Quận 12 (Tp. Hồ Chí Minh) – Bài 1: Người dân kêu cứu vì bãi VLXD hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường

Hải Phong – Đào Dũng|05/09/2019 09:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bến bãi VLXD hoạt động không phép gây ô nhiễm môi trường, bụi bặm, tiếng ồn, làm nứt nhà dân, gây sạt lở bờ hữu sông Sài Gòn. Người dân đã nhiều lần viết đơn kiến nghị gửi tới chính quyền các cấp, nhưng đến nay không được xử lý dứt điểm.

VIDEO: Người dân kêu cứu vì bãi VLXD hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường

Đảo lộn cuộc sống vì ô nhiễm

Trong đơn kiến nghị của hàng chục hộ dân tại tổ 47, khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh gửi tới tòa soạn Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn cho thấy, nhiều năm qua người dân nơi đây đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ các bến bãi VLXD hoạt động trái phép, làm sạt lở bờ hữu sông, gây nún nứt nhà cửa và cát bụi bay mịt mù thổi thẳng vào nhà dân.

Đơn kiến nghị của người dân gửi Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn 

Chị Bùi Thị Phượng số nhà 2859/3B , tổ 47, khu phố 3 bức xúc cho biết: “Các bãi cát ở Gò Lỹ cạnh nhà chúng tôi họ hoạt động cạp cát ầm ầm suốt ngày đêm làm động nhà, nứt nẻ nhà cửa. Chúng tôi đã kiến nghị sang các chủ bến bãi cát và chính quyền phường rồi nhưng đến nay sự việc không có gì tiến triển, phía chủ bãi cát vẫn bỏ “ngoài tai” và thách thức bà con kêu lên phường, quận 12 cũng không làm gì được họ. Hiện các bến bãi VLXD vẫn tiếp tục hút cát và tập kết sát nhà dân gây ngập úng và lún nứt nhà cửa. Chúng tôi tha thiết kêu tới lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, quận 12  và rất mong muốn Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống thông tin về các bãi cát này đang đe dọa cuộc sống của chúng tôi để chính quyền các cấp quan tâm, kiểm tra và di dời đi nơi khác, trả lại cuộc sống yên bình cho chúng tôi”.

Chị Bùi Thị Phượng số nhà 2859/3B , tổ 47, khu phố 3 bức xúc cho biết: “Các bãi cát hoạt động ầm ầm suốt ngày đêm ngay sát nhà chúng tôi làm động nhà, nứt nẻ nhà cửa. Chúng tôi đã kiến nghị sang các chủ bến bãi cát và chính quyền phường rồi nhưng đến nay sự việc không có gì tiến triển”

Nhà chị Bùi Thị Phượng bị các bãi cát làm nứt toác, nguy cơ đổ sụp là rất cao

Cùng chung nỗi bức xúc, chị Bùi Ngọc Lan số nhà 1106/3D cho biết: “Tôi ở đây gần 20 năm rồi, ở từ đó đến trước khi có bãi cát nhà chẳng sứt mẻ gì, từ hồi bãi cát về đây hoạt động đến nay gần 2 năm thì nhà, bờ tường nứt nẻ rất nguy hiểm. Mỗi lần bơm cát là nước tràn sang nhà dân, gây ngập úng, không trồng trọt được gì. Qua thông tin đại chúng, người dân biết đến Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống mong quý báo thông tin tới lãnh đạo cấp trên để thấy được nỗi khổ của bà con do các bãi cát gây nên và có biện pháp kiểm tra di dời bãi cát này đi nơi khác, có như vậy thì người dân chúng tôi mới thoát khỏi cảnh ồn ào, ngập úng, bụi bặm, nhà cửa hỏng hóc”.

Chị Bùi Ngọc Lan số nhà 1106/3D cho biết: “Tôi ở đây gần 20 năm rồi, ở từ đó đến trước khi có bãi cát nhà chẳng sứt mẻ gì, từ hồi bãi cát về đây hoạt động đến nay gần 2 năm thì nhà, bờ tường nứt nẻ rất nguy hiểm”

 “Nhà tôi có nhỏ cháu bị bệnh cao huyết áp mỗi khi các bãi cát này hoạt động ồn ào là ngủ không được, gây mất sức khỏe, nếu tình trạng này cứ xảy xa mà không được xử lý dứt điểm thì rất nguy hiểm cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình chúng tôi. Mong muốn của người dân, yêu cầu các bãi cát này phải dừng hoạt động và di dời đi nơi khác để không còn ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân nữa, chứ hoạt động như này người dân cực lắm”, chị Lan cho biết thêm.

