Quảng Bình: Thiếu phòng, mượn nhà văn hóa làm lớp học

12/11/2017 06:57
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Đã nhiều năm nay, bậc học mầm non trên địa bàn xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) luôn rơi vào tình trạng thiếu phòng học nghiêm trọng. Điều này khiến cho hàng chục em học sinh cùng giáo viên phải học tập và giảng dạy trong các ngôi nhà tạm, nhà sinh hoạt cộng đồng hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Điểm trường tại bản Tà Leeng phải mượn nhà sinh hoạt cộng đồng để học

Mượn nhà văn hóa… để học

Trường mầm non Dân Hóa hiện có 13 điểm trường, 22 phòng học với 384 trẻ và 35 cán bộ, giáo viên. Trong đó, 4 điểm trường tại các bản Cha Lo, Ka Vàng, Ka Định và Tà Leeng vẫn chưa có phòng học đầy đủ phải học tạm trong nhà sinh hoạt cộng đổng chật chội. Ngoại trừ điểm trường trung tâm tại bản Ý Leeng thì hầu hết các em phải học tại các điểm trường thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng học, sân chơi. Các giáo viên phải sinh sống trong những nhà kho chật chội hoặc chạy xe máy vượt đường đồi núi hàng chục cây số để đến lớp chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đến với điểm trường tại bản Tà Leeng, trước mắt chúng tôi là ngôi nhà văn hóa cũ kỹ, xuống cấp. Bên trong nhà văn hóa rộng chừng khoảng 20 m2, với hơn 18 cháu học sinh có độ tuổi từ 3 – 5 tuổi, do chưa có phòng học nên các cháu phải ghép chung một lớp để học.

Bên trong phòng học rất đơn sơ

Cô giáo Đinh Thị Hồng Nhung – giáo viên đứng lớp điểm trường mầm non bản Tà Leeng cho biết, việc học tập, sinh hoạt ở đây thiếu thốn trăm bề nên ảnh hưởng rất nhiều đến các em.

“Ở đây không có sân chơi nên hàng ngày vào giờ giải trí thì các cô trò lại phải dọn dẹp, chồng chất ghế lại để có không gian vui chơi. Việc chỉ học trong căn phòng chật hẹp cũng khiến các cháu gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa nắng khi trời nóng bức lại sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu” – cô Nhung chia sẻ.

Vì phải học tại nhà văn hóa thôn, thiếu thốn trăm bề nên môi trường cho trẻ hoạt động vui chơi dường như không có. Theo quan sát, cơ sở vật chất ở đây không có gì đáng kể ngoài mấy chiếc ghế đã cũ được xếp ngay ngắn cho các cháu ngồi, trên tường cũng chỉ trang trí hoa lá đôi chỗ cho có cái gọi là trường mầm non.

Cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề

Tại điểm trường Ka Định cũng chỉ có một phòng học được mượn lại từ nhà sinh hoạt cộng đồng để cho các cháu học. Điểm trường này cũng là lớp ghép gồm 23 cháu từ 3 – 5 tuổi.

“Các cô trò phải sinh hoạt, vui chơi trong căn phòng nhỏ bé này. Vì thiếu thốn sân chơi cũng như cơ sở vật chất nên các giáo viên không thể tổ chức cho trẻ các hoạt động giáo dục ngoài trời. Dù là tuổi vui chơi thế nhưng các em ở đây lại không được như các em ở những nơi khác nên thấy thương nhiều lắm” – cô Cao Thị Thanh Huyền giáo viên phụ trách điểm trường này tâm sự.

Bữa cơm trưa đạm bạc của các em học sinh

Thiếu thốn trăm bề

Tương tự tình cảnh điểm trường Ka Định, điểm trường tại bản Cha Lo cũng chỉ có một phòng học mượn nhà sinh hoạt cộng đồng được làm bằng gỗ rộng chừng khoảng hơn 10 m2. Ở đây với hơn chục cháu nhỏ phải chen chúc nhau để học tập, sinh hoạt. Căn phòng sinh hoạt cộng đồng này hiện đang xuống cấp nhưng vì không có phòng học nên các cô và trò vẫn cố gắng đến lớp. Cô giáo đứng lớp tại đây cho hay, vì không có sân chơi nên khi tổ chức các lớp học ngoài trời hay học múa, tập thể dục thì phải ra mượn sân của điểm trường tiểu học bên cạnh để dùng. Mỗi khi vào mùa mưa bão thì phải cho nghỉ học vì sợ nguy hiểm đến các em.

Chị Hồ Thị Mười một phụ huynh chia sẻ: “Hàng ngày nhìn thấy con em mình học tập trong những căn phòng nhỏ hẹp, thiếu thốn nên thấy xót lắm. Nhưng vì con em biết cái chữ nên cũng chịu. Hy vọng chính quyền, các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ các trường để các con em có thể đến trường học tập sinh hoạt tốt hơn”.

Điểm trường chính tại bản Ý Leeng có phần khang trang hơn các điểm trường khác nhưng sân chơi, cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn

Hiện, ngoài 4 điểm trường trên chưa có phòng học thì trên địa bàn xã Dân Hóa còn có 3 điểm trường mầm non khác phải ghép học sinh các bản lại với nhau đó là: bản Ka Ai ghép với bản Ka Vàng; bản Hà Nôông ghép với Tà Rà; bản Ôốc ghép với bản Ka Reng và bản Hà Vi.

Trong khi học sinh phải “học nhờ, học tạm” tại căn nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, bản, thì cuộc sống sinh hoạt của các giáo viên tại đây cũng gặp nhiều khó khăn không kém. Toàn điểm trường Mầm non Dân Hóa có khoảng 35 cán bộ giáo viên nhưng lại chỉ có 3 phòng nội trú. Đa số các giáo viên ở đây từ miền xuôi lên giảng dạy nên đành phải sinh sống trong các ngôi nhà tạm hoặc nhà kho đựng đồ của trẻ để phục vụ tốt công tác giảng dạy. Cũng vì thiếu chỗ ở nên một số giáo viên phải chạy xe máy vượt hàng chục cây số để về nhà, một số giáo viên khác thì ở nhờ nhà người quen hoặc phòng của các trường khác.

Khu vui chơi của trẻ

Theo tìm hiểu, tại một số điểm trường, có nhiều giáo viên do đang có con nhỏ nên hàng ngày, các cô phải chạy xe cả trăm cây số đường núi lên về rất nguy hiểm.

Cô Thái Thị Kim Liên – Hiệu trưởng Trường mầm non Dân Hóa cho biết, việc thiếu thốn phòng học, nơi ở làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác giảng dạy và học tập của các giáo viên và học sinh.

“Hiện, Trường mầm non Dân Hóa còn thiếu ít nhất 8 phòng học và nhiều phòng ở cho giáo viên ở cách xa các điểm trường. Vì thiếu thốn nhiều nên công tác giảng dạy ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhà trường vẫn luôn động viên các giáo viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và phát huy tối đa sự sáng tạo để việc chăm sóc giáo dục trẻ được đảm bảo chất lượng tốt nhất” – cô Liên cho hay.

Duy Ninh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Thiếu phòng, mượn nhà văn hóa làm lớp học