Tác phẩm dự thi MT 07 – Biến đổi khí hậu: Hiểm họa toàn cầu

09/12/2017 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tác động của biến đổi khí hậu

(Moitruong.net.vn) – Al Gore  – Người nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2007 vì những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đã khẳng định “Biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà nền văn minh nhân loại từng đối mặt từ trước đến nay”. Đúng như vậy biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa toàn cầu của nhân loại. Nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn từ hệ quả của việc biến đổi khí hậu gây ra. Theo nhận định của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu sự tác động của thiên tai.

Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao; mưa thay đổi thất thường; thiên tai, hạn hán… Đó là thể hiện của hiện tượng biến đổi khí hậu và gây ra hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của con người.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu sẽ làm suy giảm diện tích đất canh tác dẫn đến thiếu lương thực khiến việc di dân ngày một nhiều. Dẫn đến, số lượng người thất nghiệp ngày càng tăng, dân số vùng đô thị ngày một cao làm cho việc quản lý xã hội ngày một khó hơn, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều hơn, môi trường ngày càng ô nhiễm và dịch bệnh ngày một tăng cao…

Ngoài ra, biến đổi khí hậu sẽ khiến tình trạng xâm nhập mặn diễn ra sâu sắc hơn dẫn tới tình trạng thiếu nước sạch, thiếu nước ngọt.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu đã khiến thiên tai xảy ra với cường độ mạnh và có tần suất nhiều hơn, khó dự báo hơn. Tình trạng lũ lụt tàn phá nghiêm trọng đến thiên nhiên và con người. Với sức tàn phá kinh khủng, lũ lụt cuốn trôi lớp đất mặt vốn đã không mấy màu mỡ của nước ta, làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng của đất, hạn chế sự sinh trưởng của thực vật.

Không chỉ vậy, lũ lụt còn tàn phá những thảm thực vật, mất nơi sinh sống của động vật, một diện tích lớn rừng bị tàn phá. Đặc biệt nghiêm trọng lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, để lại nhiều nỗi thương xót không nguôi của các thành viên còn lại trong gia đình.

Lũ lụt ở các tỉnh duyên hải miền Trung trong vòng 20 năm qua (1980 – 1999) đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề: 5894 người chết; 943 người bị thương. Tổng thiệt hại vật chất ước tính 1304 tỷ USD.

Đặc biệt vào cuối năm 2016, miền Trung phải trải qua trận lũ lớn một điều hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây, bão lũ đến quá bất ngờ và không theo một kinh nghiệm về thời tiết và mưa lũ nào cả khiến người dân không kịp trở tay, gây thiệt hại vô cùng to lớn ước khoảng 26 người chết, thiệt hại lên đến hơn 600 tỷ đồng.

Gần đây nhất là cơn bão số 12, một cơn bão muộn và là cơn bão mạnh nhất, lớn nhất năm 2017 đã đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gây thiệt hại vô cùng nặng nề.

Hậu quả từ bão lụt gây ra thường phải từ 2 đến 3 năm sau trên cơ bản mới khắc phục hết được. (Trừ cơn đại hồng thuỷ năm 1999, phải 20 năm sau mới có thể khắc phục nổi).

Hạn hán kéo dài, hoang mạc hóa trên diện rộng cũng là một trong những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Duyên hải Nam Trung bộ nước ta là một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn hán gây ra, đặc biệt tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và phía Nam của tỉnh Khánh Hòa.

Hạn hán đe dọa các vụ đông – xuân, hè – thu với tổng diện tích chiếm tới 20,3% – 25% diện tích gieo trồng, là tác nhân chính gây nên tình trạng hoang mạc hóa.

Hạn hán làm gia tăng tính dễ cháy ở một số cánh rừng và khu vực đồi núi. Năm 1998 có khoảng 203.000 người bị thiếu nước ngọt do hạn hán gây ra. Hạn hán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh kinh tế của các địa phương, người dân lâm vào tình trạng thiếu ăn do không đủ nước tưới để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi…

Những hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt và hạn hán thì khó có thể kể hêt. Chính vì vậy, toàn thể cộng đồng cần nhận thức được ngay, đừng coi thường mạng sống của mình và nhanh chóng chung tay góp sức tìm ra giải pháp để có thể giảm thiểu phần nào tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

Giải pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu đối với cuộc sống

Thứ nhất, Việt Nam cần tham gia một cách chủ động và tích cực vào các chương trình do Liên hiệp quốc chủ trì về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thứ hai, bên cạnh đó, nước ta cần lập ra một tổ chức quy tụ nhiều nhà khoa học và các chuyên gia về vấn đề biến đổi khí hậu, cùng các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch để nghiên cứu và kịp thời đưa ra những dự báo về chiều hướng biến động của khí hậu.Từ đó, mô phỏng và có các biện pháp phù hợp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần liên kết với các tổ chức quốc tế để học hỏi và tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ, và nhà nước phải đầu tư thích đáng cho tổ chức. Các nội dung mà tổ chức cần làm như:

Một là, tổ chức các mạng quan trắc về biến đổi của nhiệt độ.

