PGS. TS Ngô Văn Giá: Người làm báo cần nhiều hơn là chữ tài

Vi Yến|21/06/2018 01:54
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Gặp PGS. TS Ngô Văn Giá – Nguyên trưởng Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn Hóa Hà Nội trong một ngày đầu hè, chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh một người thầy năm nay đã gần 60 tuổi nhưng cần mẫn tiếp lửa cho sinh viên. Mặc dù đã lui về “hậu trường”, không còn trực tiếp là “thuyền trưởng” của khoa Viết văn – Báo chí nữa nhưng thầy vẫn luôn trăn trở với những công việc còn đang dang dở của khoa Viết văn – Báo chí.

PGS. TS Ngô Văn Giá – Nguyên trưởng khoa Viết văn – Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Những ngày “khai bút” lắm gian nan

Vào một ngày đầu hè oi ả, khi mà sân trường Đại học Văn hóa Hà Nội không còn tấp nập sinh viên đi lại, hình ảnh một “lão niên” với chiếc balo sờn cũ bước vội từ sân trường đi vào khoa Viết văn – Báo chí khiến chúng tôi khỏi thể không bồi hồi xúc động. Ấn tượng đầu tiên khi được gặp PGS.TS Ngô Văn Giá không phải là hình ảnh của một nhà báo nghiêm khắc với khuôn mặt lạnh tanh mà là một người cha ân cần, ấm áp.

Ngồi trong căn phòng truyền thống của Khoa Viết văn – Báo chí, câu chuyện giữa chúng tôi với PSG.TS Ngô Văn Giá không bắt đầu bằng các thông tin đang làm cộng đồng mạng dậy sóng, hay tình hình chiến sự thế giới ra sao. Những gì chúng tôi nhận được từ “lão niên” này là lời thúc giục phải uống trà, ăn trái cây để xoa dịu đi cái nắng nóng phía ngoài cửa sổ kia… Khi mọi “công tác” chào hỏi xong xuôi, cũng là lúc chúng tôi bị “mê hoặc” bởi những câu chuyện về những thăng trầm trong sự nghiệp của PGS. TS Ngô Văn Giá.

Nhâm nhi chén trà còn nóng, PGS.TS Ngô Văn Giá bồi hồi kể lại những ngày đầu được tham gia sáng tác báo chí. Thầy kể, từ những năm 1980, khi còn là sinh viên năm 3, năm 4 thầy đã rục rịch “trình làng” những bài viết đầu tiên. Khi ấy, những tác phẩm báo chí đầu tiên chỉ là những bài thơ ngắn, đăng trên báo Người giáo viên nhân dân. Sau khi tốt nghiệp đại học và ra trường, thầy đi dạy ở trường Cao đẳng Tây Bắc ở tỉnh Sơn La. Khi ấy, thầy vừa giảng dạy vừa viết, trong những năm tháng ở Sơn La, tờ báo cộng tác thường xuyên là tờ Giáo dục và Thời đại, Báo Văn nghệ Lai Châu và Báo Văn nghệ Sơn La. Đến khoảng năm 1990, khi đã chuyển về giảng dạy ở Học viện Báo chí & Tuyên truyền thì lúc đó ý thức của một người viết chuyên nghiệp mới được hình thành.

Qua lời kể của thầy, chúng tôi mới hiểu được rằng báo chí thời ấy là một nghề vô cùng thiêng liêng chứ không bão hòa như hiện nay. Thầy kể, vào những năm 80, báo in của Việt Nam chỉ được đếm trên đầu ngón tay, việc được đăng một đoạn văn ngăn ngắn trên báo cũng đã là rất quý. Nhớ về những ngày đầu cầm bút, thầy không quên nhắc đến hai cao nhân khác trong làng báo thời ấy là Nhà báo Trần Hòa Bình và Nhà báo – nhà văn Hoàng Minh Tường, đây cũng chính là hai người quan trọng nhất đã tác động, thôi thúc để thầy bước vào nghề báo. “Đời này tôi mang ơn anh Thường và anh Bình, vì có các anh nên tôi mới vững tay viết đến tận giờ này” – thầy Ngô Văn Giá bồi hồi.

