Tết quê bà-Gợi nhớ kỉ niệm tuổi thơ

18/02/2018 07:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Bài thơ “Tết quê bà” của thi sĩ Đoàn Văn Cừ gợi nhắc tôi về những năm tháng tuổi thơ được ăn Tết ở quê ngoại.

Ngày Tết quê bà luôn là những ngày ấm áp

Quê bà tôi nằm heo hút ở bưng biền với bạt ngàn ruộng lúa. Bà ngoại đã già, tuổi ngoài 70, sống cùng cậu và mợ. Mỗi năm, cứ sau khi được nghỉ học là ba mẹ gửi tôi về bên ngoại nhờ bà ngoại trông giùm. Ba mẹ tôi làm nghề buôn bán nông sản trên sông. Đã có lần tôi ăn Tết cùng ba mẹ, nhưng họ mải mê bán hàng, nên tôi đã trượt chân té xuống nước. Chính vì thế mà từ đó ba mẹ không dám mang tôi theo vì sợ đuối nước.

Những chuyến hàng xa quê, lênh đênh trên sông nước đã làm ba mẹ hao mòn những bữa cơm sum họp bên gia đình. Hai người chỉ biết làm bạn với dưa hấu, khoai, thơm… Mãi đến khi hết Tết, tầm mùng mười tháng Giêng ba mẹ mới chèo ghe về, chứ không có máy đuôi tôm, phải mất nhiều ngày đường mới về đến nơi. Vất vả trăm bề nhưng ba mẹ vẫn không nản lòng, yêu sông nước, yêu ghe chèo như ngôi nhà thứ hai của mình.

Ngoại, cậu và mợ thương tôi lắm, bởi tôi là đứa cháu duy nhất trong nhà. Cứ sau ngày đưa ông Táo về trời là cậu đón xe đò đi rước tôi vì cậu biết ba mẹ tôi bận rộn và ngoại thì nhớ tôi từng phút từng giây. Những ngày cuối năm, tôi phụ cậu trang hoàng nhà cửa, đóng lại cái ghế, cái bàn. Chiếc tủ thờ được tôi và cậu dùng giấy nhám chà lại cho bóng rồi lấy véc ni đánh vào. Lư đồng, bình hoa được cậu khệ nệ bê từ bàn thờ xuống rồi trêu tôi: “Con đánh khi nào cho láng như da mặt của con mới được ngưng nghe chưa”. Tôi còn phụ bà và mợ làm mứt bí, mứt dừa, mứt sen… vì thích cái cảm giác vét chiếc chảo mứt vụn thơm ngon từ trên bếp và nhai ngấu nghiến. Khi phơi mứt ngoài sân, tôi có nhiệm vụ trông chừng lũ chim và mấy đứa trẻ hàng xóm phá bĩnh.

Cuối năm, khoảng 29 Tết tôi cùng ngoại đi chợ huyện. Chợ cách nhà 7 cây số nên hai bà cháu phải đi xe ngựa. 5 giờ sáng, ngoại đã đánh thức tôi dậy theo ngoại ra lộ lớn đón xe. Tôi vẫn còn ngái ngủ nên ngả vào lòng bà đánh một giấc thỏa thuê trên chiếc xe chật kín người đi chợ Tết. Tiếng móng ngựa lộc cộc trên con đường đá đỏ không làm tôi thức giấc.

Đến chợ, ngoại tìm ngay chỗ cho tôi ăn lót dạ, sau đó mới vào nhà lồng chợ mua những thứ cần dùng trong mấy ngày Tết. Chợ huyện trong mắt đứa trẻ ngây ngô như tôi thật lớn và lộng lẫy. Nhiều lần tôi suýt lạc ngoại vì mải ngắm gian hàng đồ chơi. Lần nào ra về ngoại cũng mua cho tôi mấy quả bóng bay hoặc vài con tò he.

Đêm ba mươi Tết, tôi thức cùng ngoại để nấu bánh tét, bánh dừa. Dù cặp mắt nhướng không lên nhưng tôi vẫn cố thức để nghe tiếng pháo giao thừa và xem bà cúng gia tiên. Bao giờ tôi cũng là người dùng đòn bánh tét ngon, béo đầu tiên. Lần nào cũng thế, cứ cúng ông bà xong là ngoại thở dài: “Tội cho ba mẹ cháu, giờ này phải lênh đênh trên sông, không biết bán buôn ra làm sao…”. Ngoại bỏ lửng câu nói rồi lên võng nằm chờ trời sáng. Tôi cũng nhớ ba mẹ ghê gớm lắm, mà thời đó làm gì có điện thoại di động để liên lạc nên đành chịu.

Sáng mùng Một, tỉnh giấc tôi đã có ngay bộ đồ mới ngoại ủi cho tôi mặc đi chơi Tết. Ngoại, cậu và mợ tặng cho tôi phong bao lì xì đỏ thắm, và câu chúc mau ăn chóng lớn để đỡ đần cho ba mẹ. Cậu dắt “con ngựa sắt” ra khỏi nhà, chở tôi và mợ ra hội chợ xã vui Xuân. Riêng ngoại thì ở nhà đón khách và bật radio nghe nghệ sĩ cải lương hát.

Những cái Tết dung dị như thế qua đi nhanh chóng, đến nỗi tôi muốn kéo lại cũng không kịp. Thoắt một cái chớp mắt tôi đã thành cha, ba mẹ tôi giờ đã già lắm, ngoại cũng đã ăn Tết ở một thế giới khác. Tết năm nào về ngoại, sau khi thắp nén hương xong, tôi đều nhìn di ảnh của bà thật lâu. Những ký ức xưa ùa về trong tiềm thức khiến mắt tôi chợt đỏ hoe. Nhớ quá đi thôi những ngày Tết ở quê bà!

Vũ Thanh Thanh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết quê bà-Gợi nhớ kỉ niệm tuổi thơ