Ninh Bình: Nhìn lại thực trạng và công tác quản lý nguồn nước

30/03/2016 08:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Tài nguyên nước được ví như món quà vĩnh cửu của thiên nhiên dành tặng sự sống của con người và các loài sinh vật trên Trái Đất. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng nước hiện nay ngày càng trở nên bức bách, nguồn nước ngày càng ô nhiễm, quá trình tái sinh nước sạch không kịp đáp đứng nhu cầu của con người, nhất là ở những vùng đông dân cư và các đô thị lớn. Có phải chăng vai trò và vị trí của nguồn tài nguyên nước chưa được coi trọng dẫn tới ý thức sử dụng và quản lý nguồn nước của con người chưa được nâng cao?

Với lợi thế là một tỉnh có mạng lưới sông ngòi dày đặc bao gồm hệ thống các sông lớn, nhỏ như: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Lạng, sông Vạc, … được phân bố tương đối đồng đều đã có những tác động tích cực tới công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Bình, góp phần đưa thành phố du lịch này đi lên mạnh mẽ trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa.

Thực tế đáng buồn là vai trò và vị trí của nguồn tài nguyên nước lại chưa được các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, nhà máy và người dân trên địa bàn tỉnh coi trọng. Chính điều này đã khiến cho nguồn nước trên địa bàn tỉnh ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Mới đây, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Ninh Bình cho biết: Đã phát hiện và bắt quả tang Công ty TNHH M-C-NEX VINA có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường như amoni, coliform vượt quá quy chuẩn cho phép từ 8 – 33 lần. “Báo cáo hiện trạng tài nguyên nước tỉnh Ninh Bình” của Phòng Quản lý tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cũng cho biết: Qua kết quả phân tích tại 02 cơ sở là Nhà máy sản xuất mì ăn liền Thái Bình Dương và Công ty TNHH liên doanh sản xuất dệt may Việt – Ý cho thấy nước thải có chỉ tiêu coliform dao động từ: 7.880-12.000MPN/100ml, vượt TCVN 5945-2005 từ 1,576-2,4 lần, COD: 90-195,6mg/l, vượt TCCP từ 1,04-2,26 lần,  nước thải của Nhà máy sản xuất mỳ ăn liền chỉ tiêu BOD5 gấp 3,47 lần TCCP.

Bên cạnh đó, chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Cụ thể, ­hệ thống các sông, hồ trên địa bàn thành phố Ninh Bình đang rơi vào tình trạng bị ô nhiễm, vượt quá giới hạn tiêu chuẩn cho phép theo tiêu chuẩn TCVN 5942-1995 (B); tại các KCN nguồn nước thải không được xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn đã thải ra môi trường gây nên tình trạng ô nhiễm cục bộ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thuỷ sinh, làm suy giảm tính đa dạng sinh học; …

Ông Bùi Ngọc Dũng, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Sở dĩ chất lượng nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm là do ý thức sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước của người dân và các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tình trạng xả rác, nước thải ra ao, hồ, kênh mương bừa bãi và việc sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu không đúng quy định là nguyên nhân làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật về sử dụng và xả thải nguồn nước đã qua sử dụng của các cơ sở sản xuất còn kém.

ông-Bùi-Ngọc-Dũng-Trưởng-phòng-Quản-lý-tài-nguyên-nước-và-Khí-tượng-thủy-văn-Sở-Tài-nguyên-và-Môi-trường-tỉnh-Ninh-Bình-1-1024x768Ông Bùi Ngọc Dũng, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và quy hoạch nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh cũng chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức.

Ông Dũng cho biết: “Về công tác thanh tra, kiểm tra thì chỉ được thực hiện dưới hình thức đôn đốc, nhắc nhở và lập biên bản vi phạm để đề nghị xử lý chứ Phòng không có thẩm quyền xử phạt. Còn về công tác quy hoạch nguồn tài nguyên nước thì chưa có sự kết hợp giữa các cơ quan ban ngành với nhau do vị trí và vai trò của tài nguyên nước còn bị coi nhẹ và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cả nhân dân lẫn chính quyền địa phương”.

Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó công tác tuyên truyền được đưa lên hàng đầu nhằm giúp người dân nhận thức được rõ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ chấp hành pháp luật trong việc sử dụng nguồn tài nguyên nước. Đặc biệt, hướng đến công tác tuyên truyền và hưởng ứng ngày nước thế giới (22/3) năm nay theo chủ đề: “Nước và việc làm” đã được Liên Hiệp Quốc công bố. Ông Dũng cho biết: Phòng Quản lý tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã lên kế hoạch hoạt động và sẽ đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng.

Ông Dũng cho biết thêm: Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai các hoạt động hưởng ứng tại thành phố Ninh Bình và một số huyện trên địa bàn tỉnh: treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền theo chủ đề “Nước và việc làm” trên các trục đường chính nhằm hưởng ứng, tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Nhìn lại thực trạng và công tác quản lý nguồn nước