độ cao thì phụ nữ làm báo cũng có lợi thế riêng đó chính là sự nữ tính, sự bền bỉ, kiên nhẫn và tính nhân văn của mình.

Cản trở nhất với người phụ nữ làm báo là gì, thưa cô?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Điều khó nhất với họ là định kiến xã hội và định kiến trong chính bản thân các nhà báo nữ. Xã hội luôn nhìn nhà báo nữ như những người chỉ lo việc xã hội và hy sinh việc gia đình và đời tư. Áp lực của định kiến xã hội, định kiến của gia đình là rất lớn. Bản thân một số nhà báo nữ cũng không thoát khỏi tư tưởng rằng “bổn phận của phụ nữ là phục vụ”, “làm báo khó lấy chồng, có lấy chồng thì cũng khó hạnh phúc”. Họ không biết rằng, người phụ nữ làm báo là người phụ nữ “chất” nhất, “tình” nhất và đáng yêu nhất.

Vậy cái chất, cái tình, cái đẹp của người phụ nữ làm báo thể hiện ở những điểm nào, thưa PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Nhà báo nữ thì luôn có nền tảng kiến thức tốt và hiểu chuẩn mực ứng xử trong gia đình, trong quan hệ xã hội, với bạn bè, người thân. Họ thông minh, tháo vát, có khả năng tổ chức cuộc sống tốt, sống có lý tưởng, có đạo đức và luôn thấm đẫm tính nhân văn trong mọi hành vi. Chưa nói đến vẻ đẹp hình thể, đam mê và trách nhiệm của họ, tình cảm của họ đủ để lôi cuốn người xung quanh. Không kể, về hình thức, hầu hết các nhà báo nữ, trong mắt tôi, họ quá đẹp. Có nghĩa là, vẻ đẹp của một nữ nhà báo là một vẻ đẹp toàn diện và lôi cuốn mạnh mẽ.

nữ nhà báo 2PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Bí thư chi bộ Khoa Báo chí và Đảng viên trẻ Bùi Mỹ Nga, sinh viên báo in K33A1

Không hy sinh và đánh đổi

Tuy vậy, trong thực tế, các cô gái trẻ làm báo không dễ tìm được ý trung nhân của đời mình. Cô nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: (Cười). Khó trước hết là các cô gái trẻ làm báo cũng “có giá” nên yêu cầu cao đối với người đàn ông của đời mình. Phần nữa, không dễ để yêu và chung sống cùng một nữ nhà báo đâu nhé! Yêu, tôn trọng, chia sẻ những khó khăn, vất vả của nghề làm báo với bạn gái hay vợ mình, chia sẻ với đam mê nghề báo của cô ấy, không phải nhiều người đàn ông làm được điều này. Vì vậy, phạm vi lựa chọn của nhà báo nữ lại thu hẹp thêm nữa.

Thưa Phó giáo sư, vậy cô gái làm báo sẽ phải hy sinh và đánh đổi mọi thứ để theo đuổi đam mê nghề báo?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Không! Nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định theo nghề báo và đã quyết định rồi thì đừng phàn nàn, đừng nghĩ rằng mình hy sinh và đánh đổi. Trên thế giới phụ nữ làm báo cũng rất nhiều, nhưng không hề có sự phàn nàn. Hãy tìm cách làm chủ cuộc sống và sự nghiệp của mình. Đừng vì nghề báo mà mất đi nữ tính, tình yêu, gia đình và ý nghĩa của cuộc sống nghề nghiệp báo chí của mình.

nữ nhà báoCô Đỗ Thị Thu Hằng trong chuyến thực tế đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang

Thưa PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, là một người phụ nữ, một nhà giáo, một nhà quản lý, một nhà khoa học, để cân bằng thời gian cho rất nhiều công việc quả là một điều không hề dễ dàng. Nhưng cô đã làm được và còn làm tốt tất cả những vai trò đó. Cô có lời khuyên gì cho các nhà báo nữ và các nữ sinh viên báo chí nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam sắp tới?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Người phụ nữ nên có những ưu tiên và cố gắng học cách xác định ưu tiên cho từng giai đoạn cuộc sống. Hãy tận dụng những giai đoạn nhiều lợi thế trước khi lấy chồng (còn trẻ, còn xinh đẹp, còn được tự do bay nhảy vì chưa có bầu, sinh con). Hãy nhớ mình là phụ nữ, không được để nghề báo làm mất đi nữ tính của mình. Đừng bỏ lỡ các cơ hội cho tình yêu và hãy trân trọng người đàn ông yêu mình và mình đã chọn yêu họ. Nếu chọn một người đàn ông có thể sẵn sàng chia sẻ nghề nghiệp của mình, tôn trọng nghề nghiệp của mình thì rất quý, hãy lấy người đó ngay và luôn (cười). Để đi cùng đam mê của mình, hãy cố gắng làm tốt nhất trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, làm con trong gia đình. Nếu có khó khăn gì thì nên chia sẻ để mọi người cùng hiểu mình, nghề của mình. Nghề báo là nghề nhiều ý nghĩa xã hội, nếu xã hội và công chúng tôn trọng và thừa nhận sức lao động và kết quả công việc của nhà báo nữ, thì chả sớm thì muộn, rồi những người thân yêu nhất của cô ấy sẽ hiểu và cảm thông chia sẻ thôi mà.

Xin chân thành cám ơn những chia sẻ hay và đầy ý nghĩa của Cô!

Hồng Hạnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo nữ: Hãy sống hết mình vì nghề nhiều ý nghĩa