PGS.TS Ngô Văn Giá bên những giảng viên của Khoa Viết Văn – Báo Chí, Đại học Văn hóa Hà Nội

Nghề báo cần những người tận tâm

Nhắc về quá khứ, thầy không quên những gì đang diễn ra trong thực tại. Theo thầy, môi trường báo chí hiện nay là quá lớn, việc sử dụng bài viết để đăng báo không khó như ngày trước, thậm chí có những trường hợp rất “dễ dãi” trong việc sử dụng bài viết, không phân biệt đâu là bài viết kinh tế, đâu là báo chí đặc thù, đặc biệt là trong môi trường báo mạng điện tử.

Chính vì sự thiếu chắt lọc trong báo chí hiện nay đã dẫn tới tình trạng hòa lẫn, mông lung khi phân biệt giữa báo chí và truyền thông. Thực tế cho thấy, ngành truyền thông hiện nay đang được cộng đồng quan tâm nhều hơn báo chí truyền thống. Vì vậy, trong bối cảnh truyền thông đang phát triển mạnh thì sinh viên báo chí sau khi ra trường cũng cần phải làm được nhiều thể loại báo chí, trong đó phải có kỹ năng về truyền thông. Thầy nhấn mạnh: “Một nhà báo hiện đại ra trường phải là một nhà báo có năng lực làm nhiều thể loại báo chí để phù hợp với xu hướng của thế giới”.

“Báo chí là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của truyền thông. Khi coi truyền thông như một khái niệm thì bản chất truyền thông đã bao hàm cả báo chí. Một điều nữa đó là cần phải để cho đời sống làm quen với truyền thông. Nên việc trường Học viện Báo chí Tuyên truyền sáp nhập các khoa là điều phù hợp với thực tiễn. Ban đầu nghe cảm thấy báo chí bị coi nhẹ nhưng bản chất thì không phải như vậy. Truyền thông ở đây được coi như một khái niệm học thuật, trong đó đã bao hàm cả báo chí” – Thầy khẳng định.

Trước sự phát triển mạnh như vũ báo của truyền thông, thầy trăn trở về tương lai của báo in. Theo thầy Văn Giá, hiện nay báo in đang ngày càng phải cạnh tranh với nhiều “đối thủ”. Cán cân đang nghiêng về báo mạng điện tử đó là điều thực tế không thể phủ nhận được. Trong bối cảnh hiện nay, báo in muốn tồn tại được phải chuyển sang tính chất của báo phân tích. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa có bất cứ tòa soạn nào ý thức sâu sắc được sự quan trọng của việc chuyển đổi báo in trở thành một sản phẩm báo phân tích. Lấy ví dụ từ những nước có nền báo chí phát triển như Đức, Ý, thầy chia sẻ đến chúng tôi rằng báo phân tích là những tác phẩm dành cho những người có nhu cầu hiểu chiều sâu trên tinh thần học thuật, đây là báo của những người trí thức, giới quản lý xã hội cũng như các sinh viên. Nếu các tòa soạn tại Việt Nam ý thức được điều này, và đầu tư báo in chất lượng hơn, nghiên cứu thị trường, tập hợp những bài chất lượng, in báo đẹp hơn, có số lượng phát hành cao, tìm đúng đối tượng công chúng thì báo in sẽ thắng, sẽ có đất tồn tại…

Và còn nhiều điều liên quan đến báo chí mà thầy trăn trở, muốn chia sẻ, gửi gắm đến chúng tôi, nhưng vì mặt trời cũng đã điểm chính ngọ nên cả thầy và “đám trẻ thơ” phải ngậm ngùi nói lời tạm biệt.

Trước khi rời đi, thầy không quên dặn những người trẻ như chúng tôi là khi đã theo nghề viết lách, thì đừng vì cảm thấy nhuận bút ít ỏi mà cảm thấy nản lòng, đã làm báo thì ai cũng cần phải nuôi dưỡng lòng tự trọng nghề nghiệp, niềm kiêu hãnh với nghề. Cuối cùng, thầy dặn chúng tôi: “Mỗi người khi đã xác định theo nghề báo, cần giữ được ít nhất năm chữ vàng: Trách nhiệm – Trung thực – Dũng cảm – Nhân văn – Chuyên nghiệp”.

Vi Yến


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS. TS Ngô Văn Giá: Người làm báo cần nhiều hơn là chữ tài