Phát triển bền vững doanh nghiệp nông nghiệp

Minh Anh (T/h)|11/11/2019 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ một nước thiếu lương thực, hiện nay, Việt Nam là một trong số 15 quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu trên thế giới.

Dưới tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong những năm qua xuất khẩu Việt Nam nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng đã có sự phát triển nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, tăng trưởng GDP.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên việc xuất khẩu hàng hóa nông sản chủ lực của Việt Nam còn một số khó khăn, hạn chế chính. Cụ thể, chưa có quy trình chuẩn hóa cho sản xuất và xuất khẩu từng sản phẩm nông sản cụ thể. Điều này dẫn tới việc xuất khẩu sản phẩm mang tính tự phát, xa rời nhu cầu thị trường, đầu tư phân tán, kém hiệu quả, chủ yếu cung cấp tại thị trường nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, khó tiếp cận thị trường quốc tế.

Chúng ta cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nước có lợi thế về các hàng hóa nông sản xuất khẩu tương tự như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia.. về giá cả, mẫu mã, chất lượng, chủng loại mặt hàng. Phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu, nhất là các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Rào cản lớn nhất là phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt của nước nhập khẩu như vệ sinh, chất lượng, sự đa dạng, cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, hợp pháp…

Nông sản Việt cơ bản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không nhiều, không bán được giá cao. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến còn nhỏ bé về quy mô, lạc hậu về công nghệ. Số doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất, chế biện hiện đại còn ít, chỉ chiếm khoảng 20- 30%.

Việc tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, hình thành các hiệp hội, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, có sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ là động lực để nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị và phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Đặc biệt, trong điều kiện phát triển hiện nay, Việt Nam cần tập trung đổi mới không chỉ ở giống cây trồng mà còn cần đổi mới đến gói giải pháp tổng thể bao gồm giống, giải pháp canh tác, các chương trình chuyển giao khoa học công nghệ, giải pháp cải thiện khâu thu hoạch và sau thu hoạch, vừa tạo ra giá trị cho cây trồng, vừa đảm bảo an ninh lương thực, nhằm ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Hiện nay, các nhà khoa học đang tiến hành những nghiên cứu về việc nâng cao chất lượng cây trồng thông qua biện pháp nhân giống truyền thống và nhân giống phân tử cùng với áp dụng công nghệ sinh học, nhằm tạo ra những giống cây lương thực và sợi thích ứng được với điều kiện nhiệt độ ngày một tăng lên, nguồn nước suy giảm, độ nhiễm mặn ngày một gia tăng. Việc này được triển khai cùng với các chính sách khuyến khích đổi mới, cạnh tranh và đầu tư trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu, từ đó tạo dựng nền nông nghiệp bền vững cho Việt Nam.

Với các giải pháp trên, Nhà nước thực hiện đúng vai trò “Chính phủ kiến tạo” hướng dẫn, hỗ trợ, là “bà đỡ” cho doanh nghiệp và các hộ nông dân trong quá trình sản xuất và xuất khẩu nông sản chủ lực Việt Nam. Đầu tư công của nhà nước có hiệu quả hơn, thể hiện qua việc đổi mới cách thức đầu tư vào khoa học công nghệ, công tác quy hoạch, huy động hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội, cải cách hành chính hướng tới hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững doanh nghiệp nông nghiệp