Nhà chị Bùi Ngọc Lan cũng bị nứt do hoạt động của các bãi cát ngay sát nhà

Bác Nguyễn Văn Thọ người dân cận kề bãi cát bức xúc: “Các bãi cát tại đây hoạt động cả ngày lẫn đêm, bụi bay mịt mù, ầm ầm, gây lún nứt tường, đường xá hư hết.  Nhờ bên báo và cấp trên quan tâm cho ngưng hoạt động và di dời đi nơi khác chứ để ở đây ngày nào là bà con bị chịu ảnh hưởng ngày đó. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã kiến nghị tới phường rồi nhưng có được giải quyết cho đâu”.

Ông Trần Văn Tèo – Tổ trưởng tổ 47, khu phố 3 cho biết: “Tổ dân phố đã kiến nghị lên phường và quận 12 về các bến bãi hoạt động gây ô nhiễm môi trường và làm nứt nhà dân, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết”

Ông Trần Văn Tèo – Tổ trưởng tổ 47, khu phố 3, là người thường xuyên nhận được phả ánh của người dân về tình trạng các bến bãi hoạt động trên địa bàn gây ngập úng, ô nhiễm môi trường, làm lún nứt nhà dân cũng không khỏi bức xúc, ông Tèo cho biết: “Sự việc các bãi cát hoạt động gây ô nhiễm môi trường làm hư đường xá, nứt nhà dân đã diễn ra nhiều năm nay rồi, hoạt động làm đến 11 – 12 giờ đêm, buổi sáng làm từ 4 giờ sáng gây xáo trộn, khiến người dân không tài nào ngủ được, đường bờ hữu sông bây giờ hư hỏng khiến người dân không thể nào đi được. Người dân đã nhiều lần kiến nghị tới phường và quận 12 để được giải quyết nhưng mà giải quyết không được, họ nói rằng bãi cát này thành phố cấp cho nên phường không có giải quyết được.

Nhà của nứt nẻ như vậy, nhưng chính quyền địa phương vẫn thờ ơ không vào cuộc kiểm tra và đình chỉ hoạt động các bến bãi trái phép này

Cũng theo ông Tèo,  bà con nơi đây rất mong và nhờ Nhà báo Moitruong.net.vn thông tin tới cấp trên để dẹp các bãi cát này nhằm giúp người dân tổ 47 có cuộc sống ổn định. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn được trả lại đường bờ hữu bờ sông Sài Gòn để người dân có đường đi, thứ 2 các bãi cát không làm liên tục cả ngày lẫn đêm nữa để cho cuộc sống người dân ổn định, tài sản của bà con không được bao nhiêu làm gom góp xây được căn nhà, giờ bị lún nứt hết, nhờ cấp trên giúp bà con có cuộc sống ổn định.

Khẩn thiết yêu cầu sớm di dời

Theo tìm hiểu, tại Tổ 47, khu phố 3 dọc bờ hữu sông Sài Gòn đến chân cầu Bình Phước có 03 chủ bãi VLXD của ông Dũng, ông Thạch, Thọ các chủ bãi này đều là người Thái Bình, và Thanh Hóa. Hiện các bãi cát này hoạt động hoàn toàn trái phép, không giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; hoạt động trên đất nông nghiệp, không có thủ tục pháp lý về môi trường.

Người dân thi nhau kể tội các bến bãi tập kết cát hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân

Có mặt tại các bến bãi đang hoạt động tại tổ 47, khu phố 3, PV mới thấu hiểu nỗi khổ cực của người dân nơi đây. Theo ghi nhận thực tế, khoảng giữa bãi cát tới nhà dân chỉ có 20m, bờ sông từ các bãi cát đến chân cầu Bình Phước khoảng 700m đều bị sạt lở. Bãi cát được chất cao như núi, đặc biệt với khối lượng cát lớn như hiện nay khi trời mưa cát tích nước và quá trình bơm cát nước lên bãi cũng cuốn theo một lượng lớn nước chảy tràn vào nhà dân gây ngập lụt và lún nứt nhà cửa của bà con sinh sống tại đây là rất thực tế.

