Phòng tránh giông, lốc xoáy, mưa đá, sét đánh, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất năm 2018

Theo PTP|13/02/2018 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ (PCTT&TKCN) ban hành văn bản gửi các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc triển khai biện pháp phòng tránh giông, lốc xoáy, mưa đá, sét đánh; lũ ống, lũ quét, sạt lở đất năm 2018.

Triển khai biện pháp phòng tránh sạt lở đất – Ảnh minh họa

Giông, lốc xoáy, mưa đá, sét đánh, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là các loại hình thiên tai thường xảy ra trong tỉnh. Các hiện tượng nguy hiểm này thường xảy ra đột ngột vào buổi chiều, ban đêm và sáng sớm, hiện tại chưa có khả năng dự báo chính xác trước khi thiên tai xảy ra. Qua thực tế cho thấy vào thời điểm chuyển mùa và do nhiễu động thời tiết mạnh từ tháng 2 đến tháng 11 hằng năm khi thời tiết oi nồng, nóng bức, bỗng trời tối sầm, mây đen kéo đến, chân mây thấp, hình dạng thay đổi nhanh cần đề phòng giông, lốc xoáy, mưa đá xuất hiện.

Để chủ động phòng ngừa giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh giông, lốc, mưa đá, sét đánh, lũ quét, sạt lở đất với các nội dung như: Thường xuyên kiểm tra nhà cửa, kho tàng, công trình công cộng thuộc phạm vi quản lý, sử dụng; chủ động chằng chống gia cố, tu sửa ngay đề phòng giông, lốc xoáy, mưa đá bất ngờ xảy ra. Khi mưa lớn kèm theo giông, sét mọi người ở trong nhà cần đóng kín cửa, ngắt các thiết bị điện (ti vi, máy giặt, tủ lạnh…); không mang theo người các vật dụng bằng kim loại.

Người ở bên ngoài cần tìm nơi ẩn nấp, tránh những gốc cây cổ thụ, cột điện cao thế, đụn rơm, anten truyền hình, gần các vật kim loại. Về việc phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, các đơn vị cần tổ chức kiểm tra các khu, hộ dân cư đang sinh sống ở ven sông, ven suối, chân núi, chân mái ta luy, khu vực nguy hiểm và có kế hoạch sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc phải luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai.

Các ngành, các cấp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân về hiện tượng, nguyên nhân, diễn biến, tác hại của giông, lốc xoáy, mưa đá, sét đánh, lũ quét, sạt lở đất. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra cơ sở vật chất của mình, có biện pháp cụ thể để phòng tránh giông, lốc xoáy, mưa đá, sét đánh, lũ quét, sạt lở đất.

Đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo PTP


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng tránh giông, lốc xoáy, mưa đá, sét đánh, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất năm 2018