Ô nhiễm nguồn nước gia tăng – Thách thức lớn với môi trường sống

Hồng Đăng (TH)|20/06/2017 23:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng gia tăng

(Moitruong.net.vn) – Tình trạng ô nhiễm nguồn nước gia tăng đang gây thách thức lớn đối với môi trường sống của con người. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Xử lý nước thải còn nhiều thách thức

Hiện, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn về nước thải từ khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, sinh hoạt… Bởi, đa phần lượng nước thải này xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý, gây nguy hại cho con người và sinh vật.

Theo ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cả nước có trên 200 khu công nghiệp, hằng ngày xả thải ra môi trường khoảng hơn 1 triệu mét khối nước thải, nhưng 75% chưa qua xử lý đã xả thẳng ra môi trường.

Tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước cũng ngày càng gia tăng tại các làng nghề. Thống kê của Vụ Khoa học và Công nghệ môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, nhưng số làng nghề được quy hoạch trong các khu cụm công nghiệp rất ít, chỉ chiếm khoảng 1%, số còn lại đa phần xả thải trực tiếp ra môi trường.

Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả khảo sát tại 52 làng nghề thì có 46% làng nghề bị ô nhiễm môi trường nặng, 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ. Chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% từ bụi, 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất.

Ô nhiễm nguồn nước ở các làng nghề nông thôn Việt Nam là do các hợp chất vô cơ độc hại như acid, bazo, muối, kim loại nặng… thường thấy ở các làng nghề cơ khí, mạ, đúc, tẩy nhuộm. Đây là những nguồn ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm, nhất là tính chất của nước thải dệt nhuộm được xếp vào loại nước thải nguy hiểm nhất trong các loại nước thải, không những gây tác động đến nguồn nước mặt mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho người dân vùng lân cận.

Bên cạnh đó, chất lượng nước còn bị suy giảm nghiêm trọng do lượng nước thải sinh hoạt tăng, với khoảng 600.000m³/ngày – đêm, xả thẳng ra các ao hồ. Nhiều nhà máy đơn lẻ và các cơ sở sản xuất, bệnh viện cũng thải ra ao hồ khoảng 7.000m³/ngày, trong đó chỉ 30% được xử lý.

Cùng với đó là việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp; Hoạt động nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân thủ quy trình kỹ thuật trong nhiều năm qua, đã gây nhiều tác động tiêu cực tới chất lượng nguồn nước. Và hậu quả là môi trường nước bị ô nhiễm, phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc…

Ngoài ra, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở cũng góp phần đáng kể làm gia tăng tình trạng ô nhiêm nguồn nước. Hiện, cả nước có hơn 34.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y, hầu hết đều nhỏ lẻ nên chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Ngay cả với những cơ sở lớn, việc quản lý chất thải cũng vẫn còn nhiều điều phải bàn.

giám sát chặt chẽ việc khai thác và xả thải nướcCần giám sát hoạt động khai thác nước và xả thải nước để bảo vệ tài nguyên nước

Cần có chế tài đủ mạnh để bảo vệ tài nguyên nước

Trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước gia tăng, để khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm và khai thác nguồn tài nguyên nước hợp lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng thời, Bộ cũng cũng đang xem xét, ban hành thông tư quy định cụ thể về việc thực hiện cơ chế giám sát hoạt động khai thác nước và xả thải nước, khuyến khích việc xã hội hóa quan trắc lưu động. Các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do Nhà nước đầu tư tạo thành một hệ thống kết nối hoàn chỉnh giữa trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý phân tích, xử lý số liệu để phát hiện kịp thời các trường hợp xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp đặc biệt quan trọng là phải thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước. Vì, trên thực tế, việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, quản lý xả thải của nước ta còn chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất. Các cơ quan chức năng và có trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý xả thải từ khâu cấp phép đến khâu thanh gia, giám sát và xử lý hậu quả còn rất lúng túng, thiếu nguồn lực, thiếu công nghệ và thiếu sự phối hợp với địa phương, đặc biệt thiếu sự tham gia của người dân nên không phát hiện kịp thời các sự kiện, không kiểm soát kịp thời chất thải và công nghệ thải.

Do đó, để tăng cường năng lực giám sát xả thải của các cơ sở sản xuất, nên có chính sách để người dân tham gia quá trình giám sát hoạt động xả thải, vì người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường. Bên cạnh đó, cần có những mức xử phạt cao và hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường từng bước đi vào nề nếp.

Theo ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cần xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải, nghĩa là các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải… và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do nhà nước đầu tư (bao gồm phần cứng, phần mềm và đường truyền) tạo thành một hệ thống thống nhất giữa Trung ương, địa phương, thậm chí, trên từng lưu vực sông.

Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương với các phần mềm phân tích, xử lý số liệu trực tuyến sẽ theo dõi thường xuyên, phát hiện và cảnh báo, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật. Ông Bẩy cũng cho rằng: “Nếu chúng ta sớm đưa cơ chế giám sát này vào thực thi sẽ có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế mạnh tình trạng không tuân thủ trong việc xả nước thải và việc vận hành bảo đảm dòng chảy tối thiểu, gây ô nhiễm, cạn kiệt các dòng sông như hiện nay”.

Hồng Đăng (TH)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm nguồn nước gia tăng – Thách thức lớn với môi trường sống