Nuôi chim yến tự phát gây ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân nội đô

Theo NLD|10/04/2018 02:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trước thực trạng các hộ nuôi chim yến tự phát tại Tp. Hồ Chí Minh gây ra nhiều bất cập về quy hoạch đô thị và ô nhiễm môi trường. Tp. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị chức năng không cho phép xây dựng, sử dụng những ngôi nhà và đầu tư trang thiết bị chuyên dụng để dẫn dụ chim yến đến trú ngụ, làm tổ tại các khu đô thị mới và các khu vực trung tâm thành phố.

Việc dẫn dụ, nuôi chim yến trong nội thành gây nhiều ảnh hưởng tới đời sống người dân trong nội đô

Theo ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NN-PTNT Tp. Hồ Chí Minh, trong số các nhà yến đang tồn tại ở Tp. Hồ Chí Minh chỉ có 54,6% nhà yến hoạt động hiệu quả. Theo tổng hợp ý kiến các địa phương về quy hoạch vùng nuôi chim yến do Sở NN-PTNT TP tổ chức, đa số muốn giữ nguyên hiện trạng, không tăng số lượng, đề nghị được hướng dẫn để nâng cao hiệu quả khai thác; chỉ có quận 9, Cần Giờ và Củ Chi đề xuất tiếp tục phát triển do có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và sông nước, nhất là huyện Cần Giờ có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến.

Ông Nguyễn Phước Trung nhận định việc xây dựng các nhà nuôi chim yến nằm xen cài trong khu dân cư là không phù hợp về quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi phát sinh các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều nhà yến không được cấp phép xây dựng mà cải tạo từ nhà ở hoặc cơi nới thêm để nuôi chim yến một cách tự phát. Trong số 509 nhà yến hiện hữu chỉ có 120 nhà yến chuyên dụng, còn lại là dạng kết hợp. Việc dùng máy phát âm thanh dẫn dụ để phát triển đàn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng, nhất là khu vực nội thành và các khu dân cư tập trung.

Theo quy hoạch, huyện Cần Giờ sẽ tập trung nuôi chim yến quy mô lớn ở 4 xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Lý Nhơn với tổng diện tích nuôi lên đến 5.607 ha. Đến năm 2025, số lượng đàn tăng lên 1,2 triệu con, cung cấp 8,1 tấn yến cho thị trường. Ở huyện Củ Chi, đến năm 2025 có 55 nhà yến với gần 42.000 con, cung cấp sản lượng 287 kg yến. Quận 9 chỉ nuôi ở phường Long Phước trên diện tích hơn 500 ha ước tính gần 36.000 chim yến cho sản lượng 241 kg.

Với phương án quy hoạch này thì nhiều nhà yến ở các địa phương còn lại sẽ bị đóng cửa. Sở NN-PTNT TP đưa ra lộ trình đến năm 2020 sẽ ngưng nuôi đối với cơ sở nuôi chim yến xây dựng trước năm 2011 và hoạt động không hiệu quả, cho sản lượng tổ yến dưới 1 kg/tháng. Các cơ sở không bảo đảm các điều theo quy định tại Thông tư 35/2013 của Bộ NN-PTNT nhưng không có biện pháp khắc phục trước năm 2016 phải chấm dứt hoạt động. Đến năm 2025, căn cứ vào tình hình thực tế chỉ cho phép tồn tại những nhà yến thực sự hiệu quả, cách biệt các công trình dân sinh, bảo đảm vệ sinh môi trường và không bị cộng đồng cư dân xung quanh khiếu nại. Theo phương án Sở NN-PTNT đưa ra, năm 2025 chỉ còn 10 nhà nuôi chim yến hiện hữu ở 6 quận, huyện với tổng đàn 32.750 con.

Theo NLD


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi chim yến tự phát gây ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân nội đô