Tác phẩm dự thi MT 04 – Bức thư gửi tương lai: Gửi tôi năm 2050

09/12/2017 22:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Năm 2016 là năm của những thiên tai. Đầu tiên là đợt hạn hán khốc liệt tại Tây Nguyên kéo dài từ tháng 11 năm 2015 đến 2016 vẫn chưa dứt. Lần này đoàn chúng tôi được đến xã Cư K’Bang của huyện Ea Súp, Đắc Lắc. Trước mắt chỉ toàn một màu vàng úa, cả người, cây cối vật nuôi, tất cả đều héo hắt vì hạn hán. Thời tiết ngày càng thay đổi bất thường, phải chăng đó là sự tức giận của mẹ thiên nhiên? Người dân ở đây trông già đi trước tuổi vì thiếu nước, trên mỗi gương mặt là những nỗi lo mất mùa, đói khát. Cây cối chết khô, những cánh đồng xơ xác kéo dài đến hút mắt, gió vút qua làm chúng xào xạc tưởng chừng như sắp tự bốc cháy mà không cần mồi lửa. Dưới chân ruộng đồng nứt nẻ vết chân chim, những chiếc hố chôn gia súc chết, lác đác còn vài con bò gầy trơ hốc mắt, lang thang một cách uể oải. Người dân chỉ biết thở dài và kể lại chưa năm nào mà hạn lại kéo dài đến vậy. Đã hơn ba tháng người dân sống khổ sở vì thiếu nước. Nhờ phong trào “Một nắm khi đói bằng một gói khi no” chúng tôi đã...

(Moitruong.net.vn) – Tôi là Hoàng Văn Nam. Tôi sinh ra ở huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) quanh năm chịu nhiều thiên tai nên bản thân tôi luôn khao khát được góp công sức bé nhỏ của mình để giúp đỡ mọi người. Ngay khi trở thành sinh viên tôi đã đăng kí là thành viên của đội tình nguyện và tham gia rất nhiệt tình. Càng đi tôi càng thấm thía được câu nói “trăm nghe không bằng một thấy”, qua mỗi chuyến đi mới thấy được cái khó khăn, vất vả của người dân vùng lũ. Công việc của đội tình nguyện chúng tôi thường được giao là quyên góp cho đồng bào chịu thiệt hại do thiên tai gây ra. Từ những chặng đường đầy khó khăn và gian nan, nhìn những mảnh đời bất hạnh lòng tôi không khỏi xót xa. Và mỗi chặng đường đều để lại những kí ức khó quên, nó đã từng bước thay đổi suy nghĩ và nhận thức của bản thân tôi.

Ước muốn giúp đỡ người nghèo là động lực thôi thúc tôi lên đường đến với Mù Căng Chải – một thị trấn lâu đời xinh đẹp của người Mông ở quê hương Yên Bái. Ngày 2/8/2016 mưa lớn cùng với lũ quét đã cuốn trôi đi tất cả, để lại nhiều đau thương mất mát, hơn nữa đây còn là quê mình làm tôi đau xót biết bao. Nhóm tình nguyện chúng tôi đã kêu gọi sự đóng góp cứu trợ đồng bào lũ thông qua các trang mạng xã hội. Với số tiền nhận được gần 30 triệu và nhiều đồ dùng khác chúng tôi lên đường thực hiện sứ mệnh tình nguyện. Để đến được huyện Mù Căng Chải cả đoàn đã đi một ngày một đêm những chặng đường dài, đất đá bị sạt lở, nhiều đoạn chúng tôi phải đi bên dốc sườn núi hoặc băng qua đoạn nước ngập. Theo thông tin của cán bộ địa phương có 11 người bị mất tích, 6 người bị thương, 40 nhà bị sập, trâu bò bị cuốn trôi và hàng ngàn ha hoa màu mất trắng. Đau thương hơn cả là trong số những người bị mất tích có cả trẻ em. Những ánh mắt sợ hãi của bọn trẻ ở đây khi phải đối mặt với những cảnh tượng tàn khốc như vậy khiến chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Đầu tiên chúng tôi phát lương thực, quần áo và các nhu yếu phẩm, sách vở cho trẻ em. Sau đó cả đoàn cùng với cán bộ và người dân dọn dẹp, sửa sang nhà cửa và trường học. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt, nói chuyện, trao đổi với người dân để phần nào xoa dịu những mất mát đau thương mà họ phải gánh chịu. Đồng thời, đội chúng tôi đã phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương tổ chức vệ sinh môi trường, dựng lại nhà cửa cho người dân. Tuy chỉ có 1 tuần nhưng cũng đủ thấy được tình người ở nơi đây, người dân đứng xung quanh chiếc xe của đoàn ai cũng ôm ấp, bắt tay bịn rịn, xe lăn bánh rồi mà chúng tôi vẫn cố ngoái lại nhìn theo phía sau đoàn người vẫn đứng đó vẫy tay như một lời cảm ơn và hẹn gặp lại chúng tôi trong một dịp vui gần nhất.

