Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: CHUNG TAY BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC

27/05/2016 11:14
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

(Moitruong.net.vn) – Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức vào ngày 5/6 hằng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng nhằm chung tay bảo vệ môi trường trước sự tác động mạnh mẽ của môi trường tới đời sống xã hội của Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để làm rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày Môi trường Thế giới  năm nay, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có buổi phỏng vấn ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề trên.

Untitled-4Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường

MT&CS: Thưa ông, Ngày Môi trường Thế giới năm 2016 có chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Vậy, ông có thể cho biết ý nghĩa của chủ đề này?

Ông Hoàng Văn Thức: Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2016 là: Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” nhằm truyền cảm hứng cho toàn nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất. Thông qua đó huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên Đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới.

Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái hệ sinh thái, cướp đi những di sản, mà còn đẩy những giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã cũng là góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội.

Nhằm ngăn chặn sự leo thang chóng mặt của những hành động đáng lên án trên, con người cần hiểu biết nhiều hơn về những tổn hại mà kinh doanh bất hợp pháp động vật hoang dã gây ra cho môi trường, nền kinh tế, cộng đồng và an ninh toàn cầu. Chúng ta cần phải thay đổi thói quen và hành vi để giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động thực vật hoang dã. Bên cạnh đó, cần tăng cường nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật và ngăn chặn những cá nhân, tổ chức vi phạm.

MT&CS: Năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Tháng hành động vì môi trường”. Trong tháng này, Bộ sẽ triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay?

Ông Hoàng Văn Thức: Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trương đổi mới các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với các hoạt động thực tế, thiết thực hướng tới cộng đồng. Đặc biệt năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Tháng hành động vì môi trường” với các hoạt động trên phạm vi cả nước, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng người dân trên cả nước.

Những hoạt động chính trong “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường Thế Giới năm nay sẽ gồm những hoạt động trọng tâm sau:

– Đêm truyền hình trực tiếp Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016, được tổ chức tại tỉnh Lào Cai vaò ngày 4 tháng 6 năm 2016;

– Lễ thả động vật về rừng và trồng cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016;

– Hội thảo “Vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học  và bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam”;

– Diễn đàn môi trường và phát triển;

– Lễ tổng kết “Tháng hành động vì môi trường” và tổ chức Giải chạy bộ “Hành trình Việt Nam xanh”.

Ngoài ra, có 09 hoạt động hưởng ứng khác được tổ chức trên toàn quốc bao gồm:

– Hướng dẫn mô hình cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường;

– Phát động Cuộc thi “Nước và Cuộc sống”;

– Hội thảo về đa dạng sinh học hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học;

– Tổ chức Chương trình trồng cây “Vì một Việt Nam xanh” và Lễ trao đèn năng lượng mặt trời;

– Tổ chức Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý môi trường khu vực đồng bằng sông Hồng;

– Công bố dự án “Trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)” và hướng dẫn quy trình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

– Hội nghị tập huấn Báo chí với môi trường và biến đổi khí hậu;

– Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng truyền thông môi trường cho mạng lưới truyền thông môi trường quốc gia;

– Tổ chức Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ (NGO) tham gia truyền thông môi trường.

Các tỉnh, thành phố và địa phương trong cả nước sẽ tùy thuộc vào điều kiện và tình hình cụ thể của mỗi nơi sẽ có các hoạt động thiết thực để hưởng ứng ngày Môi trường thế giới năm nay.

MT&CS: Thưa ông, tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những biện pháp gì nhằm ngăn chặn tình trạng trên?

          Ông Hoàng Văn Thức: Hiện nay, tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã ở nước ta đang diễn biến phức tạp và đang được cả cộng đồng thế giới rất quan tâm. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong nỗ lực bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học, thực hiện Luật đa dạng sinh học năm 2008 và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Việt Nam là một trong những nước thuộc khu vực Đông Nam Á có sự đa dạng sinh học cao và phong phú, nhưng nhiều năm nay diện tích rừng bị thu hẹp do bị tàn phá, cộng với vấn nạn buôn bán ĐVHD phức tạp trên diện rộng dẫn đến số lượng cá thể giảm nhanh chóng nên nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Các vụ việc phát hiện và thu giữ sừng tê giác, ngà voi với số lượng lớn; hay những hình ảnh hạ sát voọc quý một cách man rợ gần đây là những minh chứng cụ thể cho thấy công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật và tuyên truyền về bảo vệ ĐVHD trong cộng đồng còn nhiều bất cập.

dong vat

Lực lượng chức năng thu giữ động vật của các đối tượng buôn bán động vật hoang dã

Để ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những biện pháp cụ thể sau:

Xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý, tăng cường kiểm soát khai thác, buôn bán trái phép các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như xây dựng hướng dẫn việc đăng ký thành lập cơ sở bảo tồn và quản lý hoạt động gây nuôi bảo tồn đa dạng sinh học để duy trì nguồn gen, phát triển và tiến tới mục tiêu tái thả các loài động vật hoang dã về môi trường tự nhiên trong thời gian sớm nhất; xây dựng chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm để phục hồi và phát triển các quần thể loài hoang dã nguy cấp.

Tăng cường vai trò và sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng trong công tác bảo tồn các loài, đặc biệt trong các hoạt động bảo tồn tại chỗ; đồng thời xây dựng cơ chế giám sát có sự tham gia của cộng đồng trong công tác giữ gìn, bảo vệ tài nguyên động vật hoang dã và đa dạng sinh học.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội, tạo dư luận xã hội lên án các hành vi buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài động vật hoang dã.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các hành vi buôn bán các động vật hoang dã và nguy câp qúy hiếm; giám sát các cơ sở bảo tồn, trại nuôi động vật hoang dã nhằm hướng dẫn, hỗ trợ công tác bảo tồn cũng như ngăn chặn các hành vi vi phạm trong công tác bảo tồn loài.

Đẩy mạnh xây dựng các mối quan hệ đối tác, kể cả trong nước và quốc té, thực hiện tốt Công ước về chống buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) để có thể tạo được sức mạnh tổng hợp cho việc bảo tồn các loài nguy cấp và tài nguyên đa dạng sinh học.

MT&CS : Xin trân trọng cảm ơn Ông !

Theo Hùng Thắng( TC Môi trường và Cuộc sống)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: CHUNG TAY BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC