Quảng Ninh: Cấp bách bảo vệ môi trường biển

(Theo TN&MT)|23/07/2016 04:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tận dụng được lợi thế địa phương ven biển để nhanh chóng tăng tốc phát triển kinh tế, nhưng đồng thời, cũng cho thấy rõ những tác động tiêu cực về môi trường biển. Thực tê, đòi hỏi Quảng Ninh cần sớm thực hiện những giải pháp làm sạch môi trường biển, ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

images1627798_T8a

Ô nhiễm do rác thải ở vùng nước ven bờ Vịnh hạ Long

Phát triển đi kèm… ô nhiễm

Những năm gần đây, Quảng Ninh có tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp, du lịch, đô thị hóa… Việc phát triển nhanh và “nóng” của một số ngành kinh tế đã tạo ra nguồn thải lớn. Điển hình là ngành than, cùng với sản lượng tăng, nguồn thải gây ô nhiễm của ngành này ngày càng tăng. Dù đã cơ bản thu gom, xử lý được nước thải mỏ nhưng các nguồn nước mặt rửa trôi bãi thải, đường chuyên dùng, bến bãi ven biển… vẫn chưa được thu gom, xử lý triệt để. Thế nên mỗi khi mưa lũ, bùn đất và các chất ô nhiễm vẫn “vô tư” trôi thẳng xuống biển.

Trong hoạt động du lịch, việc phát triển nhanh số tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, nay đã lên tới 553 chiếc, gây áp lực lớn với môi trường biển. Trong khi giải pháp thu gom rác, nước thải la-canh của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã được quan tâm, hoạt động này ở Vịnh Bái Tử Long (chưa kể tàu cá, phương tiện neo đậu, qua lại) vẫn chưa được để ý tới! Ngoài ra, còn nhiều hoạt động gây tác động xấu tới môi trường biển như các nhà hàng, bè nổi phục vụ du lịch ven bờ vịnh, các phương tiện kinh doanh xăng dầu (cả có phép và không phép)…

Một vấn đề khác là việc đầu tư hạ tầng xử lý nước thải không theo kịp tốc độ đô thị hóa nhanh. Đây cũng là một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường biển. Hiện, hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở các khu đô thị hầu hết chưa được đầu tư xây dựng hoặc hoạt động chưa hiệu quả. Điển hình, TP. Hạ Long có 5 trạm xử lý nước thải tập trung nhưng hiệu quả rất kém. Cụ thể, Nhà máy xử lý nước thải Bãi Cháy, Trạm xử lý phía Đông TP. Hạ Long luôn quá tải, chỉ xử lý khoảng 30% lượng nước thải phát sinh. Trạm xử lý nước thải khu đô thị Cột 5 – Cột 8 mới đạt 5 – 10% công suất, Trạm Hà Khánh công suất 7.000m3/ngày đêm, mới đạt khoảng 70%… Ở nhiều khu vực ven biển, hệ thống cống, rãnh thoát nước thải cho khu dân cư, nhà hàng, khách sạn… vẫn chưa có phương án thu gom, xử lý đạt chuẩn mà xả thẳng ra vịnh. Điển hình là khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long có trên 24 cống nước thải sinh hoạt thuộc khu Lán Bè – Cột 8, Cao Xanh – Hà Khánh đang xả thẳng xuống vịnh mà không qua xử lý.

Trong khi đó, nhiều khu đô thị, khu dịch vụ quy mô lớn mới đầu tư, yêu cầu phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng chủ đầu tư chưa xây dựng hoặc hoạt động kém hiệu quả như: Khu đô thị Hùng Thắng (Tập đoàn BIM), khu đô thị Hà Khánh, khu du lịch Tuần Châu…

Cùng với đó, các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển, giao thông thủy, việc phát triển nhiệt điện, các khu công nghiệp chế biến thực phẩm, sợi ở các địa phương ven biển cũng gây ra những thách thức lớn đối với việc bảo vệ môi trường biển.

Cần hành động ngay!

Trước những khó khăn thách thức đó, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có những giải pháp nhất định để bảo vệ môi trường biển. Đó là việc hoàn thành công tác “Điều tra hiện trạng sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh”. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức các hoạt động: Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam; chiến dịch làm sạch biển, trồng rừng ngập mặn; tập huấn nâng cao kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu; triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Bên cạnh các dự án đầu tư bảo vệ môi trường, tỉnh cũng tham gia hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực từ dự án JICA, dự án do Quỹ Môi trường thế giới Pháp (FFEM)…

Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường biển, việc làm và ưu tiên hàng đầu là phải khẩn trương giám sát các nguồn xả thải gây ô nhiễm, hạn chế ô nhiễm từ những ngành kinh tế có nguy cơ cao. Cụ thể, đối với ngành than, cần khẩn trương triển khai các giải pháp, các dự án xử lý nước thải bề mặt; thay thế ô tô vận tải than ra cảng bằng băng tải, đường sắt; hoặc trang bị các trạm rửa xe trên các tuyến đường từ mỏ ra. Ngành than cũng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường, đảm bảo chi phí bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, cải tạo phục hồi môi trường đối với các khai trường, bãi thải mỏ…

Đối với dịch vụ du lịch, các cơ quan chức năng cần kiểm soát nguồn ô nhiễm từ hoạt động du lịch, vận tải trên biển bằng việc thực hiện nghiêm yêu cầu lắp đặt và giám sát hoạt động của thiết bị phân ly dầu nước, đẩy nhanh việc đưa dầu diezel sinh học vào sử dụng, có phương án thu gom nước thải la-canh trên Vịnh Bái Tử Long. Cùng với tuyên truyền vận động, cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm những người kinh doanh dịch vụ du lịch và cả du khách xả rác thải ra môi trường. Ngoài ra, tỉnh nên khẩn trương đầu tư, hoàn thiện, nâng công suất các trạm xử lý nước thải… để giải quyết vấn đề nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp.

(Theo TN&MT)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Cấp bách bảo vệ môi trường biển