Sau “đường lưỡi bò”, phát hiện thêm giáo trình đại học ghi quần đảo Trường Sa thành Nam Sa

Hạnh Mai (t/h)|05/11/2019 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngoài sách “Developing Chinese” có in bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong quá trình phê duyệt kịp thời phát hiện thêm cuốn giáo trình có nội dung xâm phạm chủ quyền.

Trong danh sách các giáo trình, ngoài môn Đọc, Hội đồng thẩm định của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ còn phát hiện ra cuốn giáo trình “Tổng quan về Trung Quốc” (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 2018” ghi quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa (ghi sai thành Tây Sa), quần đảo Trường Sa (ghi sai là Nam Sa).

ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết trong quá trình kiểm định, Phòng Khoa học và Đảm bảo chất lượng đã phát hiện và loại cuốn sách ra khỏi danh sách giáo trình thẩm định vì sai với pháp luật và quy định trên biển Đông của các nước có liên quan.

Danh sách các giáo trình lựa chọn ngoài của Khoa tiếng Trung – Nhật được khoa đưa lên Ban giám hiệu xem xét, phê duyệt, trước khi đưa vào sử dụng chính thức. (Ảnh: Anh Thư)

Trước đó, hai cuốn sách in hình “đường lưỡi bò” phi pháp của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thuộc bộ giáo trình “Developing Chinese”, dùng cho sinh viên khoa Tiếng Trung – Nhật.

Trong đó, cuốn “Elementary Reading and Writing Course” (Đọc – Viết) có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được in to, rõ nét. Cuốn “Elementary Listening Course” (Nghe) có hình ảnh “đường lưỡi bò” in nhỏ, mờ.

Lý do bà Đào Thị Thúy Hằng, Phó trưởng khoa Trung – Nhật (Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Hà Nội) đưa ra là “năm học này lượng sinh viên vào đông, giáo trình đang sử dụng đã cũ, khoa lại chủ trương đổi mới, đột phá, nhân cơ hội này cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy”.

Giáo trình “Developing Chinese”, sinh viên mang về từ 3 năm trước, tuy nhiên học kỳ này khoa mới sử dụng. Tuy nhiên, bà Hằng không nhớ sinh viên nào mang cuốn sách này về.

Bà Hằng nhận trách nhiệm vì khoa Tiếng Trung – Nhật đã sai sót trong quá trình tìm hiểu cuốn sách, chỉ tập trung ngữ pháp, phương pháp giảng dạy, kết cấu bài học, mà không xem kỹ hình vẽ.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết trường đã bán 716 thuộc bộ “Developing Chinese”, giá mỗi cuốn 30.000 đồng. Nhà trường đã thu hồi hơn 1.000 cuốn (gồm nhiều cuốn sinh viên tự photo), tất cả được lưu giữ ở khoa Trung – Nhật.

Hạnh Mai (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau “đường lưỡi bò”, phát hiện thêm giáo trình đại học ghi quần đảo Trường Sa thành Nam Sa