Phú Thọ: Bà con nuôi cá lồng sông Bứa kêu cứu

28/11/2016 01:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

–  Với lợi nhuận cao,lại thân thiện với môi trường, nghề nuôi cá lồng sông Bứa (đoạn chảy qua xã Quang Húc –Hùng Đô) đã giúp bao hộ dân thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hơn. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, giá cá thương phẩm sụt giảm mạnh khiến cho bà con nông dân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Manh nha từ năm 2011, nhiều hộ dân xã Quang Húc mạnh dạn vay vốn thế chấp để bắt tay vào nghề nuôi cá lồng sông Bứa. Với thuận lợi về tự nhiên, chất lượng thịt cá ngon, đảm bảo tuân thủ đúng, nghiêm các quy định về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng các chất cấm, kháng sinh trong thức ăn… được cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Sở y tế địa phương đánh giá cao do đó thương phẩm được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Theo đó, mà nghề sông nước này đã giúp nhân dân xã có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và tạo công ăn việc làm cho hàng chục hộ dân.

So với trồng cây lương thực, thực phẩm và những nghề khác ở nông thôn thì nghề nuôi cá lồng cho thu nhập hơn cả. Để khuyến khích người dân phát triển nghề, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Thọ và chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân vay vốn để mua giống, xây dựng lồng bè trị giá hàng nghìn tỉ đồng. Nhờ đó, việc chăn nuôi cá lồng ở đây lại càng phát triển mạnh. Tính tới đầu năm 2014, toàn xã có 20 hộ nuôi với tổng số lồng cá lên tới 136 lồng.

Tuy nhiên, khi đang trên đà phát triển thì thảm họa xảy ra, cơn lũ hồi cuối tháng 9/2014 đã phá hủy toàn bộ 146 lồng cá khiến 374 tấn cá đặc sản (chủ yếu là cá Diêu Hồng, Lăng Chấm) bị chết, thiệt hại lên đến gần 40 tỷ đồng.

Anh Lê Minh Đăng chia sẻ: Trận lũ 2014 đi qua gia đình tôi mất trắng 60 lồng cá đang gần tới ngày thu hoạch, thiệt hại lên tới 10 tỷ, chưa kể hư hại lồng nuôi, công sức coi như “đổ sông, đổ bể”, nay lại gánh trên vai thêm cả chục tỷ đồng”.

untitled8

Lứa cá diêu hồng thứ 02 mà anh Đăng khôi phục sau khi bão

Khắc phục khó khăn, bám trụ lấy nghề, năm 2015, người dân nơi đây tiếp tục mạo hiểm huy động các nguồn vốn gia đình, bạn bè, ngân hàng tiếp tục gây dựng lại nghề cá với 170 lồng. Những tưởng qua cơn hoạn nạn, cuộc sống sẽ đỡ chật vật hơn thì bất ngờ giá cá thương phẩm sụt giảm mạnh khiến cho người nông dân thêm hoang mang, phải giảm lượng cá nuôi trong mỗi lồng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Vũ Văn Hợp ( Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá lồng) cho biết: Nếu như cách đây khoảng 3 năm, giá cá lăng thương phẩm khoảng 100.000 đến 120.000 đồng/kg đối với cá từ 2 đến 3kg/con; 150.000 đồng/kg đối với cá từ 4 đến 5kg/con thì giá hiện nay chỉ còn bằng khoảng 1/3 mà vẫn khó tiêu thụ. Tại thời điểm này, thương lái mua cá lăng với giá khoảng 47.000/kg đối với cá loại 2; 60.000 đến 64.000 đồng/kg đối với cá loại 1. Giá cá trắm, chép cũng giảm từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg tùy loại. Giá sụt giảm khiến những người nuôi cá ở Quang Húc chúng tôi vốn vẫn còn đang khó khăn để khôi phục lại nghề càng bị ảnh hưởng nặng nề.

