Phê duyệt Đề án quản lý hệ thống KBT đến năm 2025, tầm nhìn 2030

PV|07/06/2017 03:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đề án được Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 626/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn từ cấp trung ương đến cơ sở để đảm bảo bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.

(Moitruong.net.vn) – Đến năm 2025, 50% (tầm nhìn 2030, 70%) khu bảo tồn trong cả nước được cung cấp thiết bị và áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu, tuần tra, giám sát đa dạng sinh học và đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn.

6
Phê duyệt Đề án quản lý hệ thống KBT đến năm 2025, tầm nhìn 2030

Đề án được áp dụng trong phạm vi hệ thống các khu bảo tồn, bao gồm các vườn quốc gia, các khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn đất ngập nước. Đối tượng áp dụng của đề án là các công chức, viên chức làm việc tại các cục, vụ (cơ quan trung ương); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sở, chi cục có liên quan đến quản lý hệ thống khu bảo tồn; và các công chức, viên chức của khu bảo tồn.

Đề án nhằm đạt được 3 mục tiêu là: Hoàn thiện cơ chế chính sách về tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực và tài chính đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên trong các khu bảo tồn; Nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm việc tại các khu bảo tồn: Đến năm 2025, 50% (tầm nhìn 2030, 70%) tổng số cán bộ (ưu tiên nữ giới) ở các khu bảo tồn được đào tạo và cấp chứng chỉ theo các chuyên đề được mô tả trong khung năng lực về vị trí việc làm; Đảm bảo cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý khu bảo tồn: Đến năm 2025, 50% (tầm nhìn 2030, 70%) khu bảo tồn trong cả nước được cung cấp thiết bị và áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu, tuần tra, giám sát đa dạng sinh học và đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn.

Trên cơ sở các mục tiêu nêu trên, Đề án sẽ tập trung thực hiện 03 nhiệm vụ chính: xây dựng các chính sách phát triển nguồn lực quản lý khu bảo tồn; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm việc ở khu bảo tồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ công tác quản lý khu bảo tồn.

Kinh phí thực hiện nội dung Đề án được cân đối, bố trí trong dự toán chi ngân sách thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững được giao cho các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn xã hội hóa từ nguồn thu các dịch vụ môi trường rừng và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ; các nguồn vốn hợp pháp khác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện Đề án.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phê duyệt Đề án quản lý hệ thống KBT đến năm 2025, tầm nhìn 2030