Rác nhựa, vấn đề nan giải ở Châu Á

Ngọc Lan (T/H)|21/08/2018 01:44
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tác giả sản phẩm nấm dược liệu giành huy chương vàng Diễn đàn Phụ nữ sáng tạo 2018

(Moitruong.net.vn) – Ô nhiễm do rác nhựa gây ra đang là một trong những vấn nạn lớn của nhân loại. Bởi sức ảnh hưởng của chúng không chỉ dừng lại ở con người mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sinh vật và đặc biệt là biển.

Những cái chết đến từ rác nhựa

Cái chết hồi tháng 6 vừa qua của một con cá voi hoa tiêu ở Songkhla, miền Nam Thái Lan, đã gây ra nhiều tranh cãi và làm dấy lên cả cảm giác có lỗi ở quốc gia này. Con vật được tìm thấy trong tình trạng hấp hối tại một con kênh gần khu vực giáp biên giới Malaysia.

Sau 5 ngày tìm cách cứu chữa và ổn định sức khỏe cho con cá voi, một nhóm các bác sĩ thú y Thái Lan cuối cùng phải chấp nhận thất bại. Con cá voi được xác nhận đã chết vào ngày 1/6 và trước khi qua đời, nó còn nôn ra 5 chiếc túi nilon.

Kết quả khám nghiệm tử thi cá voi còn cho thấy một sự thực hãi hùng hơn. Người ta đã tìm thấy hơn 80 túi nilon cùng nhiều vật dụng bằng nhựa khác có tổng trọng lượng lên tới 8kg.

Thon Thamrongnawasawat, một nhà sinh vật học đại dương và là giảng viên thuộc Đại học Kasetsart cho biết rằng, cá voi không thể sống sót sau khi lâm vào tình cảnh bi đát này, đơn giản bởi nó không thể ăn được bất cứ thứ gì nữa. “Nếu có 80 chiếc túi nilon nằm trong bụng, bạn chắc chắn sẽ chết”, ông nói.

Rác nhựa tràn ngập biển. Ảnh: Ảnh: The Surf Institute

Cá voi hoa tiêu không phải là nạn nhân duy nhất của rác nhựa ở Thái Lan – một trong những nước xả rác nhựa ra môi trường nhiều nhất thế giới.

Nhiều loài sinh vật biển như cá heo, rùa, kể cả những nhóm đang nằm trong tình trạng bị đe dọa, gần đây được tìm thấy đã chết ở Thái Lan với cùng nguyên nhân.

Trước sự kiện bi thảm liên quan tới con cá voi hoa tiêu, một đoạn video được thợ lặn người Anh Rich Horner ghi lại hồi tháng 3, cho thấy anh đang bơi qua các vùng nước nông đầy rác nhựa nằm ngay ngoài đảo resort Bali nổi tiếng của Indonesia, cũng đã được rất nhiều người chia sẻ.

Khán giả không khỏi kinh hoàng khi thấy Horner cùng một con cá đuối và một con cá cảnh khác, bị vây quanh bởi đủ loại túi và bao nilon.

Cách đó không xa, tại Mumbai, Ấn Độ, xác một con cá voi cũng mới trôi dạt từ biển Arabian vào bờ gần đây. Con vật xấu số nuốt phải rác nhựa và cũng mất mạng như con cá voi ở Thái Lan.

Hàng loạt quốc gia có lệnh cấm sử dụng bao bì nhựa

Hôm 10/8, chính phủ New Zealand thông báo kế hoạch dần tiến đến quy định cấm sử dụng các bao bì nhựa (ni-lông) dùng một lần để gói hàng trong vòng năm sau.

Khi thông báo kế hoạch này, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã nhấn mạnh tính khẩn cấp và tính nghiêm trọng của vấn đề rác thải nhựa. Bà nói: “Hàng năm ở New Zealand, chúng ta tiêu thụ hàng trăm triệu bao bì nhựa dùng một lần. Nhiều bao bì nhựa đang gây ô nhiễm cho môi trường bờ biển và hải dương quý giá của chúng ta và gây nguy hại cho tất cả các loài sinh vật biển. Điều này vẫn xảy ra khi có có sự lựa chọn khả dĩ khác cho người tiêu dùng và doanh nghiệp”.

Bà mời người dân đóng góp ý kiến về ngày bắt đầu thực thi tiến trình dần loại bỏ bao bì nhựa dùng một lần cũng như nên miễn trừ tiến trình này cho những ngành kinh doanh nào.

Các nhà bán lẻ được cho thời hạn sáu tháng để dần loại bỏ việc sử dụng bao bì nhựa dùng một lần. Sau giai đoạn đó, nếu vi phạm quy định cấm sử dụng bao bì nhựa dùng một lần, họ sẽ đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 100.000 đô la New Zealand (1,5 tỉ đồng Việt Nam).

Tại Úc, hai bang Queensland và Tây Úc đã thực hiện lệnh cấm các các nhà bán lẻ sử dụng bao bì nhựa dùng một lần để gói đồ cho khách hàng từ tháng 7.

Theo luật bang Queensland, các nhà bán lẻ bị phát hiện đưa bao bì nhựa cho khách gói hàng (dù tính phí hay không) sẽ bị phạt lên đến mức 6.300 đô la Úc. Bang Victoria cũng đã thông báo kế hoạch tương tự vào năm 2019.

Rác nhựa và rác sinh hoạt chất đống tại một bãi biển ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Lao Động

Hồi đầu năm nay, lãnh thổ Đài Loan thông báo kế hoạch dần loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần. Theo đó, bắt đầu từ năm 2020, các nhà hàng, quán ăn sẽ bị cấm sử dụng ống hút nhựa.

Bắt đầu từ năm 2025, người tiêu dùng sẽ bị tính phí khi sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, ly dĩa, bao bì nhựa tại các cơ sở bán lẻ. Đến năm 2030, Đài Loan sẽ cấm sử dụng các sản phẩm này hoàn toàn.

Cục Bảo vệ môi trường Đài Loan (EPA) cho biết trung bình mỗi người dân Đài Loan sử dụng 700 bao bì nhựa. EPA muốn giảm con số này xuống còn 100 vào năm 2025 và về mức zero vào năm 2030.

Cuộc chạy đua hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần diễn ra khi nhiều tổ chức và chuyên gia cảnh báo về hậu quả môi trường do các các vi hạt nhựa (microplastics) gây ra. Song, trừ phi các nỗ lực như vậy phát triển trở thành một cuộc vận động lớn quy mô toàn cầu dựa trên sự hợp tác và các thỏa thuận quốc tế với các mục tiêu cụ thể, mối đe dọa rác nhựa ngày chỉ càng trầm trọng hơn.

Ngọc Lan (T/H)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rác nhựa, vấn đề nan giải ở Châu Á