Đưa chúng tôi thăm lồng cá, anh Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ: Cơn lũ 2014 đã để lại cho bà con nhiều thiệt hại, nhà nào nuôi cá cũng gánh nợ từ vài trăm tới hơn chục tỉ, hộ nào may mắn thì sau đó huy động được nguồn vốn có thể tái đầu tư, chứ nhà nào không lo được thì đành quay lại làm ruộng trả nợ. Chưa dừng lại ở đó, khó khăn chồng chất khó khăn khi cá tới ngày bán thì chúng tôi bị ép giá, giá cá giảm mạnh, buộc chúng tôi phải giữ lại vì lỗ vốn. Cứ nuôi thêm vài ngày là tốn kém hơn vài chục triệu, vậy là chúng tôi nợ lại thêm nợ.

untitled9

Lồng cá diêu hồng đang đợi ngày bán của hộ gia đình anh Nguyễn Đăng Khoa

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch UBND xã và là một trong hộ tham gia nuôi cá nhận định: Việc giá cá lồng thương phẩm, đặc biệt là cá lăng sụt giảm mạnh như vậy thứ nhất là do việc phát triển cá lồng khá ồ ạt, chưa theo quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững của tỉnh và ngành thủy sản. Toàn tỉnh hiện đang có hơn 1.000 lồng cá cùng với hơn 10.000ha diện tích mặt nước đã tiến hành nuôi thủy sản. Sản lượng thủy sản của tỉnh đã đạt trên 27.000 tấn/năm, đáp ứng được phần lớn nhu cầu thủy sản trong nội tỉnh. Tuy nhiên, thương lái của một số địa phương phát triển về thủy sản như Hải Dương, Hà Nam cũng vận chuyển cá thương phẩm đến bán trên thị trường Phú Thọ làm cho giá các mặt hàng thủy sản giảm so với trước. Cùng với đó là do các hộ nuôi cá đều cùng thả con giống và thu hoạch vào cùng một thời điểm, trong khi nhu cầu về các loại cá như cá lăng trên địa bàn tỉnh lại không cao, chủ yếu là bán buôn cho các quán ăn, nhà hàng, siêu thị, số lượng bán lẻ ở các chợ khá ít. Do đó thương lái có điều kiện để ép giá người nuôi, bởi nếu càng để lâu chi phí thức ăn càng lớn, người nuôi càng thiệt hại. Một nguyên nhân nữa khiến giá cá sụt giảm theo như đánh giá của các hộ nuôi cá lồng ở Quang Húc là hiện trên thị trường đã xuất hiện khá nhiều cá lăng có xuất xứ từ Trung Quốc với giá chỉ từ 1/2 đến 2/3 so với giá cá trong nước. Người tiêu dùng khó phân biệt được các loại cá này nếu không có sự hiểu biết.

Để giải quyết tình trạng này, các thành viên của HTX phát triển thủy sản sông Bứa và một số hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã Quang Húc cũng có văn bản kiến nghị: Cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý, điều chỉnh lộ trình phát triển cá lồng phù hợp và bền vững; hướng dẫn, khuyến cáo người nuôi cá lồng thả con giống và thu hoạch vào các thời điểm khác nhau để có nguồn hàng cung cấp thường xuyên cho thị trường, tránh bị thương lái ép giá; đẩy mạnh việc quản lý chất lượng, chăn nuôi theo hướng an toàn VietGAP; xây dựng các chuỗi cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ để tạo niềm tin, tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng…

Cùng với những kiến nghị đối với cơ quan quản lý, người nuôi cá lồng cũng mong muốn Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y cần mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh thủy sản, các cơ quan chuyên môn nên tư vấn kỹ cách dùng thuốc; tên thuốc, hãng sản xuất; đại lý được cấp phép… để người nuôi yên tâm, tin cậy  khi mua thuốc điều trị cho cá, tránh xảy ra tình trạng “tiền mất tật mang”. Đặc biệt, các cơ quan, Ngân hàng cho khoanh dãn khoản nợ cũ và tiếp tục hỗ trợ  cho vay vốn với lãi xuất thấp, để nhân dân đầu tư, khôi phục phát triển nghề. Như vậy sẽ giúp cho nghề nuôi cá lồng có thể phát triển bền vững, người nuôi yên tâm đầu tư thâm canh, thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Mai Hương


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ: Bà con nuôi cá lồng sông Bứa kêu cứu