Tăng cường quản lý hoạt động nuôi tôm nước lợ

Ngọc Lan|06/09/2018 08:16
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Giá xăng dầu đồng loạt tăng giá kể từ 15h chiều nay

(Moitruong.net.vn) – Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố ven biển để chỉ đạo Tăng cường quản lý hoạt động nuôi tôm nước lợ những tháng cuối năm 2018.

Ảnh minh họa.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường ở các tỉnh/thành phố ven biển: Tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mưa kéo dài, bão lũ diễn biến phức tạp; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa mưa về sớm, thường xuyên xuất hiện những cơn mưa đột ngột, mưa – nắng đan xen làm các chỉ số về nhiệt độ, độ mặn… trong ao nuôi khó kiểm soát.

Để hạn chế thiệt hại cho người nuôi và triển khai hiệu quả vụ nuôi tôm nước lợ năm 2018, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các tỉnh/thành phố ven biển tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện Khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2018 (theo hướng dẫn tại Văn bản số 3710/TCTS-NTTS ngày 18/12/2017); Tăng cường quản lý giống tôm nước lợ (Văn bản số 2502/BNN-TCTS ngày 02/4/2018); Quản lý nuôi trồng thủy sản bền vững (Văn bản số 1453/TCTS-NTTS ngày 27/4/2018); Tăng cường quản lý nuôi tôm, ngao/nghêu (Văn bản số 1563/TCTS-NTTS ngày 08/5/2018).

Ngoài ra, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ cụ thể, như: Chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để giảm tác động của thời tiết cực đoan và môi trường ô nhiễm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm lan tỏa mô hình nuôi hiệu quả tại địa phương.

Cử cán bộ bám sát địa bàn, nhất là những vùng nuôi trọng điểm để tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo mùa vụ, tiến độ thả giống, tình hình dịch bệnh… Khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để lây lan khi có dịch xảy ra.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi; Khuyến cáo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh khi môi trường không thuận lợi.

Đối với các trường hợp vi phạm về mua bán, sử dụng thức ăn, hóa chất cấm, chế phẩm sinh học không có trong Danh mục được phép lưu hành, giống thủy sản không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, những trường hợp xả nước thải, bùn thải chưa được xử lý ra môi trường xung quanh: Thanh tra chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm.

Tại những khu vực nuôi nhỏ lẻ, đẩy mạnh hướng dẫn người nuôi hình thành liên kết trong sản xuất; Hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn cung đầu vào có chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các tỉnh/thành phố ven biển đẩy mạnh nuôi tôm theo VietGAP và nhân rộng các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả (đặc biệt lưu ý các mô hình nuôi 2-3 giai đoạn, sử dụng vi sinh) để sản xuất nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho hoạt động chế biến.

Đối với nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi, cần được cơ sở nuôi xử lý tốt. Tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác; đảm bảo điều kiện môi trường thích hợp cho tôm sinh trưởng (duy trì nồng độ oxy hòa tan, độ mặn hợp lý, nhiệt độ nước ổn định); kiểm soát, khống chế sự phát triển của rong/tảo trong ao nuôi; định kỳ kiểm tra chất lượng nước, khống chế vi khuẩn có hại Vibrio trong ao nuôi (không vượt quá 400 khuẩn lạc/ml); đồng thời, bổ sung dòng vi khuẩn có lợi cho ao nuôi.

Ngọc Lan

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý hoạt động nuôi tôm nước lợ