Con đường bị các xe chở cát đá cày nát, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù

Tiếp tục được người dân dẫn đi dọc theo bờ hữu sông Sài Gòn, tại đây tuyến đường bờ kè đã bị sạt lở nghiêm trọng bởi tình trạng bơm và tập kết cát của các bến bãi VLXD.  Đường sá bị các xe chở VLXD quá tải trọng đi lại “băm nát” khiến người dân đi lại rất khó khăn. Hơn thế nữa, các bãi VLXD tiếp tục được tập kết sát mép sông, mặc dù đã hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa nhưng các sà lan vẫn neo đậu và được máy cẩu múc vật liệu lên bờ. Ngoài ra, những dòng nước màu vàng khè được các chủ cát bơm lên bờ đang chảy cuồn cuộn ra sông Sài Gòn mà không được xử lý. Tại các bến bãi, công tác thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại còn nhiều bỏ ngỏ: những thùng phuy dầu, can dầu, rẻ lau dính dầu vứt lăn lóc trỏng trơ ngoài trời, mà không được lưu giữ theo quy định.

Con đường từ bến bãi ra ngoài đường lớn không được tưới nước nên mỗi khi xe chở vật liệu xây dựng di chuyển là bụi mịt mù theo hướng gió thổi thẳng vào nhà dân.

Đường không được tưới nước nên mỗi khi xe chở cát đá lưu thông là bụi mù mịt theo hướng gió thổi thẳng vào nhà dân

Trả lời PV Moitruong.net.vn, ông Nguyễn Hải Lâm – Phó Chủ tịch UBND phường An Phú Đông thừa nhận: “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri phường có nhận được phản ánh của bà con tại tổ 47, khu phố 3 về tình trạng các bãi bãi cát hoạt động gây ô nhiễm môi trường, làm sạt bờ sông, lún nứt nhà dân. Hiện nay ở địa bàn tổ 47 chân cầu Bình Phước có 2 đơn vị công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thạch Anh do ông Nguyễn Ngọc Thạch làm giám đốc và công ty VLXD Hoàng Anh Phát dô ông Tạ Quang Quý làm giám đốc, hiện nay các bãi cát này đang hoạt động hoàn toàn trái phép: không giấy phép bến thủy nội địa, môi trường, vi phạm luật đất đai, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Ông Nguyễn Hải Lâm – Phó Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12 cho biết: “Các bến bãi hoạt động trên địa bàn hiện nay đều không phép, sử dụng đất nông nghiệp để làm bãi chứa cát và không có giấy phép bến thủy nội địa”

Cũng theo ông Lâm cho biết, trên địa bàn phường có 8 bãi VLXD đang hoạt động trái phép. Tháng 6 vừa qua, đoàn kiểm tra của quận 12 phối hợp với phường tiến hành kiểm tra các bến bãi trên địa bàn trong đó có 02 bãi VLXD tại tổ 47, khu phố 3 và đã lập biên bản vi phạm về đất đai, hoạt động kinh doanh không có giấy phép và đã xử phạt vi phạm hành chính. Yêu cầu các bãi dừng hoạt động.

Mặc dù, Giấy phép bến thủy nội địa đã hết hạn nhưng các xà lan vẫn vô tư cập bến để bốc dỡ cát đá lên bờ mà không bị bất cứ lực lượng chức năng nào xử lý?

Cũng trong ngày 19/8 và 27/8 đoàn kiểm tra quận đã kiểm tra 02 bãi VLXD mà báo chí phản ánh, qua kiểm tra các bến bãi này đã hết giấy phép bến thủy nội địa, không thủ tục môi trường, kinh doanh trái phép trên đất nông nghiệp. Đoàn kiểm tra đang đang kiến nghị cấp trên xử lý theo quy định. Nếu các bãi này vẫn cố tình hoạt động, khi đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Thiết nghĩ, trước việc người dân đang rất bức xúc về tình trạng các bến bãi VLXD hoạt động gây ô nhiễm trên địa bàn quận 12 nói chung và UBND phường An Phú Đông nói riêng, đặc biệt các bãi cát tại tổ 47, khu phố 3. Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh cần khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng và quận 12 vào cuộc xử lý dứt diểm các bến bãi mà người dân đang kiến nghị. Để người dân nơi đây ổn định cuộc sống.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin!

Hải Phong – Đào Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận 12 (Tp. Hồ Chí Minh) – Bài 1: Người dân kêu cứu vì bãi VLXD hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường