Điện Bàn, Quảng Nam: Tại sao “cát tặc” vẫn có nhiều đất để diễn…?

Tân Mỹ|28/11/2018 15:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bà N.T.H, một người dân thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước bức xúc: Nhiều năm nay, doanh nghiệp của bà Lê Thị Tiện đã lợi dụng giấy phép tập kết cát của UBND tỉnh Quảng Nam để hút trộm cát trên sông Thu Bồn, bất kể ngày, đêm. Việc này đã khiến dòng chảy bị thay đổi, ăn sâu vào bờ khiến hàng chục hộ dân bị mất hàng ha đất. Người dân đã rất nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng đều không có kết quả, khiến lòng tin của người dân đối với chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam bị giảm sút.

Mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam đã ra văn bản quy định rõ: “Chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi, sạn vào ban ngày, từ 06h00 đến 18h00 hàng ngày, đối với tháng 01 đến hết tháng 9 dương lịch. Và từ 06h00 đến 17h00 đối với tháng 10 đến hết tháng 12 dương lịch hằng năm. Nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ khai thác”. Tuy nhiên, nhiều năm nay, doanh nghiệp trên địa bàn xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn ngang nhiên vi phạm mà không bị bất cứ lực lượng nào vào cuộc xử lý khiến người dân giảm sút lòng tin nơi công quyền.

>> Quảng Nam: “Cát tặc” tung hoành trên sông Thu Bồn – (Bài 1): Tại sao cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động?

>> Quảng Nam –  Bài 2: “Cát tặc” hoạt động mạnh ở vùng giáp ranh

>> Quảng Nam: Cần xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép ở bãi bồi sông Thu Bồn

Bến tập kết cát của bà Lê Thị Tiện hoạt động suốt đêm

Như để minh chứng, bà H cầm ra nhiều tờ “Đơn kêu cứu” với những khoảng thời gian ghi trên đơn khác nhau. Nhưng tựu trung lại nội dung của các đơn, thư phản ánh cùng một vấn đề, đó là: “Hộ bà Lê Thị Tiện, mở bến cát với 5- 6 ghe hoạt động hút trộm cát suốt đêm với số lượng lớn khiến dòng chảy bị thay đổi, hàng năm lở sâu vào bờ từ 50 – 100m. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chỉ khoảng 2 năm nữa, hàng chục hộ tại đội 10, thôn Nhị Dinh 3 sẽ rơi cả xuống lòng sông. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, trong các buổi tiếp xúc cử tri, lãnh đạo địa phương biết, nhưng vẫn để cho doanh nghiệp trên tiếp tục tổ chức hút cát trộm…”

Ông N.V.L, năm nay đã ngoài 70 tuổi nhớ lại: Trước đây, biền đất này ở tít mãi giữa lòng sông, nước rất trong và nông, mùa cạn chỉ ngang ngực nên người dân lội qua dễ dàng. Khu vực này cũng là nơi nổi tiếng về món hến ngon, ngọt của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, cách đây hơn 10 năm, do “cát tặc” lộng hành khai thác cát bất kể ngày đêm, nhất là từ khi doanh nghiệp của bà Lê Thị Tiện mở điểm tập kết cát tại khu vực này, thường xuyên hút trộm cát trên sông đã khiến con sông sâu lút cây tre, hến vì đó cũng “biến mất”, hằng năm đất lở sâu vào trong biền đất cả trăm mét. Riêng nhà ông đã lở đi mất hơn 5 sào (2.500m2) đất hoa màu, còn các nhà khác, người ít thì cũng mất 2 – 3 sào, nhiều thì 5 – 7 sào.

Đất của người dân thôn Nhị Dinh 3 bị lở sâu vào bờ hàng trăm mét do khai thác cát lậu

Trước phản ánh của người dân, phóng viên Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã có nhiều buổi xâm nhập thực tế để “mục sở thị”. Chiều ngày 20/11/2018, khi phóng viên đang phỏng vấn người dân tại gần khu vực bến tập kết cát của bà Lê Thị Tiện, nhiều lượt người với vẻ mặt hầm hố đã không ngừng dùng xe máy lượn quanh với vẻ rất cảnh giác. Thậm chí có người đàn ông đi xe bán tải biển kiểm soát 92…. còn ra hỏi thẳng và đề nghị “vào quán cafe để trao đổi chút việc”. Thấy phóng viên kiên quyết không gặp, người đàn ông này lại quay sang xin số điện thoại. Không đạt được mục đích, người này lầm bầm “để xem làm gì được nhau”.

Người dân nhiều lần gửi “Đơn kêu cứu” nhưng không được hồi đáp

Trong nhiều đêm tiếp theo, phóng viên Moitruong.net.vn đã liên tục bám trụ tại khu vực bán cát của bà Lê Thị Tiện và thấy đúng như người dân phản ánh: Bến tập kết cát của bà Tiện hoạt động bất kể đêm ngày.

Điển hình đêm ngày 21/11/2018, chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, từ 20h – 21h30, đã có 4 lượt ghe chở đầy cát ra vào bãi của bà Tiện để xuống hàng. Còn đêm ngày 22/11/2018, mặc dù trời có mưa khá lớn, nhưng trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ, từ 21h30 – 22h30, có 3 lượt ghe ra vào để xuống cát.

Anh L.T.T, một người dân thôn 9 nhiều đêm đi thực tế cùng phóng viên bức xúc: “Tiếng ghe máy nổ rất to, đêm nào cũng như đêm nào, hàng mấy chục lượt ghe hút trộm cát đổ về bãi. Chuyện ban đêm mà “rõ như ban ngày”, người dân ai cũng biết nhưng chính quyền từ xã đến huyện, đến tỉnh thì… không ai biết. Cát hút ban đêm thì chắc chắn là cát lậu vì sau 17h các mỏ, bến cát không được phép hoạt động. Như vậy, tài nguyên khoáng sản quốc gia bị rút ruột, người dân khổ sở vì “cát tặc” gây ra, cộng thêm các hệ lụy về lũ lụt, mất đất, mất nhà khiến ai nấy đều bức xúc. Rất mong chính quyền nhanh chóng vào cuộc”.

Người dân thôn Nhị Dinh phản ánh với phóng viên về việc doanh nghiệp hút trộm cát

Theo tìm hiểu của phóng viên Moitruong.net.vn, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 3219/UBND- KTN ngày 15/6/2018, trong Công văn cũng nêu rõ: “còn tình trạng bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ chức năng trong bộ máy cơ quan nhà nước và chủ doanh nghiệp được cấp phép” dẫn đến “một số bến, bãi không có giấy phép, hồ sơ môi trường, không nằm trong quy hoạch vẫn ngang nhiên hoạt động. Các đối tượng lợi dụng bến thủy nội địa và bãi tập kết để khai thác, tàng trữ cát sỏi trái phép…”.

Trong Công văn 3219/UBND- KTN cũng yêu cầu: “Chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi, sạn vào ban ngày, cụ thể như sau: Từ 06 giờ 00 đến 18 giờ 00 hàng ngày đối với tháng 01 đến hết tháng 9 dương lịch hàng năm. Và từ 06 giờ 00 đến 17 giờ 00 đối với tháng 10 đến hết tháng 12 dương lịch hàng năm. Nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ khai thác”.

Như vậy việc bến cát của bà Lê Thị Tiện hoạt động suốt đêm như người dân phản ánh là có thực, còn việc có hay không “tình trạng bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ chức năng trong bộ máy cơ quan nhà nước và chủ doanh nghiệp được cấp phép”, rất cần sự vào cuộc nghiêm túc của các ngành chức năng, UBND tỉnh Quảng Nam.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tân Mỹ


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Bàn, Quảng Nam: Tại sao “cát tặc” vẫn có nhiều đất để diễn…?