(Moitruong.net.vn) – Ngôi chùa cổ kính nằm sâu trong con đường nhỏ, được trải bằng những vỏ sò trắng tinh và được rào bằng những khóm hoa dâm bụt ở hai bên lối đi. Không biết chùa được xây từ bao giờ, chỉ biết khi tôi sinh ra thì chùa đã rêu phong mái ngói. Chùa không rộng về diện tích, không sừng sững vì chiều cao, nhưng trong tiềm thức của người dân quê tôi thì chùa chiếm một vị trí không nhỏ.

Dòng người lễ chùa vào những ngày đầu năm

Nhớ hồi nhỏ, cứ đến ngày rằm, đặc biệt là những ngày rằm lớn (tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười, Phật Đản) trẻ con chúng tôi hay theo ba mẹ đi lễ chùa. Tôi còn nhớ rõ như in, cứ hễ sắp quỳ trước tượng phật, tôi hay rổn rảng hỏi ba mẹ rằng: “Con phải khấn gì bây giờ?”. Mẹ nhẹ giọng bảo tôi: “Suỵt! Trước chốn tâm linh, con nói khẽ thôi. Nào, bây giờ thì con thành tâm cầu cho gia đình mạnh khỏe, cầu cho con mau ăn chóng lớn, học giỏi thành tài…” Có những buổi trưa đi học về, tôi thường ghé ngang chùa phụ các sư làm chuyện lặt vặt để được ăn cơm chay. Cơm chùa tuy thanh đạm nhưng các sư nấu rất ngon. Ở quê tôi, người dân có thói quen mang những nông sản đến chùa vào ngày rằm để phụ các sư làm món chay đãi các tăng ni, người nghèo khó và người vãn cảnh. Trẻ con thường được ưu tiên nhiều nhất, ăn đến “bể bụng” mới thôi.

Lớn lên một chút, tôi được vào đội nhạc lễ của chùa, phụ trách việc gõ mõ. Đội nhạc của tôi gồm có trống nhỏ, mõ, đàn cò, chập cheng… chuyên phục vụ cho nhà chùa vào những ngày rằm. Chúng tôi làm vì tự nguyện, không có lương. Tôi đến với đội nhạc lễ này cũng là vì cái duyên. Hồi nhỏ hay theo mấy chú, mấy anh trong xóm đến chùa nghe nhạc lễ riết rồi thành quen, thích và xin tham gia. Sợ bị mai một nên mấy chú trong đội nhạc lễ không ngần ngại chỉ cho tôi cách kéo đàn cò, đánh trống, gõ mõ… Nhạc lễ được phục vụ vào buổi tối cho đến khi nào người viếng chùa ra về hết mới thôi. Thường thì trụ trì “trả công” cho chúng tôi bằng đĩa trái cây, xôi, chè và một bữa cơm chay. Tuy vậy chúng tôi làm rất nhiệt tình và hào hứng, bởi được phục vụ cho chùa là một niềm vinh dự lớn đối với dân trong làng.

Nhớ những là những ngày đầu năm đi lễ chùa. Cứ đến cuối năm là ông bà tôi lại dặn dò con cháu: “Làm gì thì làm, nhưng mùng Một Tết phải đi viếng chùa cầu an”. Thành nếp quen, năm nào cứ vào ngày mùng Một Tết là gia đình tôi đến chùa đốt nhang, tạ ơn Trời Phật cho một năm bình an, ấm no, mạnh khỏe. Đầu Xuân, chùa như được thay áo bằng quang cảnh mới tinh. Xung quanh chùa, vạn thọ, mai vàng khoe sắc rực rỡ. Những đóa sen hồng trong hồ cũng kịp vươn mình trong nắng mới, hòa quyện cùng hương sứ trắng bên hông chùa. Thích nhất là ra sau vườn chùa. Nhiều cây mận, vú sữa, nhãn… đang vào vụ nên bướm ong kéo đến từng đàn. Tôi không bao phá phách như lũ trẻ con trong xóm trèo lên cây hái trộm quả, mà chỉ muốn được nằm trên cánh võng để cảm nhận sự thanh tịnh, bình an và ngắm cảnh vật hữu tình. Vì là ngày Tết Cổ truyền nên đầu năm chùa thật nhộn nhịp. Từ sáng đến tối, lúc nào cũng đông nghịt người đi viếng. Thậm chí có nhiều đứa trẻ bị lạc cha mẹ, khóc òa lên rồi chạy nháo nhác tìm kiếm. Đội nhạc lễ chùa phục vụ đều đặn từ sáng đến tối, nhưng thay phiên nhau vì ai cũng cần phải đi chơi Xuân. Buồn nhất là sau những buổi vãn cảnh như thế, chùa trở nên xấu xí đi vì một số người vô ý thức. Họ ngắt trụi lá mai non chỉ vì cái gọi là hái lộc. Rồi họ còn giẫm đạp cây cối, lội xuống hồ hái sen, thậm chí còn leo trèo để hái trái cây sau vườn mang về. Bởi thế, cứ sau tết là các sư trong chùa nhờ đội nhạc lễ chúng tôi phụ trồng cây, dọn dẹp rác.

Tôi vẫn giữ thói quen đi chùa đốt nhang vào ngày rằm và những khi phiền muộn. Chỉ khi tôi xa nhà lên thành trọ học, việc đi chùa thưa dần. Phần vì việc học, phần thì chùa ở thị thành lại xa nơi tôi trọ học nên đi lại khó khăn. Tôi chỉ đốt nhang vào những ngày rằm lớn. Tuy vậy, cuối năm về thăm nhà tôi vẫn không quên lời ông bà dặn: đi chùa cầu an cho gia đình. Sau bao nhiêu năm mưa gió mài mòn, chùa vẫn thanh thản, an nhiên như hoa sen, hoa mai, hoa cúc trong vườn.

Đặng Trung Thành 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong tục đẹp lễ chùa đầu năm