(Moitruong.net.vn)

– So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam có những lợi thế quan trọng về tài nguyên khoáng sản như Dầu khí, Than, Sắt, Quặng, Bauxit… Tuy nhiên, phát triển kinh tế thời gian qua, cùng với việc quản lý thiếu chặt chẽ, tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, hậu quả là đến nay tài nguyên thiên nhiên sắp cạn kiệt.

tainguyensaphetroi3

Thực tế, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, khu vực có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP là công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm lại – với mức tăng 6,82% – thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm sâu chủ yếu là do sự suy giảm của ngành công nghiệp khai khoáng ở cả 3 lĩnh vực chính là than, dầu và khí.

Sự sụt giảm của ngành khai khoáng không phải là do hoạt động sản xuất kinh doanh yếu kém, mà do rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm ở cả 3 nguồn chính là than, dầu và khí.

Đầu tiên ở khai thác dầu thô, năm 2015 đã khai thác được 16,7 triệu tấn, cao hơn 2 triệu tấn so với kế hoạch đề ra. Năm 2016, dự kiến sẽ khai thác 14,02 triệu tấn (thấp hơn kế hoạch 14,7 triệu tấn của năm 2015) nhưng để đảm bảo tăng trưởng GDP 6,7%, GSO cũng sẽ đề xuất khai thác thêm khoảng 2 triệu tấn dầu thô nữa.

Tuy nhiên, khai thác dầu chỉ là giải pháp tạm thời, Tổng cục Thống kê cho biết sản lượng dầu mỗi năm sẽ giảm, càng về sau càng giảm, và đến năm 2035 thì dự kiến nguồn dầu thô sẽ cạn kiệt. Do đó GSO khuyến nghị cần phải tính đến những kịch bản lâu dài như là đẩy mạnh các lĩnh vực khác bao gồm chế biến, chế tạo.

“Ngành công nghiệp khai khoáng giảm do nguồn tài nguyên ngày càng ít đi, điều kiện khoa học, khai thác ngày càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới giảm cũng đã làm cho nguồn thu của ngành khai khoáng, đặc biệt là dầu giảm theo ảnh hưởng chung tới ngành khai khoáng”, ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết.

tainguyensaphetroi2
Còn đối với than, từ năm 2014 trở về trước, Việt Nam là nước xuất khẩu than. Trong năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu 17 triệu tấn than với giá trị 1,6 tỷ USD. Năm 2012, chúng ta xuất khẩu 15,2 triệu tấn thu được 1,21 tỷ USD. Năm 2013 chúng ta đã xuất khẩu 12,8 triệu tấn, trị giá xuất khẩu là gần 916 triệu USD. Năm 2014, lượng than đá xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn.Đến năm 2015, VN dù vẫn xuất khẩu 1,26 triệu tấn than “đẹp” trong nước chưa dùng tới song đã phải nhập khẩu gần 500.000 tấn than … và dự kiến tiếp tục phải tăng lên trong thời gian tới.

Việt Nam từng được coi là “mỏ vàng đen” của châu Á và Đông Nam Á, với trữ lượng hiện khoảng 3,5 tỷ tấn. Tuy nhiên, sau một thời gian dài xuất khẩu hàng chục triệu tấn than mỗi năm đến nay VN phải chuyển sang nhập khẩu than. Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam dự kiến, đến năm 2020 phải nhập từ 20-30 triệu tấn than.

Việc một nước giàu có tài nguyên than lại phải nhập khẩu than sẽ khiến dư luận thế giới bất ngờ. Song, nếu tìm hiểu rõ nguyên nhân, thực tế đó hoàn toàn không khó hiểu. Đó là vì dù có thế mạnh về tài nguyên than, nhiều thập kỷ qua, Việt Nam chỉ chú trọng khai thác để xuất khẩu.

Chưa kể, trong năm 2015, lũ lụt chưa từng có ở Quảng Ninh đã gióng lên một hồi chuông báo động hệ lụy phải trả khi khai thác than triền miên, không chú ý đến môi trường, trong nhiều thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, theo một báo cáo của Bộ Tài chính, khai thác nhôm và bauxit ở Việt Nam không có lãi. Tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) chỉ có lãi vào các năm 2018 và 2021.

Về khoáng sản kim loại như vàng, bạc, đồng chì, kẽm, sắt, thiếc, molipden…, Việt Nam có rất ít không đáp ứng được các nhu cầu trong nước trong thời gian tới. Những loại khoáng sản này thế giới cũng cạn kiệt dần.

Việt Nam có một số loại đá quý như ruby, saphia, peridot nhưng trữ lượng không nhiều. Việt Nam lại không có kim cương – loại đá có giá trị kinh tế rất cao và có nhu cầu rất lớn.

Như vậy, bức tranh này cho thấy, tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận, và mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên không thể bền vững.

“Từ một nước xuất khẩu năng lượng, sắp tới, Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng. Nguy cơ không bảo đảm an ninh năng lượng, giảm năng lực cạnh tranh và tụt hậu so với các nước trong khu vực ngày càng cao” – TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng từng cảnh báo.

Bàn về tình trạng rừng không còn là vàng, biển không còn là bạc, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho hay, trong giai đoạn hội nhập, Việt Nam bước vào sân chơi thế giới ở đẳng cấp rất cao, nhưng thực lực của chúng ta rất thấp. Ông Thiên cho rằng Việt Nam cần xác định lại lợi thế thật trong điều kiện hiện tại của Việt Nam là gì.

“Trước đây, chúng ta liệt kê rất nhiều lợi thế. Chúng ta luôn tự hào về lợi thế rừng vàng, biển bạc, nhân công giá rẻ so với các nước bạn. Nhưng nay tài nguyên sắp hết, lợi thế lao động rẻ sắp không còn và ngân khố quốc gia ngày càng khó khăn. Giờ chúng ta còn gì?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Tổng cục Thống kê đề xuất khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô để tăng thu ngân khố tuy nhiên, cách này không bao giờ hiệu quả bởi tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn.

Ngân sách phải được xem xét từ góc độ chi. Ở góc độ này, có hai nguyên tắc vàng đang bị phớt lờ. Đó là chi luôn cao hơn thu, làm bội chi ngày càng tích tụ; và chi phát triển ngày càng theo tóp trong khi chi thường xuyên ngày càng rộng mở.

(Theo Trí Thức Trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên sắp hết rồi