Hai là, nghiên cứu biến động về quy luật vận động của khí quyển, thủy quyển và về vận động kiến tạo hiện tại ở Việt Nam.

Bà là, tích cực tham gia Nghị định thư Montreal về giảm khí thải CFCs, Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải CO2 và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Bốn là, phát huy kết quả và thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện chương trình quốc gia đã được triển khai về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hạn chế tối đa tệ nạn cháy rừng, phục hồi nhanh chóng hệ sinh thái rừng ngập mặn đã bị tàn phá nặng nề.

Năm là, nước ta cần phải có một chiến lược đúng, đáp ứng nhu cầu gia tăng rất nhanh chóng về năng lượng, nhất là điện năng, phục vụ công nghiệp hóa đất nước. Nêu cao yêu cầu tiết kiệm năng lượng, hạn chế đến mức cần thiết việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt), sớm có kế hoạch phát triển năng lượng sạch như: Năng lượng khí sinh học (biogas, phế thải trong nông nghiệp ở nông thôn); năng lượng mặt trời (thiết bị đun nước nóng, chiếu sáng bằng pin mặt trời), khí gas (bãi rác đô thị); năng lượng gió (phát điện, bơm nước vào ruộng muối ở vùng ven biển, hải đảo); thủy điện.

Sáu là, xây dựng cơ sở dữ liệu (bản đồ, số liệu, ảnh vệ tinh phục vụ cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và biển dâng), cần đồng nhất và sử dụng một cơ sở dữ liệu trên toàn quốc.

Thứ ba, Chính phủ nước ta cần tổ chức quy hoạch vùng, đô thị, khu dân cư, cơ sở hạ tầng các lĩnh vực có liên quan cần phải hợp nhất với nhau để thực hiện như bên xây dựng, bên cầu đường, bên hệ thống thoát nước , bên điện cần được thống nhất bên nào làm trước bên nào làm sau một cách hợp lý, tránh trường hợp làm sai phải vỡ bỏ làm lại như một số nơi hiện nay ở nước ta.

Thứ tư, đối với ngành nông nghiệp cần: Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ hợp lý; Xác định cơ cấu giống cây trồng cho cây lúa, trong từng mùa vụ, cho từng vùng; Đảm bảo mật độ gieo trồng thích hợp; Khai thác tối đa ưu thế của lúa lai; Ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật; Làm tốt công tác thủy lợi; Nghiên cứu nhân giống các loại cây có khả năng chịu mặn cao để đưa vào canh tác ở một số vùng bị xâm thực mặn; Có thể trồng dừa nước ở các cửa sông để phần nào ngăn chặn dòng nước dâng.

Thứ năm, tăng cường công tác xây đắp đê điều hằng năm.

Thứ sáu, cần đẩy mạnh đào tạo những chuyên ngành như biến đổi khí hậu, môi trường, khí tượng thủy văn, địa chất… tại các trường đại học, cao đẳng qua đó phát triển một nguồn nhân lực lâu dài có kiến thức và biết được tầm quan trọng của biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, để mọi việc được thuận lợi, cần sớm tổ chức nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thảm họa của biến đổi khí hậu toàn cầu dựa trên cơ sở cộng đồng vì công việc chỉ thành công mỗi khi được đa số nhân dân thực hiện một cách tự giác, có hiểu biết và có trách nhiệm. Xuất phát từ thực trạng nói trên, chúng tôi đề xuất đưa ra ý tưởng “Tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông về biến đổi khí hậu tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

Nhóm tác giả thực hiện:

Họ và tên:  Đặng Thị Ngọc Giàu

Năm sinh: 1996

Sinh viên: Ngành khoa học môi trường, trường đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Họ và tên: Từ Văn Trung Nghĩa

Năm sinh: 1996

Sinh viên: ngành khoa học môi trường, trường đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Họ và tên: Nguyễn Cát Phương

Năm sinh: 1996

Sinh viên: ngành khoa học môi trường, trường đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác phẩm dự thi MT 07 – Biến đổi khí hậu: Hiểm họa toàn cầu