Nông dân Quảng Nam “khát” nước tưới giữa mùa mưa

Hoàng Linh (T/h)|22/11/2018 23:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo đó, tại Quảng Nam, bình quân mỗi vụ Đông Xuân gieo trồng khoảng 78.000 ha, trong đó cây lương thực có hạt trên 49.000 ha. Hiện tại địa phương này có tổng cộng 73 hồ chứa nước thủy lợi, với tổng dung tích hữu ích là 515 triệu m3 nước. Thế nhưng điều đáng lo, các hồ thủy lợi này đã ở mực nước rất thấp. Trong khi đó các hồ thủy điện do không có mưa ở thượng nguồn nên việc tích nước cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó với kế hoạch sản xuất nêu trên, Quảng Nam đang rất lo thiếu nước.

– Dù đang vào giữa mùa mưa thế nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang diễn ra tình trạng khô hạn, nhiều hồ thủy lợi và các dòng sông đạt mực nước rất thấp. Nông dân đang thấp thỏm nỗi lo thiếu nước tưới vụ sản xuất Đông – Xuân (2018 – 2019).

>>> Cây trồng công nghệ sinh học: Thêm lựa chọn cho nhà nông trong canh tác

>>>Đầm Môn, Khánh Hòa: Xác định nguyên nhân cá bớp chết hàng loạt

Ông Nguyễn Đại Nam, người dân sinh sống gần khu vực hồ thủy lợi Phú Ninh cho biết: “Sinh sống ở đây từ trước khi xây dựng hồ Phú Ninh cho đến bây giờ, tôi chưa thấy năm nào mùa động lạ lùng như năm nay. Vì chỉ còn một tháng nữa hết năm dương lịch mà trời cứ nắng chang chang. Tôi rất lo lắng vụ mùa đến sẽ thiếu nước sản xuất”. Đó cũng là nỗi lo của nhiều nông dân đang sinh sống ở Quảng Nam.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, tổng lượng mưa từ ngày 1/9 đến 15/11 tại các hồ chứa do công ty quản lý ở mức rất thấp, bình quân bằng 53,12% so với trung bình nhiều năm (thấp nhất là hồ Hương Mao 32,17%, cao nhất là hồ Đá Vách 75% và đặc biệt trạm đo mưa Xuân Bình đầu nguồn hồ chứa nước Phú Ninh chỉ đạt 19,20% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm.

Không chỉ hồ thủy lợi mà thủy điện cũng cùng chung số phận, hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn mực nước dâng bình thường rất thấp, do đó các các hồ thủy điện đang thiếu nước nghiêm trọng. Như Thủy điện A Vương, Sông Bung và Thủy điện sông Tranh tất cả đều ở dưới mực nước dâng bình thường.

Ông Phan Đình Thiên, Cụm trưởng Cụm đầu mối hồ Phú Ninh cho biết: “Vụ đông xuân 2018-2019, theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, công ty sẽ cung cấp nước theo lịch thời vụ của người dân để tiết kiệm nước. Nếu thời gian tới trời không mưa chắc sẽ thiếu nước trên diện rộng, còn việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các vùng lân cận như Tam Kỳ và các khu công nghiệp thì phục vụ đủ nước”.

Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết: “16/17 hồ công ty quản lý đang thiếu nước. Cụ thể 5 hồ chỉ đạt đạt 30% dung tích, 9 hồ dưới 50% dung tích. Riêng hồ Phú Ninh hiện nay dù tích được 190 triệu khối thì vẫn còn thiếu 222 triệu khối, chỉ đạt 40,6% tỉ lệ tích nước so với trung bình nhiều năm”.

Theo ông Hải, trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo cụ thể về việc đối phó với nắng hạn bất thường này. Do đó chúng ta phải tuyên truyền cho người dân được biết về việc đang thiếu nguồn nước sản xuất để bà con hiểu, chia sẻ sử dụng tiết kiệm nguồn nước trên đồng ruộng của mình.

Trước nguy cơ thiếu nước tưới đối cho vụ sản xuất Đông – Xuân, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam khuyến cáo nông dân tăng diện tích gieo sạ các loại giống lúa ngắn ngày, hạn chế gieo sạ các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 115 ngày trở lên. Ngoài ra, tổ chức phân vùng sản xuất một cách hợp lý, thuận tiện cho việc cấp nước. Các địa phương cũng chủ động củng cố hệ thống thủy lợi, phối hợp điều tiết nước tưới nội đồng hợp lý.

Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang phối hợp chặt chẽ với các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

“Các giải pháp chống hạn về mặt công trình phải đặt ra từ đầu. Ví dụ như ngăn mặn, nạo vét, kể cả việc bố trí các trạm bơm dã chiến để sẵn sàng sử dụng nước hồi quy các loại phải đặt ra, áp dụng triệt để tưới lứa, tức là tưới xen kẽ. Đồng thời năm nay chỉ đạo dùng giống ngắn ngày sẽ giảm được vài lần tưới”, Lê Muộn nói.

Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu khiến lượng mưa trong tháng 11 và 12 năm nay được dự báo thấp hơn mức trung bình các năm trước từ 20% – 30%.

Tại tỉnh Quảng Nam, diện tích canh tác phụ thuộc vào nguồn nước tưới của các hồ chứa lớn như Đông Tiển, Việt An, Vĩnh Trinh… sẽ gặp khô hạn nặng từ giữa đến cuối vụ.

Nếu trời tiếp tục không mưa thì 25.000 ha đất nông nghiệp phụ thuộc nguồn nước 17 hồ chứa thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới vụ Đông Xuân.

Hoàng Linh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Quảng Nam “khát” nước tưới giữa mùa mưa