Tháng 10 năm 2016, miền Trung trải qua một thảm cảnh đau thương, mất mát nặng nề khi lũ chưa kịp rút thì bão số 7 (Sakira) đổ bộ vào. Đồng hành với việc cả nước hưởng ứng phong trào “Đừng im lặng – Tất cả vì khúc ruột miền Trung thân yêu”, ban chấp hành đoàn trường đã tiến hành vận động, kêu gọi các bạn sinh viên cũng như các cán bộ giảng viên nhà trường ủng hộ số tiền được 15 triệu 900 cùng nhiều đồ dùng như sách vở, quần áo. Khi bão đi cũng là lúc chúng tôi lên đường. Xã Hương Trạch (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) là một xã vùng núi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lịch sử này. Mưa đã ngớt nhưng nước vẫn chưa rút, để vào được xã là một chặng đường vô cùng gian nan. Giữa mênh mông bốn bề là nước, hình ảnh những cánh tay vẫy từ nóc nhà kêu cứu thật đau lòng. Trâu, bò, lợn, gà, thóc lúa cứ theo dòng nước bị cuốn trôi đi. Nhiều gia đình lương thực tích trữ đã cạn kiệt, họ chỉ biết trông chờ vào đội cứu trợ. Không chần chừ thêm nữa, chúng tôi cùng với cán bộ xã chèo thuyền đi phát lương thực cho người dân. Có những ngôi nhà ngập đến tận nóc, chúng tôi di chuyển họ đến những nhà cao hơn để xin tạm trú. Nhìn những ánh mắt ngây thơ của trẻ con và sự lo lắng, buồn rầu của người lớn, lòng tôi không khỏi xót xa. Khi nước rút cảnh tượng còn lại chỉ là đống đổ nát hoang tàn. Theo thông tin của cán bộ xã có 4 ngôi nhà bị lũ cuốn và hàng trăm ha hoa màu bị thiệt hại, nhiều trường học bị phá hủy, ước tính thiệt hại lên đến 30 tỉ đồng. Lúc này chúng tôi bắt đầu dọn dẹp vệ sinh, tặng sách vở, quần áo và giúp người dân sửa chữa nhà cửa để họ sớm ổn định cuộc sống. Kết thúc hành trình 10 ngày cũng là lúc cả đoàn lên xe trở lại Thủ đô trong sự biết ơn và lưu luyến của người dân ở đây.

Trong tôi vẫn luôn hiện hữu hình ảnh về những mảnh đất nơi khô cằn, lũ lụt, sự đói khát, cây cối héo khô, hay những cái chết thương tâm, làng quê đổ nát, người già, trẻ nhỏ tiều tụy vì phải gồng mình gánh chịu sự giận dữ của đất trời. Nhớ lại những ngày ở Hà Tình hay Yên Bái chỉ ăn mỗi bữa một gói lương khô với uống nước cầm hơi rồi lại bắt tay vào công việc nhưng trong tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, được giúp đỡ biết bao nhiêu con người, cùng nhau vượt qua khó khăn càng làm tôi thấy cuộc đời này thật có ý nghĩa biết bao. Đoàn của chúng tôi có một khẩu hiệu đó là: “Người dân còn khổ, chúng tôi còn đi. Người dân còn cần, chúng tôi còn có”. Không cần biết họ là ai, nhưng họ còn phải chịu khổ thì chúng tôi luôn bên cạnh và giúp đỡ vô điều kiện. Có thể những điều nhỏ nhặt chúng tôi đã và đang làm chỉ giúp được người dân ứng phó với thiên tai chứ không thể giải quyết tận ngọn nguồn vấn đề được. Hi vọng các cấp chính quyền địa phương dành nhiều sự quan tâm đến người dân nhiều hơn nữa, luôn bên cạnh sát cánh cùng họ khi khó khăn. Với khả năng giúp đỡ của địa phương cũng như của nhà nước, người dân hoàn toàn có thể có những giải pháp tốt hơn rất nhiều so với khả năng của chúng tôi. Tôi mong muốn các dự án như “nhà chống lũ”, “chảy đi sông ơi” sẽ được nhân rộng hơn nữa ở các vùng lũ lụt và hạn hán để người dân không còn phải gánh chịu những nỗi khổ như bây giờ nữa. Nếu như mỗi một người trong chúng ta đều vì lợi ích chung của cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện hữu thì có lẽ đồng bào chúng ta sẽ có cuộc sống khác. Vậy sao chúng ta không cùng nhau bảo vệ mẹ thiên nhiên, gìn giữ một trái đất xanh, và mang lại cuộc sống tươi đẹp cho thế hệ mai sau.

Tham gia nhiều chương trình tình nguyện trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng giúp người dân khắc phục hậu quả chúng tôi cảm nhận được nỗi vất vả, nhọc nhằn của người dân vùng lũ. Như chúng ta đã biết, hiện nay, hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra ngày càng nặng nề, người dân đang phải gồng mình chống chọi với thiên tai bão lũ. Chính vì vậy, thể hiện rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với cộng đồng, nhóm chúng tôi đã đưa ra ý tưởng thành lập đội sinh viên tình nguyện mang tên GREEN SMILE EVERYWHERE (GSE).

Nhóm tác giả thực hiện:

  1. Đỗ Thị Thủy

Ngày sinh: 31/05/1996

Lớp ĐH4BK – Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

  1. Nguyễn Thị Phương

Ngày sinh: 06/05/1996

Số CMT: 017493911

Lớp ĐH4BK – Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

  1. Trần Duy Hoàng

Ngày sinh: 09/12/1996

Lớp ĐH4BK – Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

  1. Nguyễn Như Quang

Ngày sinh: 18/05/1997

Lớp ĐH5BK – Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

  1. Nguyễn Trọng Nam

Ngày sinh: 02/04/1998

Lớp ĐH7BK – Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác phẩm dự thi MT 04 – Bức thư gửi tương lai: Gửi tôi năm 2050