Rừng nhiệt đới Amazon có nguy cơ bốc cháy

Đăng Lâm (t/h)|22/10/2018 06:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những số liệu và nghiên cứu gần đây đang cảnh báo rừng nhiệt đới Amazon –  “lá phổi” của hành tinh đang có nguy cơ bốc cháy.

>>>Hà Nội: Chỉ số chất lượng không khí được cải thiện

>>>Sóng radio tần số siêu cao (UHF) làm sạch không khí tại Giải chạy New Delhi 2018

Một khoảng rừng Amazon bị phá hủy để xây dựng cơ sở khai thác khí đốt ở Cuzco của Peru. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khoảng thời gian này, khu rừng nhiệt đới khổng lồ đã chịu 3 đợt khô hạn tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua. Theo dự đoán, các đợt khô hạn sẽ kéo dài hơn và thường xuyên hơn tại khu rừng này trong những thập kỷ tới. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ tính toán, trong khoảng thời gian từ năm 1999 – 2010, có tới 3% diện tích rừng Amazon đã bị cháy. Diện tích rừng bị cháy còn vượt cả diện tích bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng và hoạt động canh tác nông nghiệp. Trong tương lai, khu rừng nhiệt đới này sẽ có ít thời gian để phục hồi hơn giữa các đợt khô hạn.

Đến nay, giới khoa học vẫn tin rằng các khu rừng nhiệt đới trên thực tế gần như miễn nhiễm với lửa tự nhiên, và rất ít khi có sét đánh gây cháy mà không kèm theo trời mưa. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi và vượt ra ngoài tầm kiểm soát khi trời ngừng mưa. Khác với các đám cháy tại các khu rừng ôn đới khô hanh, tính chất của rừng nhiệt đới khiến cho mỗi đám cháy đều tạo điều kiện thuận lợi cho các đám cháy còn lớn hơn vào năm sau.

Trong những năm bình thường, hơn 7 triệu km2 rừng nhiệt đới của Amazon hoạt động như một máy hút CO2 tự nhiên của toàn cầu: khối lượng CO2 được hấp thụ luôn cao hơn so với khối lượng CO2 bị thải ra. Tuy nhiên, trong những năm khô hạn, khi nhịp độ tăng trưởng của thảm thực vật suy giảm và các cây lớn bị chết, khối lượng CO2 được hấp thụ sụt giảm.

Khi đó, Amazon không chỉ không thể hoàn thành chức năng “lá phổi hành tinh” mà còn dần chuyển thành một nguồn thải khí CO2. Thêm vào đó, hậu quả của khô hạn nghiêm trọng sẽ kéo dài vài năm.

Các nhà khoa học nhận định có 3 biện pháp quan trọng mà chính phủ các nước có rừng Amazon có thể áp dụng: thứ nhất là việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu trọn vẹn về cơ chế tác động phức tạp giữa khô hạn, cháy rừng và phá rừng. Thứ hai, từ các dữ liệu hoàn chỉnh trên, đề ra các chính sách ứng phó mang tính tổng thể hơn với tất cả các loại nguy cơ đối với rừng nhiệt đới và cuối cùng là trang bị trang thiết bị và các trợ giúp phòng chống hỏa hoạn khác cho các cộng đồng thổ dân bản địa sống trong rừng.

Giờ đây, hiện tượng biến đổi khí hậu đang nhân rộng những hậu quả tai hại mà hoạt động của con người gây ra cho “lá phổi” của hành tinh, cuộc đấu tranh bảo vệ rừng già Amazon sẽ không chỉ giới hạn ở việc ngăn ngừa khai thác trái phép, mà còn có cả cuộc chiến chống lại cháy rừng.

Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, nơi tập trung tới 1/3 đa dạng sinh học của toàn cầu, hấp thụ 10% khí thải CO2 và sản sinh ra 20% lượng O2 của toàn thế giới, từ lâu rừng Amazon đã được mệnh danh là “lá phổi” của hành tinh.

Đăng Lâm (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng nhiệt đới Amazon có nguy cơ bốc cháy