(Moitruong.net.vn) – Một “mùa World Cup” mới đã về. Trong những ngày này, khi muôn triệu trái tim yêu mến bộ môn túc cầu giáo cùng thao thức theo từng nhịp trái bóng lăn trên sân cỏ với bao giai điệu cảm xúc, lòng tôi lại nhớ về những trận bóng nơi làng quê ngày xa xăm với những chàng cầu thủ chân đất tí hon năm xưa.

Ảnh minh họa

Những năm tháng ấy, quê tôi chưa có điện và cũng chưa có ti vi. Bọn trẻ trong làng đều tụ tập với nhau cùng chơi những trò chơi tập thể, như: chơi khăng, đánh đáo, trốn tìm hay chia quân chơi đá bóng… Các trận bóng của chúng tôi dù rất đơn sơ nhưng đã gắn kết những đứa trẻ trong làng với nhau, đem lại những giây phút giải trí bổ ích và kém phần hấp dẫn.

Những trận bóng ấy không theo bất cứ “mùa” nào mà diễn ra mọi lúc mọi nơi. Đó là những khoảng thời gian tranh thủ sau giờ tan học hay sau mỗi buổi mò tôm bắt cá. Trận bóng có lúc diễn ra ngay trên sân nhà hoặc đường làng rộng, nhưng phần lớn chúng tôi thường rủ nhau chơi trên bãi cỏ bên bờ sông hoặc trên khoảnh ruộng đã gặt xong, chân ruộng đã cứng lại. Đó là những “sân bóng” có không gian rộng, để chúng tôi tha hồ mà hò reo, chạy nhảy. Cũng chẳng kể trời nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hạ, tất cả những đứa trẻ trong làng đều có quyền thay nhau đá bóng. Đá bóng thường là trò chơi của tụi con trai chúng tôi nhưng cũng có mấy đứa con gái cũng thi thoảng góp vui. Tụi con gái đá bóng dù chân tay vẫn lóng ngóng, vụng về nhưng cái khoản hò hét cổ vũ thì cũng sôi nổi, nhiệt tình chẳng kém ai…

Quả bóng đá của chúng tôi được làm bằng nhiều “chất liệu” khác nhau như bằng rơm, lá chuối khô hoặc cỏ khô cuộn tròn lại, nhưng bền nhất, đá “êm chân” nhất vẫn là những quả bóng được bện từ vải cũ. Chúng tôi tìm quanh nhà mình những miếng giẻ rách, giặt sạch và phơi khô, rồi tụ tập cùng nhau nối những miếng vải ấy lại và xoắn những vòng tròn bao bọc nhau đến khi “quả bóng” to bằng khoảng vốc tay người lớn là được. Sau đó, chúng tôi dùng dây đay đan thành cái rọ, ôm khít quả bóng. Thật là chán nếu trận đấu đang hay mà những miếng vải lại bung ra! Vì vậy, quả bóng phải được quấn thật tròn, chắc và buộc nịt rất cẩn thận. Bên cạnh đó, cầu môn (hay gôn, khung thành) thường được chúng tôi xếp bằng hai hòn đất hoặc mô rạ, mô cỏ hoặc là mũ áo được cởi ra, vứt gọn lại. Đội hình mỗi bên cũng không cố định số lượng, đông người chơi thì bảy hay mười cầu thủ, ít người thì thì mỗi đội chỉ ba hoặc năm người và cũng chẳng câu nệ lớn hay bé, trai hay gái. Cứ thấy bóng lăn là tưng bừng tiếng hò reo, là lại tụ tập đứng xem, thật sôi động và hấp dẫn…

Những trận bóng ở làng không có trọng tài, không có cúp này cúp nọ nhưng luôn hấp dẫn người chơi và người xem, đem lại niềm vui tuổi nhỏ. Trái bóng tuổi thơ vẫn lăn tròn trong nỗi nhớ của những đứa trẻ quê nghèo. Vẫn luôn hiện lên những đường bóng trên mặt ruộng mấp mô với tràn ngập tiếng hò reo náo nhiệt như một phần kí ức của làng…

Trần Lợi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những trận bóng làng quê