Nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên-Huế đối mặt với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường

10/12/2017 02:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo đánh giá hiện nay ngành nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên-Huế đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người dân địa phương.

Nuôi đúng quy trình kỹ thuật và chọn con nuôi hợp lý là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm (nuôi cá lồng ven phá ở Thuận An, Phú Vang)

Được biết, ngoài hệ thống sông ngòi, ao hồ phân bố đều khắp ở các địa phương, hệ thống đầm phá Tam Giang- Cầu Hai của Thừa Thiên-Huế là nơi có nguồn thủy sản dồi dào, phong phú, nơi tạo ra nguồn sinh kế cho hơn 36% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có khoảng 133 ngư thôn và 200 nghìn người sinh kế chuyên ngư.

Diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai và ô nhiễm môi trường đang làm cho ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) chịu rủi ro cao. Trong mùa mưa bão, hầu như mọi hoạt động đánh bắt thủy sản đều ngưng trệ, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Ngoài ra, khi nước lũ tràn vào các ao nuôi có thể làm thay đổi độ mặn của nước, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài thủy hải sản.

Lượng mưa biến động tăng vào mùa mưa có thể dẫn đến quá trình ngọt hóa hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, làm cho các hệ sinh thái đầm phá đặc trưng bị phá vỡ, nguồn lợi thủy sản nước lợ bị suy giảm nghiêm trọng. Khi xảy ra mưa lớn, độ mặn trong các ao nuôi giảm xuống đột ngột vượt ngưỡng chịu đựng làm cho các loài nuôi bị sốc dẫn đến chết hoặc chậm lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng cá chết hàng loạt ở các lồng nuôi, ao nuôi ở Hương Thủy, Quảng Điền, Hương Trà… trong những đợt lũ liên tiếp vừa qua.

Việc phát triển mạnh mẽ trong NTTS còn làm suy giảm vốn tự nhiên. Hiện nay, qui mô NTTS ở một số vùng trên phá Tam Giang và trên một số nhánh sông lớn vượt khả năng chịu tải.

Ngoài những tác động của thiên tai, tác động nhân tai trong vấn đề xả rác bừa bãi, chất thải từ chăn nuôi, từ các cơ sở sản xuất làng nghề, công trình xây dựng không được xử lý và chất thải từ các phương tiện đánh bắt thủy hải sản, khai thác quá mức nguồn lợi thủy hải sản, đất đai, mặt nước… sẽ tiếp tục trầm trọng và dồn thêm áp lực đối với các hệ sinh kế ven biển, đầm phá.

Rất nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ xảy ra ở hình thức các thiên tai bất ngờ và đột biến. Do đó việc áp dụng các biện pháp thích ứng khẩn cấp là rất quan trọng. Theo đề xuất của một số nhóm nhà nghiên cứu, để đánh bắt và NTTS thích ứng với khí hậu, cần cải tiến công tác hoạch định và quản lý trong lĩnh vực thủy sản, thông qua việc tăng cường các quy định về xử lý chất thải thủy sản. Nghiên cứu để theo dõi và dự đoán sự dịch chuyển của các loài cá nước ngọt và nước mặn quan trọng. Việc làm này giúp đối phó với việc các con sông bị tăng hoặc giảm độ mặn, sự ấm lên của các vùng nước nông gần các bờ biển.

Giới thiệu các loại thủy sản đã thích nghi với môi trường có nhiệt độ cao và độ mặn đã thay đổi hay ngọt hóa. Điển hình như thời gian qua, một số vùng nuôi đã thành công nhờ mô hình nuôi tôm càng xanh, cá vược trắng, cá đối mục và những mô hình nuôi xen ghép, nuôi cá vượt lũ… Đây cũng là hình thức thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm và nhân rộng mô hình nuôi ra những vùng thích hợp, giúp người dân hạn chế rủi ro.

Trước khi chọn và đưa giống vào nuôi trồng, cần đánh giá khả năng chống bệnh, tác động tiềm tàng của loài thủy sản được đưa vào nuôi trồng đối với các loài bản địa. Đánh giá các loài mới, các công cụ và kỹ thuật mới cần thiết cần được các ngư dân áp dụng để thích ứng với sự thay đổi nơi cư trú của các loài do việc tăng và thay đổi độ mặn ở cửa sông, ven phá.

Theo TTH

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên-Huế đối mặt với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường