Nước lũ đe dọa hơn 40.000ha lúa ở Kiên Giang

Quốc Tuấn|30/08/2018 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, trên địa bàn 3 huyện: Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành có khoảng 40.000ha lúa hè thu còn hơn 1 tháng nữa mới tới kỳ thu hoạch. Thế nhưng mực nước đang dâng cao bất thường “đe dọa” nhiều tuyến đê bao, ngành chức năng và bà con nhân dân tỉnh Kiên Giang đang triển khai nhiều phương án nhằm bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 1.000ha lúa có thể thu hoạch sớm chạy lũ… chính quyền địa phương đang nỗ lực cùng người dân thu hoạch sớm, hơn 70% diện tích lúa bị ngập nước ở các xã trên địa bàn.

Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Bộ binh 207 giúp nhân dân xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương thu hoạch lúa

Theo dự báo, sau khi xả đập Tha La, Trà Sư tỉnh An Giang 3 ngày, mực nước hạ lưu đập Tha La, Trà Sư tư từ 50 – 1110cm; tại Hòn Đất tăng từ 5 – 7cm; tại Tân Hiệp tăng từ 2 – 5cm (theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam). Sau khi mở đập khoảng 10 ngày, lượng lũ tràn từ Campuchia sẽ tập trung đỗ về khu vực huyện Hòn Đất từ kênh T5 trở xuống phía Rạch Giá, nhất là ở các kênh Tri Tôn, Mỹ Thái thuộc các xã: Nam Thái, Mỹ Thái và phía Nam kênh Ranh giữa 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang; khu vực Giang Thành, mực nước trên kênh Vĩnh Tế sẽ có xu hướng giảm do lượng lũ từ Campuchia tập trung đổ về Hòn Đất qua cửa Tha La, Trà Sư.

Dự báo đến ngày 10/9 sẽ có đợt triều cường khá cao, mực nước đầu nguồn tại Châu Đốc có khả năng lên nhanh, đến ngày 14/9 có khả năng đạt mức 3,8 – 4,0m; kết hợp 2 yếu tố lũ đầu nguồn sông Hậu đổ về và việc mở đập Tha La, Trà Sư, dự báo mực nước nội đồng tỉnh Kiên Giang đến cuối tháng 9/2018, như sau: Tại khu vực huyện Hòn Đất mực nước tiếp tục tăng thêm 0,5 – 0,6m; khu vực huyện: Giang Thành, Kiên Lương tăng 0,3 – 0,4m, khu vực Tây Sông Hậu tại Tân Hiệp tăng khoảng 0,2 – 0,3m.

Trước tình hình đó, tỉnh Kiên Giang đang phối hợp cùng các huyện, ngành liên quan… nhanh chóng gia cố đê bao, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm rút nước; tuyên truyền cho người dân đề cao cảnh giác và theo dõi sát mực nước lũ để cùng nhau phòng chống. Cụ thể, trên địa bàn 3 huyện Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành có khoảng 40.000ha lúa hè thu chưa đến kì thu hoạch, đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Mai Anh Nhịn chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện Công văn số 1120/UBND-KTCN ngày 22/8/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập lũ, úng do ảnh hưởng của lũ năm 2018 theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công văn số 1131/UBND-KTCN ngày 23/8/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai công tác ứng phó với lũ năm 2018. Đồng thời, các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình mưa lũ, hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và có biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là tránh thiệt hại do lũ trên các trà lúa hè thu và thu đông; tổ chức khai thông dòng chảy kênh mương, vận hành hệ thống cống hợp lý để thoát lũ; tiếp tục khảo sát tình hình ảnh hưởng lũ đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh tại các địa phương, chỉ đạo giải pháp ứng phó. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc việc tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm ứng phó với lũ theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, xem đây là nhiệm vụ chính trị cấp bách với quyết tâm bảo vệ cho được sản xuất và không gây ảnh hưởng lớn đến dân sinh vùng lũ.

Những ngày qua, Trung đoàn Bộ binh 893, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Bộ binh 207 đã phân công cán bộ, chiến sỹ giúp nhân dân cắt lúa, nhằm giúp bà con giảm bớt một phần thiệt hại khi lũ về. Đây là một trong những hoạt động dân vận của Tiểu đoàn trên địa bàn xã Kiên Bình thực hiện theo lời dạy của Bác “Quân với dân như cá với nước”, qua hoạt động này góp phần tô thắm truyền thống đoàn kết quân – dân. Nhận thức sâu sắc như vậy, cho nên dù tham gia giúp dân cắt lúa trong điều kiện nước ngập rất vất vả, nhưng cán bộ, chiến sỹ đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, hăng hái lao động giúp dân.

Đồn Biên phòng Vĩnh Điều (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) đưa gần 200 cán bộ, chiến sĩ giúp dân thu hoạch hơn 70% diện tích lúa bị ngập nước ở các xã trên địa bàn huyện Giang Thành; tiến hành đắp bờ, gia cố các đoạn đê xung yếu để ngăn nước lũ tiếp tục gây hại các diện tích lúa còn lại. Đối với các diện tích không thể gia cố bờ bao được, các đơn vị tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch lúa sớm từ 1 – 2 tuần để chạy lũ.

Quốc Tuấn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước lũ đe dọa hơn 40.000ha lúa ở Kiên Giang